Những kình ngư của biển: Thủ lĩnh thép của ngư đội bám biển
Gần 40 năm đi biển, ngư dân Cao Văn Thơ như một cánh chim đầu đàn trong Chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa
Đang chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày, nghe tin tàu cá KH99487TS của ông Lê Minh Trí, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đang xuất bến thì bị chìm ở khu vực biển cửa Bé, ông Cao Văn Thơ lập tức điều tàu đến hiện trường hỗ trợ.
Đóng tàu 23 tỉ đồng ra khơi
Khi ông Thơ đến, ông Trí hỏi như mếu: "Bác Thơ giờ xử lý sao? Tàu chưa đi đã gặp nạn thế này khổ quá, tổn phí mấy chục triệu đồng". Ông Thơ trấn an: "Tôi đã gọi sà lan đến rồi. Để xử lý trường hợp này cũng đơn giản thôi. Bây giờ điều 2 tàu ra kẹp 2 bên thành tàu chìm. Sau đó, đưa sà lan tới, dùng máy bơm hút hết nước ra là tàu nổi lên. Trước mắt, cứ gọi bảo hiểm đến chứng kiến lấy căn cứ để làm các thủ tục bảo hiểm".
Ông Thơ hiện là ủy viên Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường với 55 tàu thành viên. Trong đó, ông là đội trưởng của nhóm tàu xa bờ với khoảng 10 tàu. Ngày 20-8, dự kiến ông sẽ cùng 10 tàu trong nghiệp đoàn ra khơi thì một thành viên gặp nạn nên đành ở lại để hỗ trợ. "Từ khi vào nghiệp đoàn, ai có khó khăn gì thì tôi đều hô hào vận động để hỗ trợ nên ai có việc gì người ta cũng kêu. Mà tính tôi trước giờ vẫn vậy, gần 40 năm đi biển thì năm nào cũng hỗ trợ vài tàu gặp nạn" - ông Thơ nói.
Trở lại con tàu của ông Thơ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên về độ bề thế. Tàu chiếm một khoảng biển lớn ở cảng cá Hòn Rớ Nha Trang với giàn đèn cao hơn 10 m. Tàu cá gồm 2 tầng với nhiều thiết bị hiện đại. Đặc biệt, với hầm tàu phun Foam PU sẽ bảo đảm việc muối cá hiệu quả bậc nhất hiện nay. Ông Thơ cho biết con tàu KH99789TS của ông dài 33 m, rộng 8 m, chi phí đóng hơn 23 tỉ đồng.
Ông Cao Văn Thơ cho biết đây là con tàu thứ 4 của ông. Ngoài tàu này, ông có 3 tàu có công suất trên 200 CV chuyên câu cá ngừ đại dương. "Ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá hải sản hạ, ngư trường thường xuyên bị tàu lạ quấy nhiễu. Mỗi chuyến biển tốn chi phí hơn 200 triệu đồng, chưa tính lương cho thuyền viên. Mỗi lần bơm dầu ra khơi cũng phập phù lo âu, chưa biết lời lỗ thế nào. Nhưng nói thật là nghề biển thấm vào máu rồi. Không đi biển là cảm thấy ray rứt khó chịu. Hơn thế nữa, biển Đông cần ngư dân chúng tôi" - ông Thơ bày tỏ.
Ông Lê Đình Khiêm, Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho rằng để đóng được con tàu có công suất lớn, trang bị nhiều công nghệ hiện đại, ông Thơ phải bỏ vốn rất lớn. "Phải là người mạnh mẽ, dám đương đầu với khó khăn, một ý chí thép thì mới mạnh dạn đóng tàu lớn để ra khơi như ông Thơ" - ông Khiêm nhận định.
Ông Cao Văn Thơ hỗ trợ xử lý một tàu cá gặp nạn của Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường
Đoàn kết, nâng cao chất lượng
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, địa phương được xác định là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa. Toàn tỉnh có hơn 1.300 tàu công suất trên 90 CV, trong đó số tàu thuyền trực tiếp khai thác cá ngừ đại dương là 540 chiếc. Trên địa bàn có 6 cơ sở trực tiếp thu mua sản phẩm cá ngừ tại các cảng cá cung cấp nguyên liệu cho 10 nhà máy chế biến cá ngừ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả trong việc khai thác cũng như bảo đảm thu nhập ổn định cho ngư dân, Chi cục Thủy sản đã thành lập được 3 mô hình "Chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ". Cụ thể, năm 2016 là mô hình Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng với 120 tàu; năm 2017 là mô hình giữa Công ty TNHH Tín Thịnh và Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước với 25 tàu; mô hình giữa Công ty TNHH T&H Nha Trang và Tổ hợp tác nghề cá Trường Sa với 7 tàu tham gia.
Ông Lữ Thanh Phong, Phó Phòng Quản lý Khai thác và Phát triển Nguồn lợi - Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết các tàu cá tham gia chuỗi với tinh thần tự nguyện. Khi đánh bắt hải sản thì phải theo đúng quy trình mà doanh nghiệp yêu cầu về sơ chế, dụng cụ sơ chế, phương thức bảo quản. Các công ty có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá ngừ theo giá thị trường, đồng thời có chương trình khuyến khích hỗ trợ cho các tàu đạt năng suất và chất lượng sản phẩm tốt.
Trong 2 năm 2017 và 2018, hoạt động theo chuỗi có tổng cộng 902 chuyến biển được giao dịch với tổng sản lượng hơn 1.120 tấn, chất lượng bảo quản đạt tiêu chuẩn từ 95%-97%. Mỗi năm, các công ty trên đã khen thưởng 42 chủ tàu có sản lượng và chất lượng cao.
"Trong những lần khen thưởng thì ông Thơ luôn là người đứng đầu danh sách vì đạt thành tích tốt về số lượng và chất lượng. Ông Thơ xứng đáng là thủ lĩnh của "Chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ" của các ngư đội Hoàng Sa - Trường Sa khai thác, bám biển" - ông Phong đánh giá.
Mô hình tiêu biểu Vì đạt nhiều thành tích trong năm 2017, Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng được UBND tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen Nhân tố mới đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến điển hình. Năm 2018, mô hình chuỗi giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác Phước Đồng được chọn là mô hình tiêu biểu và được giới thiệu tại Hội thảo các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa. |
Giữ biển! "Có lỗ chuyến biển cũng đi!" - câu nói của thuyền trưởng Lương Công Xuyên (41 tuổi; ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) trước khi cho tàu xuất bến hôm 20-8 vừa qua thể hiện sự quyết tâm bám biển của những kình ngư. Chiều dài tàu cá của ông trong hồ sơ không đủ 15 m, bị vướng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên ra khơi sẽ không được hỗ trợ chuyến biển, nhưng ông cũng như nhiều kình ngư khác không thể ngồi bờ. Chưa bao giờ cảng cá Đông Tác, TP Tuy Hòa lại tấp nập như hôm 20-8 vừa qua. Gần 200 tàu cá nhổ neo, hướng về vùng biển Trường Sa. Nhiều tàu trong số đó cũng đang bị vướng quy định về chiều dài, không được hỗ trợ chuyến biển, nhưng điều đó không ngăn được họ ra khơi bám biển. Họ ra khơi lúc này không chỉ vì miếng cơm manh áo, vì con cá, con mực; họ ra khơi còn để làm nhiệm vụ giữ biển. Bởi hơn ai hết, họ hiểu ngồi bờ trong lúc này là có tội với tổ tiên, có tội với quê hương. Biển đã sinh họ ra, biển đã nuôi họ lớn, biển này là của họ, họ không thể để mất biển. Có thể họ không làm được gì lớn lao nhưng mỗi chiếc tàu cá của ngư dân Việt Nam ra khơi lúc này là cắm thêm 1 cột mốc sống khẳng định: Biển này là của Việt Nam! Bất khả xâm phạm! Ai đã từng đến cảng cá mỗi khi tàu xuất bến, nhìn hình ảnh những thuyền trưởng trân trọng ra sao khi treo lá cờ Tổ quốc lên nóc tàu mới thấy hết sự thiêng liêng trong mỗi chuyến ra khơi. Và ai đã từng lênh đênh trên biển, từng thấy màu cờ đỏ sao vàng như nổi hẳn trên mặt biển xanh mới tự hào, mới yêu đến tận cùng biển Việt. Biển ấy, màu cờ ấy thấm đẫm máu của bao lớp người đã ngã xuống vì 1 tấc không đi, 1 ly không rời. Biển ấy, màu cờ ấy như luôn vang vọng tiếng hô của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương trước lúc hy sinh ở Gạc Ma: "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo". Những kình ngư bảo rằng họ không đơn độc khi ra khơi cùng đội tàu an toàn, khi ngoài kia là lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân đang đồng hành cùng họ ngày đêm giữ biển. Nhưng có lẽ họ sẽ tủi thân biết bao khi có những quy định quá cứng nhắc đang trói chân họ. Ví như chỉ dựa vào hồ sơ trên giấy để không cho tàu dưới 15 m chiều dài khai thác khơi, trong khi thực tế chiều dài tàu của họ có thừa. Vậy mà bao nhiêu con tàu xin được cải hoán, đúng hơn là xin được chỉnh lý lại hồ sơ tàu cá cho phù hợp với thực tế để ra khơi vẫn chưa được giải quyết. Ra khơi vừa khai thác vừa làm nhiệm vụ giữ biển, những kình ngư cần lắm sự hậu thuẫn của đất liền. Chỉ là sự chỉnh lý hồ sơ tàu cá lại khó lắm sao (?) |
Với đường bờ biển dài 3.260 km, nhiều thế hệ người Việt đã được đại dương trui rèn thành những kình ngư lão luyện,...