Những công trình nghìn tỷ ở tỉnh nghèo

Không chỉ lãng phí hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách mua xe công, đi nước ngoài mà Quảng Bình còn “mạnh tay” đầu tư những công trình nghìn tỷ trong bối cảnh cả nước “thắt lưng, buộc bụng” để lo cho an sinh xã hội.

Cây cầu nghìn tỷ

Ngày 31/8, bên dòng Nhật Lệ, thuộc TP. Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Nhật Lệ II, nối trung tâm thành phố với bán đảo Bảo Ninh trước sự ngỡ ngàng của người dân.

Đây là cây cầu thứ hai bắc qua sông Nhật Lệ, được thiết kế nhịp chính cầu dây văng có chiều dài 515m, rộng 23,6m với 4 làn xe, trọng tải HL-93, với số vốn lên đến 936 tỷ đồng.

Lãnh đạo Quảng Bình cho rằng, cây cầu này sẽ tạo điểm nhấn cho không gian đô thị TP. Đồng Hới, đồng thời là cú hích để xã Bảo Ninh phát triển kinh tế du lịch.

Những công trình nghìn tỷ ở tỉnh nghèo - 1

Phải mất từ 400 đến 500 tỷ đồng để hiện thực hóa một trong nhiều phương án của trụ sở Tỉnh ủy Quảng Bình

Cây cầu Nhật Lệ II được khởi công trong bối cảnh thu ngân sách của Quảng Bình không đạt kế hoạch liên tục trong nhiều năm, cả nguồn thu của địa phương và nguồn Trung ương rót về vẫn không đủ bù chi.

Để xây cầu, Quảng Bình phải bán đất. Hàng loạt diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thu hồi để xây dựng cơ sở hạ tầng, bán đất lấy tiền xây cầu.

Một lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết: “Chủ trương xây cầu Nhật Lệ II đã nằm trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ của tỉnh vừa rồi nên phải làm. Nếu bán hết 4 khu đất hiện có cũng được vài ba trăm tỷ đồng để xây cầu, số còn lại chỉ biết mong chờ từ Trung ương thôi”.

Những công trình nghìn tỷ ở tỉnh nghèo - 2

Nhiều người dân đi qua bị tai nạn chết và thương tích nhưng cây cầu ở xã Nam Trạch (Bố Trạch) này vẫn không được sửa chữa

Tuy nhiên, thực tế những khu đất nói trên xây dựng hạ tầng xong rồi chẳng ai mua trong bối cảnh chung bất động sản đóng băng.

Để bán đất, Quảng Bình thông báo giảm giá khởi điểm của các khu đất đến lần thứ ba vẫn không có khách hàng. Rồi sáng kiến bỏ đấu giá, mà chuyển sang cấp đất có thu tiền cũng không thành công.

Nhiều doanh nghiệp khó lại càng thêm khó khi không thể thu hồi vốn hạ tầng từ tiền bán đất, lấy đâu ra để xây cầu Nhật Lệ II?

Một lãnh đạo về hưu của Quảng Bình cho rằng, việc trên sông Nhật Lệ phải có cây cầu thứ hai, thứ ba... là chính đáng nhưng trong tương lai chứ không phải lúc này.

Những công trình nghìn tỷ ở tỉnh nghèo - 3

Sau lễ khởi công cầu Nhật Lệ II, nhà thầu chỉ để lại một ít máy móc trưng bày

Cũng theo vị cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, trong lúc cầu Nhật Lệ I vẫn chưa khai thác hết công năng thì cớ gì phải xây cầu Nhật Lệ II? Ngay đầu cầu Nhật Lệ I, phía Bảo Ninh, hàng loạt bãi “đất vàng” vẫn để trống, cây cỏ mọc um tùm, chưa ai đầu tư, thì làm gì phải làm cầu thứ hai để thu hút đầu tư? Còn nói, xây cầu Nhật lệ II là để tạo không gian đô thị, có nghĩa là làm đẹp, tô điểm cho TP. Đồng Hới thì càng chưa phải lúc. Thông thường người ta nghĩ đến làm đẹp khi “cơm no, áo ấm” chứ không phải lúc còn “giật gấu, vá vai”.

Được biết, Quảng Bình đã bỏ ra 40 tỷ đồng để làm các thủ tục đầu tư, tổ chức lễ khởi công cầu Nhật Lệ II.

Sau lễ khởi công, các nhà thầu chỉ để lại một ít máy móc mang tính trưng bày rồi ra đi. “Không bột lấy gì gột nên hồ?” - một công nhân đang canh giữ máy móc tại công trường cầu Nhật Lệ II nói.

Trụ sở 500 tỷ


Câu chuyện về cầu Nhật Lệ II chưa nguôi, thì mấy ngày nay dư luận lại “nóng” lên khi những mẫu thiết kế được trưng bày trong cuộc thi thiết kế trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Quảng Bình.

Ai cũng tấm tắc khen đẹp, hoành tráng, nhưng khi nghe đến số tiền để hiện thực hóa những mẫu thiết kế nói trên thì ai cũng giật mình.

Từ 400 đến 500 tỷ đồng cho trụ sở Tỉnh ủy mới, khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay cho một trụ sở công ở Quảng Bình.

Lý do để xây mới trụ sở Tỉnh ủy được sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình giải thích, là do trụ sở cũ xuống cấp, chật chội.

Một cựu lãnh đạo Quảng Bình từng được mời trong buổi tham vấn cho trụ sở mới của Tỉnh ủy nói với phóng viên: “Nói trụ sở cũ chật chội cũng đúng, nhưng Tỉnh ủy mới nhận bàn giao 2 tòa nhà 5 tầng của Tòa án tỉnh để lại thì cũng đủ chỗ làm việc. Trong lúc khó khăn chung thì mọi người cùng nhau chịu khó một chút, chật chội một chút có sao!”

Trong lúc Quảng Bình bỏ hàng nghìn tỷ để xây dựng những công trình hoành tráng không phải là cấp thiết, thì ngay trên chính địa phương này, mỗi ngày có khá đông học sinh, người dân phải bơi qua sông để đến trường và kiếm kế sinh nhai như: ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa), Trường Sơn (Quảng Ninh); Rồi hàng chục cây cầu dân sinh khác xuống cấp, hết hạn sử dụng khiến nhiều em học sinh và người dân gặp tai nạn chết một cách oan uổng như cây cầu bê tông ở xã Nam Trạch, cầu bê tông Cây Khế ở thị trấn Lão (Bố Trạch); 8/9 cây cầu treo trên địa bàn hết hạn sử dụng cần sửa chữa, làm mới; ...và nhiều công trình dân sinh khác đang cần những đồng vốn từ ngân sách để cải thiện đời sống của người dân.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN