Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2019

Sự kiện: Thời sự

Hôn người dưới 16 tuổi có thể bị coi là Dâm ô trẻ em; Cấm Quản lý thị trường mua hàng hóa của đơn vị đang bị kiểm tra… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2019.

Hôn người dưới 16 tuổi có thể bị coi là Dâm ô trẻ em

Từ ngày 5/11/2019, Nghị quyết 06 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có hiệu lực.

Nghị quyết này định nghĩa cụ thể về các hành vi dâm ô trẻ em. Theo đó, dâm ô là hành vi của người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận của người dưới 16 tuổi, có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục như: Hôn người dưới 16 tuổi…

Hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý theo tội Dâm ô trẻ em. Ảnh minh họa.

Hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý theo tội Dâm ô trẻ em. Ảnh minh họa.

Cũng theo Nghị quyết, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; Không đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; Không buộc bị hại phải tham gia phiên tòa…

Cấm Quản lý thị trường mua hàng hóa của đơn vị đang bị kiểm tra

Một loạt những việc không được làm trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường đã được Bộ Công Thương liệt kê tại Thông tư 18 có hiệu lực từ ngày 15/11/2019.

Quản lý thị trường không được mua hàng của đơn vị đang bị kiểm tra. Ảnh minh họa TPO.

Quản lý thị trường không được mua hàng của đơn vị đang bị kiểm tra. Ảnh minh họa TPO.

Theo đó, Quản lý thị trường không được gợi ý, đòi hỏi các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.

Phát ngôn hoặc cung cấp cho báo chí những thông tin làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi vụ việc đang xử lý và chưa có kết luận vi phạm.

Lợi dụng hoạt động công vụ bao che, dung túng hoặc thông đồng với tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính để làm trái các quy định của pháp luật, nhằm mục đích tham ô, nhận hối lộ dưới mọi hình thức…

Hướng dẫn mới của Bộ Tài chính về hóa đơn điện tử

Một trong những văn bản quan trọng nhất sẽ có hiệu lực trong tháng 11/2019 chính là Thông tư 68 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn điện tử. Thông tư 68 có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh phải đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử từ tháng 11/2019. Ảnh minh họa PLO.

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh phải đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử từ tháng 11/2019. Ảnh minh họa PLO.

Theo Thông tư này, từ ngày 1/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.

Thông tư này quy định cụ thể về các nội dung có trên hóa đơn điện tử nhưng trong một số trường hợp nhất định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung.

Ví dụ, không nhất thiết phải chữ ký điện tử của người mua; Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua…

Thông tư này cũng cho phép doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay logo để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán trên hóa đơn điện tử.

Công bố Danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam

Ngày 5/11/2019, Thông tư 10 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức có hiệu lực.

Ngoài việc công bố 4.021 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam thì đáng lưu ý hơn, Thông tư này cũng công bố Danh mục 41 loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm tuyệt đối sử dụng, trong đó có: Các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Chlordimeform; thuốc bảo vệ thực vật có chứa Isobenzen; thuốc bảo vệ thực vật có chứa Isodrin…

Có 41 loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng từ tháng 11/2019.

Có 41 loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng từ tháng 11/2019.

Đồng thời, Thông tư này chỉ rõ, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Fipronil chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12/2/2020; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/2/2021.

Chính thức mở đường cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Ngày 01/11/2019 đánh dấu sự kiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực.

Về việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật chính thức mở đường cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm: Tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm…

Trong đó, cá nhân chỉ được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân được quyền cung cấp tất cả dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Về việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Luật bổ sung thêm quy định việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Theo quy định hiện hành, chủ sở hữu nhãn hiệu phải sử dụng liên tục nhãn hiệu; không sử dụng liên tục từ 5 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực.

Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 8/2019

Lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự sẽ bị cách chức; Tù nhân cứu người hoặc tài sản trên 50...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN