Những ai liên quan đến sai phạm của Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op?

Sự kiện: Thời sự

Liên quan đến sai phạm xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đã làm rõ hành vi của Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng (55 tuổi) và 8 người khác.

Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đề nghị truy tố về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ". Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố các ông Tôn Thất Hào (56 tuổi, giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Á) và Võ Thành Trung (45 tuổi, giám đốc Công ty Đô Thị Mới) cùng về tội danh trên.

Ký hợp đồng, phụ lục và thỏa thuận bổ sung cùng thời điểm

Cơ quan điều tra xác định, tháng 8/2016, bị can Hào đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op số tiền 300 tỷ đồng; còn bị can Trung ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op số tiền 700 tỷ đồng.

Sau đó, cả hai tiếp tục ký 4 phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian hợp tác với Saigon Co.op. Đến tháng 3/2018, hai bị can Hào và Trung tiếp tục ký thỏa thuận bổ sung để điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm xuống 0%/năm.

Ông Diệp Dũng. Ảnh: TTXVN.

Ông Diệp Dũng. Ảnh: TTXVN.

Thời gian bị can Hào, Trung ký hợp đồng hợp tác đầu tư, ký phụ lục và ký thỏa thuận bổ sung diễn ra cùng thời điểm với nhau.

Quá trình ký kết hợp đồng, các phụ lục hợp đồng và bản thỏa thuận bổ sung, 2 bị can Hào và Trung không yêu cầu bị can Diệp Dũng cung cấp hồ sơ chứng minh ông này được Saigon Co.op đồng ý đại diện để ký hợp đồng và các tài liệu liên quan.

Theo kết luận điều tra, bị can Hào lợi dụng việc đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty Đại Á thông qua phương án huy động 500 tỷ đồng thực hiện 3 dự án nhà ở tại Khánh Hòa, Bình Dương và Cần Thơ để ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op số tiền 300 tỷ đồng.

Quá trình ký kết, bị can Hào không có phương án, mục đích sử dụng số tiền 300 tỷ đồng mà chỉ gửi ngân hàng và không thông báo cho cổ đông Công ty Đại Á biết.

Ngoài ra, bị can Hào đã từng là Tổng giám đốc Công ty Đô Thị Mới, khi thôi làm việc tại đây, ông Hào không cầm cố chứng khoán của bản thân để Công ty Đại Á ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op, mà lại cầm cố để Công ty Đô Thị Mới ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op cùng thời điểm.

Còn bị can Trung ký hợp đồng hợp tác đầu tư với bị can Diệp Dũng số tiền đặc biệt lớn nhưng không có kế hoạch, phương án đầu tư cụ thể. Ngoài ra, sau khi nhận được 700 tỷ đồng từ Saigon Co.op, bị can Trung đã gửi ngân hàng và cho vay ngắn hạn.

Sau đó, ông Trung ký hợp đồng ủy thác đầu tư với 2 công ty (mỗi công ty 200 tỷ đồng) và ký hợp đồng với một cá nhân số tiền 300 tỷ đồng để góp vốn ngược vào lại Saigon Co.op.

Cơ quan điều tra xác định, 2 ông Hào và Trung ký hợp đồng dù không có căn cứ thể hiện HĐQT Saigon Co.op đã chấp thuận việc hợp tác đầu tư. Cả hai sử dụng tiền nhận được từ Saigon Co.op không hợp lý để che giấu nguồn tiền góp vốn…

Căn cứ dòng tiền, các vi phạm pháp luật của các bên ký kết hợp đồng, Cơ quan An ninh điều tra xác định 2 bị can Hào và Trung đồng phạm với bị can Diệp Dũng về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” với vai trò giúp sức.

Bị can Hào thừa nhận hành vi ký bản thỏa thuận bổ sung với Saigon Co.op để điều chỉnh lợi nhuận từ 7%/năm xuống 0%/năm gây thiệt hại cho Saigon Co.op là trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bị can này không thừa nhận việc thông đồng với bị can Diệp Dũng cũng như nhận sự chỉ đạo của người khác để ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op.

Quá trình điều tra, bị can Hào đã đại diện Công ty Đại Á tự nguyện nộp số tiền hơn 2 tỷ đồng (tiền lãi phát sinh từ hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn số tiền 300 tỷ đồng mà Công ty Đại Á ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op).

Bị can Trung không thừa nhận sai phạm của bản thân nhưng nhận thức được việc ký thỏa thuận bổ sung điều chỉnh lợi nhuận từ 7%/năm xuống 0%/năm sẽ gây thiệt hại cho Saigon Co.op.

Công ty Đô Thị Mới đã tự nguyện nộp số tiền hơn 7,1 tỷ đồng (tiền lãi phát sinh từ hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và cho các cá nhân vay ngắn hạn số tiền 700 tỷ đồng mà Công ty Đô Thị Mới ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op).

Những ai liên quan đến sai phạm của ông Diệp Dũng

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đề nghị truy tố ông Nguyễn Thành Nhân (47 tuổi, Tổng Giám đốc Saigon Co.op); Hồ Mỹ Hòa (44 tuổi, Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op); Trần Trung Liệt (62 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op) và 3 người khác về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Thành Nhân, cựu Tổng giám đốc Saigon Co.op.

Ông Nguyễn Thành Nhân, cựu Tổng giám đốc Saigon Co.op.

Theo kết luận điều tra, bị can Nhân biết và đồng ý cho bị can Hồ Mỹ Hòa thực hiện kiểm tra, theo dõi đối với việc Saigon Co.op sử dụng số tiền 1.000 tỷ đồng trong tài khoản huy động vốn cho thương vụ Big C hợp tác, cho vay theo chỉ đạo của bị can Diệp Dũng.

Bị can Nhân không biết việc bị can Diệp Dũng ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á, Công ty Đô Thị Mới, ký các phụ lục hợp đồng và thỏa thuận bổ sung điều chỉnh lợi nhuận hợp đồng từ 7%/năm xuống 0%/năm.

Bị can Nhân chỉ biết việc hợp tác cho vay không có lãi khi được bị can Hòa thông báo đã nhận 1.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư nhưng không có lãi kèm theo.

Trong suốt quá trình cho thực hiện hai hợp đồng trên, bị can Nhân đã không làm hết trách nhiệm được giao, không có chỉ đạo gì liên quan đến việc hạch toán doanh thu đối với hai hợp đồng này...

Quá trình điều tra, bị can Nhân chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là thành viên HĐQT đã thiếu bao quát, kiểm tra các nguồn vốn huy động để thực hiện thương vụ mua Big C. Với vai trò là Tổng giám đốc, bị can Nhân khẳng định không có trách nhiệm trong việc Saigon Co.op ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á, Công ty Đô Thị Mới.

Về hành vi của Hồ Mỹ Hòa, cơ quan điều tra xác định, bị can Hòa ký nháy vào hai hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Saigon Co.op với Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới theo sự chỉ đạo của bị can Diệp Dũng.

Ngoài ra, bị can Hòa đã không báo cáo, kiến nghị Ban Tổng giám đốc Saigon Co.op về việc lấy số tiền 1.000 tỷ đồng từ tài khoản huy động để mua Big C để đem đi ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư là vi phạm mục đích huy động vốn ban đầu. Hành vi này đã tạo tiền đề, cơ sở cho sai phạm sau đó của bị can Dũng.

Về Trần Trung Liệt, cơ quan điều tra xác định bị can này ký vào vị trí kế toán trên hồ sơ đề nghị mở tài khoản ngân hàng huy động vốn mua Big C.

Sau đó, bị can Liệt biết tài khoản này ghi nhận số tiền 4.000 tỷ đồng chuyển vào nhưng không kiểm tra cụ thể nguồn tiền từ đầu và hạch toán nguồn tiền này vào sổ sách kế toán.

Về việc chuyển tiền cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới, bị can Liệt ký ủy nhiệm chi để chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng từ tài khoản ngân hàng huy động vốn mua Big C sang tài khoản ngân hàng của Saigon Co.op.

Tiếp đó, bị can Liệt ký 2 ủy nhiệm chi chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng này sang cho Công ty Đại Á (300 tỷ đồng) và Công ty Đô Thị Mới (700 tỷ đồng). Việc lấy số tiền 1.000 tỷ đồng từ tài khoản chuyên dùng thực hiện thương vụ mua Big C để ký kết với 2 công ty trên, bị can Liệt biết là sai mục đích huy động nhưng vẫn thực hiện.

Công an xác định, sai phạm của bị can Liệt là một phần trong chuỗi hành vi sai phạm, góp phần dẫn đến thiệt hại của Saigon Co.op.

Nguồn: [Link nguồn]

Công an bắt ông Diệp Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co-op

Trước đó, ông Diệp Dũng từng bị Thanh tra TP.HCM nêu hàng loạt sai phạm trong việc huy động vốn tại Saigon Co-op.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN