Những ai có quyền dừng xe vi phạm?

Tổng cục VII đã thành lập 14 đoàn đi kiểm tra, "vi hành" giám sát lực lượng công an các địa phương thực hiện nhiệm vụ được Bộ Công an chỉ đạo trong dịp Tết.

Chiều 18/1, bên lề cuộc họp của Tổng Cục VII, bàn kế hoạch triển khai, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ dịp Tết Nguyên đán 2013, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt - Bộ Công an) có cuộc trả lời báo chí xung quanh quy định về biển hiệu của CSGT theo Thông tư 45/2012/TT-BCA.

Tại cuộc họp của Tổng Cục VII chiều 18/1, Trung tướng Tô Thường (Tổng cục trưởng Tổng cục VII) cho biết Tổng cục VII đã thành lập 14 đoàn đi kiểm tra, "vi hành" giám sát lực lượng công an các địa phương thực hiện nhiệm vụ được Bộ Công an chỉ đạo trong dịp Tết.

Trung tướng Tô Thường cũng nhắc đến việc giám sát lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường. Theo ông, các đoàn kiểm tra, giám sát sẽ xem các chiến sĩ CSGT trên đường có làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình hay không.

"Các đoàn vi hành, nếu phát hiện CSGT làm bậy thì xử luôn. Tiêu cực là tham nhũng mà tham nhũng cũng là tiêu cực. Không có chuyện hai khái niệm tách rời nhau.” - Người đứng đầu Tổng Cục VII nói.

Thiếu tướng Tuyên cho biết, trước đây, CSGT khi làm nhiệm vụ, xử phạt trên đường có băng đỏ đeo bên cánh tay để chứng tỏ đang tuần tra kiểm soát. Sau này, đổi sang thẻ tuần tra kiểm soát để khi thủ trưởng, lực lượng kiểm tra yêu cầu thì CSGT giơ thẻ ra để chứng minh mình đang làm nhiệm vụ tuần tra. Quy định mới là CSGT làm nhiệm vụ tuần tra phải đeo biển hiệu có ảnh và tên, số hiệu để mọi người cùng giám sát hoạt động của lực lượng này.

- PV: Ai là người được quyền dừng xe?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát ngoài đường được quyền dừng xe. Ngoài ra, quyền dừng xe còn phụ thuộc vào nhiều văn bản khác của Nhà Nước. Ví dụ như Pháp lệnh, một số thông tư, nghị định quy định việc cảnh sát được quyền dừng xe.

Nhưng thực tế, lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát trên đường đeo biển hiệu là lực lượng được phép dừng xe để kiểm tra các lỗi vi phạm và xử lý các hành vi vi phạm.

Nếu người dân nào nhìn thấy CSGT dừng phương tiện kiểm tra, xử phạt mà không đeo biển hiệu thì có quyền phản ánh lên Cục Cảnh sát giao thông.

- PV: Ngoài lực lượng CSGT được cấp biển hiệu và có quyền xử phạt thì các lực lượng khác như 113, công an phường có được quyền dừng xe xử lý vi phạm giao thông?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Việc này tùy theo chức năng, hành vi, các lực lượng khác vẫn được làm chứ không phải chỉ có CSGT. Ví dụ như giao thông tĩnh: đỗ xe không đúng quy định, bày bán hàng trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường. Các lực lượng khác có quyền xử lý.

Những ai có quyền dừng xe vi phạm? - 1

CSGT phải mang biển hiệu mới được dừng xe, xử phạt

Trong Thông tư mới cũng không quy định rằng chỉ có CSGT mới được dừng xe. Nhưng riêng CSGT thì phải có biển hiệu mới được thực hiện chức năng này.

PV: Lâu nay nhiều người vẫn băn khoăn khi thấy cảnh sát khu vực ra đường chặn xe vi phạm giao thông để xử lý. Điều này có phù hợp?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Lĩnh vực giao thông là nhiệm vụ của CSGT. Cảnh sát khu vực không có chức năng này.

Báo cáo tại cuộc họp chiều 18/1 của Tổng Cục VII, bàn kế hoạch triển khai, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ dịp Tết Nguyên đán 2013, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết kể từ 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch đến nay, tai nạn giao thông đang tăng lên. Trước đó, bình quân số người chết do TNGT trong năm 2012 là 18 người/ngày, những ngày qua đã tăng lên 26 người/ngày.

Theo tướng Tuyên, mặc dù đây cũng là quy luật chung vào những dịp cuối năm nhưng nếu cứ như thế này thì chỉ tiêu năm 2013 Chính phủ và Quốc hội giao, tiếp tục giảm 5 - 10% số người chết và bị thương tai nạn giao thông, sẽ cực kỳ khó khăn.

Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64 - Bộ Công an) cho biết,  2 tuần vừa rồi, theo báo cáo của các địa phương, xảy ra tới 61 vụ liên quan pháo, cao hơn các tháng trước 40 - 50%. Theo đó, lực lượng làm nhiệm vụ đã thu hơn 2,5 tấn pháo, bắt giữ 2 đối tượng. Trong đó, Lạng Sơn 11 vụ, và một số địa phương trước đây không có nhưng nay đã xuất hiện như Hà Nam, Hà Tĩnh, Hưng Yên...

Đặc biệt, khác với những năm trước chỉ có pháo thẩm lậu vào Việt Nam, năm nay còn có hiện tượng trong nước sản xuất pháo. Số pháo này không những chỉ ở miền Bắc mà còn chuyển vào miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN