Nhập thú hiếm: Chuyện không phải ai cũng biết

Năm 2004, lần đầu tiên Thảo cầm viên Sài Gòn (TP.HCM) nhập một cặp hươu cao cổ từ châu Phi. Cặp hươu này đã mang lại bao niềm vui cho khách tham quan. Nhưng để từ Nam Phi về VN không chỉ là chặng đường gian nan của đôi hươu, mà còn cả của những người tháp tùng chúng.

Ông Bùi Hồng Thụy, giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ vườn thú Đông Dương, kể một người bạn ở vườn thú Thái Lan cho biết họ sẽ nhập một lô 25 con hươu cao cổ từ Nam Phi bằng đường hàng không và còn chỗ để thêm hai con, nếu phía VN nhập cùng họ thì chi phí sẽ rẻ hơn nhập riêng lẻ rất nhiều. Một cơ hội tốt để có hươu cao cổ cho vườn thú VN.

Vận chuyển gian nan

Hươu cao cổ là một trong những loài thú khó vận chuyển nhất bởi kích thước khá cồng kềnh. Chiếc Boeing được thuê riêng để chở 27 con hươu từ Nam Phi về Thái Lan phải được tháo hết ghế và sàn để những con hươu cao đến 3m được nhốt thoải mái trong chuyến bay dài. Suốt thời gian đó, chuyên gia phải ở trong chuồng cùng với thú để chăm sóc.

Sau một ngày bay, đến Thái Lan nghỉ ngơi vài giờ, đôi hươu của Thảo cầm viên TP.HCM tiếp tục hành trình về VN bằng đường bộ xuyên qua Lào. Một xe tải chở container đã được chỉnh sửa để có thể chở chuồng nhốt hươu. Từ Thái Lan mất hai ngày qua Lào mới về tới cửa khẩu Đông Hà - Lao Bảo và từ đây thêm hai ngày nữa hươu mới về đến TP.HCM.

Trên đường đi phải hái lá dọc đường cho hươu ăn, vừa dùng cây chống dây điện dọc đường lên để xe chở hươu lọt qua. Cuối cùng sau năm ngày đường, việc tưởng chừng không thể làm được là đưa đôi hươu về VN khỏe mạnh đã thành công. Cặp hươu cao cổ này giá nhập chỉ 45.000 USD nhưng tiền vận chuyển lên tới 100.000 USD. Tương tự, đóng pallet để chở tê giác tốn 40.000-50.000 USD, làm chuồng nhốt gấu Bắc Cực lên tới hơn 1 triệu USD...

Nhập thú hiếm: Chuyện không phải ai cũng biết - 1

Vận chuyển voi cho vườn thú - Ảnh: Bùi Hồng Thụy

Đó là thú nhập. Ngay cả vận chuyển thú trong nước cũng không ít khó khăn. Vào dịp 1.000 năm Thăng Long, Quân khu 7 đã tặng voi và hà mã cho vườn thú Hà Nội. Để đưa hai con thú này từ Cần Thơ ra Hà Nội là chặng đường gian nan. Chú voi này trước đó được nuôi tự do, không được luyện tập, không biết nghe hiệu lệnh đi vào chuồng. Dù đã phải tháo hạ container xuống thấp để dụ voi vào mà không được. Sau vài ngày thất bại, cuối cùng để đưa voi đi cho kịp ngày phải gây an thần nhẹ cho voi và buộc dây vào chân voi, người kéo người đẩy mới đưa được voi vào chuồng lên container. Trong quá trình di chuyển, do xe lắc lư làm voi khó chịu nên nó đẩy container sém bung ra mấy lần.

Hiện nay người ta vận chuyển thú hầu hết bằng đường hàng không, dù chi phí rất cao nhưng nhanh chóng và an toàn hơn đường thủy, đường bộ. Khi hợp đồng xuất nhập thú được ký kết, những con thú sẽ được nuôi riêng, huấn luyện riêng trong khoảng ba tháng để quen với việc vận chuyển, tiếng ồn, điều kiện khắc nghiệt khi di chuyển. Sau thời gian này quá trình vận chuyển mới được bắt đầu.Nếu không tuân thủ quy trình như thế, thú nhập dễ bị chết khi về đến nơi ở mới, khi đó thiệt hại cho vườn thú không tính được.

Trần ai nuôi thú

Nuôi thú ở vườn thú không đơn giản chỉ là mua về rồi nhốt mà phải chuẩn bị sẵn chuồng trại đạt yêu cầu, phải được kiểm lâm, cục thú y, thú y vùng kiểm tra điều kiện chuồng trại, vệ sinh dịch tễ, xem xét loại thú nhập có hại cho môi trường hay không... Theo ông Thụy, mỗi con thú ở vườn thú có bộ hồ sơ pháp lý còn đầy đủ hơn cả con người và được kiểm lâm kiểm soát chặt chẽ.

Năm 2011 vườn thú Hà Nội tiếp nhận hai con sếu Nhật Bản do vườn thú Zoo Logical Gardens (Nhật Bản) tặng. Nhưng ngay khi đưa vào chuồng đôi sếu đã có biểu hiện bất an. Trước cảnh quan lạ lẫm xung quanh, đôi sếu nhảy nhót, đập cánh loạn xạ. Mối lo lớn nhất của những người chăm sóc vườn thú là cặp sếu có thể gây thương tích cho chính chúng, cánh rất dễ gãy khi chúng phi ầm ầm vào khung sắt chuồng. Từ vườn thú có kết cấu gần với không gian tự nhiên và sống cùng loài lớn hơn, nay chúng phải chuyển đến nơi ở mới, không gian nhỏ hơn, xung quanh lại là chuồng nuôi chim, thú khác có thể khiến chúng bất an. Để tránh những stress dạng này không thể ngày một ngày hai có kết quả ngay mà cả sếu và người chăm sóc đều phải kiên trì” - bà Thu Phương, giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật, chia sẻ.

Nhập thú hiếm: Chuyện không phải ai cũng biết - 2

Hổ con mới sinh tại vườn thú Đại Nam - Ảnh: Kiến Khôi

Hai đôi linh dương sừng xoắn và sừng kiếm vừa được chuyển từ Đại Nam thế giới và Thảo cầm viên ra Hà Nội đầu tháng 10-2012 là những con linh dương nguồn gốc châu Phi đầu tiên xuất hiện ở vườn thú. Hơn một tháng trôi qua những cặp thú này vẫn “đề phòng” xung quanh. Linh dương sừng xoắn vốn lành hơn nhưng cũng chỉ duy nhất người cho thú ăn, chăm sóc trực tiếp thú tiếp cận được. Cây keo gai được chọn làm thức ăn cho linh dương tại các vườn thú phía Nam. Song loại cây này không có ở Hà Nội, vườn thú phải chọn loại thay thế tương đương để chúng thích nghi. “Việc cho thú ăn hằng ngày phải diễn ra trong điều kiện đủ an toàn. Ngay hà mã - con vật nổi tiếng hiền lành - nhưng đôi khi cũng bất ngờ “nổi đóa” rượt đuổi người chăm sóc” - bà Thu Phương nói.

Niềm vui từ thú

Cách đây bốn tháng, cặp hà mã trong vườn thú khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) đã cho ra đời một chú hà mã con. Đối với ông Dương Thành Phi, giám đốc vườn thú, đó là một niềm vui lớn của vườn thú tư nhân này. Theo sách vở và những thông tin ông Phi cùng mọi người tìm hiểu thì hà mã thường sinh con dưới nước, nhưng tại vườn thú Đại Nam cô hà mã này lại sinh con trên cạn và sau khi cắn dây rốn, liếm láp, vệ sinh sạch sẽ cho con xong, cô mới hất chú hà mã con xuống nước. Đến nay khi đã tròn bốn tháng, thức ăn duy nhất của hà mã con vẫn là sữa mẹ, chú bú mẹ trong khi ngâm mình dưới nước. Đây là hà mã đầu tiên sống trong môi trường vườn thú ở VN sinh con.

Nhập thú hiếm: Chuyện không phải ai cũng biết - 3

Hai kiện hàng linh dương từ Nam Phi tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Bùi Hồng Thụy

Cũng tại Đại Nam, hình ảnh một nhân viên vườn thú chở chú hổ con trên giỏ xe đạp đi dạo, thỉnh thoảng dừng lại cho khách vuốt ve dường như không có gì xa lạ, và chú hổ Đông Dương cũng rất khoan khoái khi được vuốt, được bế. Theo nhân viên vườn thú, hổ Đông Dương tại đây sinh sôi khá nhanh, chỉ vài năm từ chín con hổ ban đầu, hiện vườn thú đã có thế hệ F2 với tổng số 30 chúa sơn lâm. Nói về đàn hổ này, ông Phi cho biết mong muốn của vườn thú không chỉ nuôi thú bảo tồn để phục vụ khách tham quan mà mục tiêu lớn hơn là đưa chúng về với thiên nhiên.

Mua thú, nuôi thú, mỗi ngày quan sát thú lớn lên đã khiến những con thú có mối liên hệ gắn bó với con người. Ông Phi kể nhập thú ở nước ngoài về bao giờ cũng có một đoàn chuyên gia nơi ở cũ của thú đi cùng. Họ sẽ ở lại vườn thú nửa tháng để hướng dẫn cách chăm sóc, đặc tính, thói quen của từng con thú, thông báo những bệnh tật thú có thể mắc phải, cách phòng bệnh... “Như gả con gái về nhà chồng, ai cũng muốn con mình có chỗ yên ấm và chỉ an tâm khi con mình sống tốt - ông Phi ví von - Và chúng tôi mong khách đến vườn thú, tiếp xúc với thú cũng có tình cảm với thú như chúng tôi, để không còn cảnh tàn sát thú thương tâm, không biến thú thành món ăn trên bàn nhậu”.

Không dễ chút nào

Sau Thảo cầm viên Sài Gòn và công viên Thủ Lệ Hà Nội là hai vườn thú nhà nước thì Đại Nam là vườn thú tư nhân với quy mô lớn thứ ba. Hiện Đại Nam có 63 loài thú với hơn 600 con, được nuôi theo mô hình bán tự nhiên. Thú không bị nhốt trong chuồng mà được nuôi ở không gian hoang dã nhất định. P

hần lớn thú tại đây được đưa từ các vườn thú ở Nam Phi, Mexico, các nước khu vực Đông Nam Á về VN. Một vườn thú hấp dẫn phải trưng bày theo bộ sưu tập. Những loài thú không thể thiếu cho một vườn thú mới lập là voi, sư tử, hà mã, tê giác, hươu cao cổ, hổ. Mua thú trong nước là một việc bất khả thi vì luật cấm.

Nhập thú từ nước ngoài không dễ dàng bởi không phải lúc nào cũng có sẵn thú để mua và không phải có tiền là mua được, vận chuyển là quá trình gian nan. Voi dễ nổi điên có thể phá hỏng chuồng, hươu cao cổ cồng kềnh, quá khổ, linh dương dễ chết, hà mã cần có nước suốt hành trình. Đến tận bây giờ, Hà Nội vẫn chưa hiện thực hóa được việc mua thú nhập từ nước ngoài.

Theo ông Thụy, các vườn thú trên thế giới thường có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau thông qua Hiệp hội Vườn thú thế giới WAZA, hiệp hội vườn thú khu vực Nam Phi, châu Âu, Đông Nam Á... Qua hệ thống thư điện tử, các vườn thông báo cho nhau về những con thú có thể trao đổi, xuất nhập. Vì việc xuất nhập phụ thuộc số lượng thú mà vườn thú đang dư ra (đôi khi chỉ là một con) nên sẽ không có bảng giá, không có chuyện cò kè trả giá và thường trong khoảng một vài ngày, khi vườn thú này thông báo có thú dư có thể xuất sẽ có vườn thú khác “hốt” ngay. Các vườn thú thường rất trọng chữ tín nên chỉ cần lựa thú qua hình ảnh, trường hợp đặc biệt lắm mới cần đến tận nơi xem trực tiếp. Và chỉ cần một thông báo là “chúng tôi sẽ nhập” thì xem như hợp đồng đã ký kết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Nhung - Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN