Nhận vũ khí Mỹ, chiến binh Syria nộp hết cho Al-Qaeda

Được Mỹ trang bị nhiều vũ khí hiện đại nhưng các nhóm nổi dậy Syria vẫn dễ dàng đầu hàng phiến quân Nusra.

Ngày 2/11, các quan chức Mỹ cho hay hai nhóm nổi dậy lớn ở Syria sau khi nhận vũ khí viện trợ của Mỹ để chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã quyết định đầu hàng Al-Qaeda và giao nộp toàn bộ số vũ khí đó cho bọn khủng bố.

Nhận vũ khí Mỹ, chiến binh Syria nộp hết cho Al-Qaeda - 1

Các chiến binh thuộc nhóm nổi dậy Harakat Hazm đã buông súng đầu hàng Al-Qaeda

Từ trước tới nay, Mỹ và đồng minh luôn dựa vào nhóm nổi dậy Harakat Hazm và Mặt trận Cách mạng Syria (SRF) để xây dựng một lực lượng chiến đấu “đáng tin cậy” trên mặt đất nhằm chống lại sự tàn bạo của IS.

Trong vòng 6 tháng qua, phong trào Hazm và SRF đã được nhận nhiều loại vũ khí hạng nặng do Mỹ và đồng minh cung cấp, trong đó có cả tên lửa Grad và tên lửa chống tăng Tow.

Thế nhưng vào đêm thứ Bảy vừa rồi, nhóm nổi dậy Harakat Hazm đã quyết định đầu hàng và giao nộp toàn bộ vũ khí, căn cứ cho Jabhat al-Nusra, một tổ chức khủng bố thân Al-Qaeda ở Syria sau khi các tay súng khủng bố tràn vào những ngôi làng do nhóm nổi dậy này kiểm soát ở tỉnh Idlib.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chỉ mới vài ngày trước, Jabhat Al-Nusra đã giáng một đòn nặng vào SRF khi tấn công và chiếm được thị trấn Deir Sinbal, quê nhà của lãnh đạo SRF là Jamal Marouf.

Cuộc tấn công dữ dội này đã buộc SRF phải co cụm lại, liên tiếp đánh mất nhiều vùng lãnh thổ kiểm soát ở thành phố Hama và cuối cùng phải buông súng đầu hàng.

Nhận vũ khí Mỹ, chiến binh Syria nộp hết cho Al-Qaeda - 2

Một tên lửa chống tăng TOW được Mỹ viện trợ cho nhóm Harakat Hazm

Ông Aymen al-Tammimi, một chuyên gia phân tích Syria cho biết: “Về cơ bản, phong trào SRF đã chết. Phiến quân Nusra đã đẩy họ ra khỏi căn cứ địa ở Idlib và Hama”.

Sự sụp đổ của SRF và những cuộc tấn công vào Harakat Hazm đã làm suy yếu đáng kể phe nổi dậy ôn hòa chống lại chính phủ Syria trong suốt gần 4 năm qua, nhường lại mặt trận Syria cho các tổ chức thánh chiến cực đoan như IS và Nusra.

Hiện vẫn chưa rõ các tên lửa Tow do Mỹ viện trợ cho Harakat Hazm có nằm trong số vũ khí mà nhóm này giao nộp cho phiến quân Nusra hôm thứ Bảy hay không, tuy nhiên một số thành viên của phiến quân sau đó tuyên bố trên Twitter rằng chúng đang sở hữu tên lửa chống tăng hiện đại.

Sự sụp đổ của nhóm nổi dậy từng là biểu tượng cho nỗ lực xây dựng lực lượng ôn hòa ở Syria là một thất bại “muối mặt” của Mỹ. Theo một số nguồn tin, các chiến binh Harakat Hazm ở Idlib đã đầu hàng và giao nộp vũ khí cho Nusra mà “không nổ một phát súng nào”, thậm chí một số tay súng còn đào tẩu sang phiến quân.

Tại Aleppo, nơi Harakat Hazm từng nắm quyền kiểm soát, nhóm nổi dậy này giờ chỉ còn tồn tại lay lắt sau khi ký thỏa thuận ngừng bắn với Nusra và giao nộp một số chốt kiểm soát cho phiến quân.

Nhận vũ khí Mỹ, chiến binh Syria nộp hết cho Al-Qaeda - 3

Nhóm phiến quân Nusra liên tiếp tấn công và các tổ chức nổi dậy ôn hòa Syria

Theo các chuyên gia phân tích, phiến quân Nusra bắt đầu tấn công vào các nhóm nổi dậy ôn hòa ở Syria vì những xích mích cá nhân giữa các đơn vị, vì tham vọng xây dựng một vương quốc Hồi giáo cạnh tranh với IS, và vì chúng sợ rằng những nhóm nổi dậy thân cận với Mỹ sẽ là hậu họa với chúng sau này.

Ông Tammimi nói: “Một trong những điều kiện để Mỹ cung cấp vũ khí cho Harakat Hazm là họ không được hợp tác với Nusra. Thế nên việc phương Tây nhồi vũ khí cho các nhóm nổi dậy này sẽ đe dọa các nhóm khủng bố”.

Trước đây, Mỹ từng rất thận trọng trong việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria. Thế nhưng chính sự thận trọng của họ lại ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của phe nổi dậy ôn hòa, tạo điều kiện cho các nhóm thánh chiến cực đoan có nguồn tài chính dồi dào trỗi dậy.

Gần đây, Mỹ thông báo kế hoạch huấn luyện và trang bị vũ khí cho 5.000 chiến binh nổi dậy Syria để chống lại IS. Thế nhưng các quá trình tuyển lựa và huấn luyện khắt khe đối với các ứng cử viên Syria đồng nghĩa với việc phải một năm nữa Mỹ mới có một lực lượng mặt đất đáng tin cậy để tấn công IS.

Trước đó, Mỹ đã từng thất bại trong việc xây dựng một lực lượng đủ mạnh để chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi các nhóm nổi dậy thường xuyên xích mích với nhau về nguồn cung cấp vũ khí hạn chế của Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Nationalpost) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN