Nhận người không tâm thần: BS phân vân

Không có quy trình, bệnh viện dễ đối mặt với kiện tụng, thậm chí bị khởi tố về tội giam giữ người trái pháp luật.

Ngày 8/4, chúng tôi nêu trường hợp anh Nguyễn Văn Dũng ở đường Hậu Giang, phường 11, quận 6 (TP.HCM) gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng kêu cứu vì cho rằng bị người nhà đưa đi chữa bệnh tâm thần trong khi anh hoàn toàn khỏe mạnh.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mà người bị đưa vào các bệnh viện tâm thần gửi đơn kêu cứu khi bị bắt đưa vào bệnh viện tâm thần, bị hạn chế rất nhiều quyền. Một loại bệnh đặc biệt nhưng quy trình khám, chữa bệnh cho nó chưa có dễ dẫn đến việc lợi dụng để đẩy người thân vào bệnh viện tâm thần.

Không chỉ người trong cuộc bức xúc vì cho rằng mình bị giam giữ trái pháp luật mà các bác sĩ cũng than trời vì chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ họ, vừa nhận bệnh vừa lo…

Nhận thì... bậy, không nhận thì không xong!


BS Nguyễn Văn Cầu, Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2, cho biết: Trong khi chưa quy định cụ thể về việc chữa trị đối với các bệnh nhân có biểu hiện tâm thần, ban giám đốc đã nhắc nhở cán bộ, nhân viên thận trọng trong khâu tiếp nhận bệnh nhân do người nhà của bệnh nhân chuyển đến. Việc này hết sức cần thiết để tránh tình trạng một số cá nhân lợi dụng việc tiếp nhận bệnh nhân tâm thần của bệnh viện để giải quyết một số vấn đề khúc mắc trong nội bộ gia đình.

Nhận người không tâm thần: BS phân vân - 1

Anh Nguyễn Văn Dũng đang ở BV Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) hiện đang kêu cứu vì cho rằng mình bị đưa vào BV tâm thần khi đang khỏe mạnh. Ảnh: DĐ

“Bệnh viện đã từng tiếp nhận trường hợp một người đàn ông có biểu hiện quậy phá, chửi bới, bị vợ đưa vào nhập viện để điều trị. Ngay sau đó, mẹ của người đàn ông đó đến yêu cầu bệnh viện cho con của bà về nhà. Bà cho biết con bà khỏe mạnh, người con dâu lăng nhăng nên cố ý đẩy chồng vào bệnh viện tâm thần…

Về thủ tục nhập viện, vì chưa có luật nên bệnh viện chỉ nhận những người có người thân đưa đến nhưng nhiều khi gia đình có lộn xộn gì đó mà bệnh viện không biết, tiếp nhận, bệnh viện rất khổ” - BS Cầu nói.

Còn BS Bùi Thế Hùng, Phó Viện trưởng Phân viện phía Nam (Viện Giám định pháp y tâm thần TW), thì nói: Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân bị người nhà trói tay chân đem đến. Tuy nhiên, để xác định được bệnh nhân có bị tâm thần hay không thì cần một quá trình theo dõi cả tuần, có khi dài hơn…

Nhốt trước rồi thả là sai


“Không cần biết có bệnh hay không nhưng cứ nhốt trước rồi sau đó thấy không có bệnh mới thả ra là sai. Sẽ là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng thực hiện ý đồ, mục đích xấu của mình, xâm hại đến quyền tự do thân thể của người khác. Người bị bắt giữ sẽ bị tổn thương về tâm lý cũng như ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm nghiêm trọng” - luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói.

Luật sư Liên cho rằng cần sớm có quy trình chặt chẽ ngay từ khâu tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện việc giám định trước để xác định bệnh nhân bệnh ở cấp độ nào để tiếp nhận, điều trị. Có không ít trường hợp bệnh nhân chỉ bị nhẹ nhưng khi bị nhốt chung với những người khác thì họ bị khủng hoảng tâm lý dẫn đến bệnh tình nặng hơn. Do đó, luật cần đưa ra quy trình chặt chẽ để bệnh viện, cũng như người nhà bệnh nhân buộc phải thực hiện đúng theo quy định. Có như vậy thì mới tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Còn luật sư Nguyễn Thanh Lương - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre thì cho rằng đây là loại bệnh đặc thù, phải có chuyên môn, có thời gian theo dõi mới xác định là người đó có bệnh hay không. Trong khi chưa có quy trình có thể dẫn đến việc người nhà lợi dụng, đưa người bình thường vào bệnh viện tâm thần. Khi đó bệnh viện vô tình trở thành nơi tiếp tay cho việc bắt giữ người trái pháp luật. Ngược lại, nếu không giữ lại để theo dõi thì những người khác có thể gặp phải nguy hiểm do hành vi của những người mắc bệnh gây nên và để kịp thời chữa trị cho bệnh nhân.

Để tránh phải những trường hợp như nói trên, nên sớm có quy trình chặt chẽ trong việc tiếp nhận bệnh nhân. Trong khi chưa có quy định, tôi cho rằng bệnh viện nên áp dụng phương châm “tha lầm còn hơn bắt lầm” vì rất dễ vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người và bệnh viện dễ phải đối mặt với kiện tụng, thậm chí bị khởi tố về tội giam giữ người trái pháp luật.

“Toàn người trí thức mà “chơi” tôi kiểu đó!”

Bà TTT (62 tuổi, quận Tân Bình) nói với chúng tôi như vậy khi đề cập đến chuyện bà bị bắt vào BV Tâm thần TP.HCM vào tháng 8/2012 (Pháp Luật TP.HCM ngày 9/3 đã thông tin). Bà T. cho biết đang tiếp tục khiếu nại bị con rể bạo hành, đánh đập, hành hạ và kết hợp với công an khu vực bắt trói đưa bà vào BV tâm thần. Bà cũng tố BV Tâm thần TP.HCM bắt trói, giam giữ bà trái pháp luật.

“Khi vào bệnh viện, nếu tôi la hét, họ sẽ cho mình là tâm thần nên tôi chỉ nói với bác sĩ là tôi không có bệnh gì hết, con tôi buộc tôi ký giao tài sản tôi không đồng ý nên nó bắt đưa tôi vào đây. Khi đó, bác sĩ trả lời rất đơn giản: “Con bà không bảo lãnh tôi không cho bà ra”. Tôi phải nhờ người quen liên hệ với một công an, viết đơn tố cáo con tôi và bệnh viện bắt giam người trái pháp luật. Lúc đó tôi mới được ra viện với chẩn đoán là stress, sau khi ở đó 12 ngày…”.

Cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế cho biết chuẩn bị kết luận những vấn đề liên quan đến việc nhận bệnh, khám chữa bệnh của BV tâm thần trong thời gian qua (có trường hợp của bà T.). Thanh tra cũng trình giám đốc Sở văn bản chấn chỉnh quy trình khám, chữa bệnh liên quan đến lĩnh vực tâm thần. Dự kiến trong vài ngày tới sẽ có kết luận.

Bệnh viện phải tự lập quy trình

Hiện Bộ Y tế mới ban hành quy trình khám, chữa bệnh chung cho các bệnh nhân mà chưa có quy trình riêng đối với bệnh nhân tâm thần.

Trường hợp muốn ban hành quy trình khám, chữa bệnh đối với các bệnh nhân tâm thần thì phải do BV Tâm thần Trung ương 1 hoặc BV Tâm thần Trung ương 2 đề xuất, lập quy trình gửi lên Bộ Y tế nếu thấy bất cập trong quy trình khám, chữa bệnh. Từ đề xuất đó, Bộ sẽ thẩm định và ban hành nếu phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.


TS TRẦN QUÝ TƯỜNG, Phó Cục trưởng Cục Quản lý
Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV-CTV (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN