Đang khỏe, bị bắt vào bệnh viện tâm thần

Nạn nhân gửi đơn kêu cứu vì cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh bị người nhà bắt đưa vào bệnh viện.

Anh Nguyễn Văn Dũng (ở đường Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP.HCM) đang có đơn gửi đến nhiều cơ quan kêu cứu vì cho rằng anh bị bắt vào bệnh viện tâm thần trong khi anh hoàn toàn khỏe mạnh.

Liên tục chuyển viện


Ngày 3/4, gặp chúng tôi tại BV Tâm thần Trung ương 2, TP Biên Hòa (Đồng Nai), anh Dũng kể: Sáng 26/11/2012, anh đang đi tập thể dục ở Công viên Phú Lâm thì bị sáu người bịt mặt xông tới trói tay chân rồi chở thẳng vào BV Tâm thần TP.HCM. Sau đó, một người chị ruột của anh đến làm thủ tục cho anh nhập viện.

Làm việc với báo chí, BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM, cho biết theo lời cung cấp của người nhà, anh Dũng có biểu hiện đi lang thang, ăn bột không ăn cơm, la hét chửi mắng người thân, nói nhiều, nói lý luận, ăn chay, tu thiền. Sau hơn một tháng theo dõi, đến ngày 5/1, nhận thấy anh Dũng bình thường nên bệnh viện đã báo cho thân nhân đón anh Dũng về. Sau rất nhiều lần liên hệ với người nhà, đến ngày 26/3 mới có người đến làm thủ tục để anh Dũng xuất viện.

“Ngay ngày 26/3, sau khi rời BV Tâm thần TP.HCM, tôi lại bị người nhà trói chân tay, cưỡng ép lên xe taxi đưa đến khoa B3 BV Tâm thần Trung ương 2, TP Biên Hòa (Đồng Nai) để điều trị với chẩn đoán là rối loạn tâm thần do sử dụng các chất có thuốc phiện” - anh Dũng nói.


Đang khỏe, bị bắt vào bệnh viện tâm thần - 1

Đang khỏe, bị bắt vào bệnh viện tâm thần - 2

Anh Dũng tại khoa Giám định pháp y thuộc Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam (thuộc Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương). Ảnh: DĐ

Trong thời gian bị điều trị ở BV Tâm thần Trung ương 2, anh đã viết đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, đồng thời yêu cầu người nhà, luật sư tiến hành các thủ tục đưa anh ra khỏi bệnh viện vì anh không có bệnh tật gì.

“Lưu trú” tại bệnh viện này một tuần, ngày 2/4, BV Tâm thần Trung ương 2 lại cho anh Dũng xuất viện.

Tuy nhiên, anh Dũng không được về nhà mà cùng ngày, anh lại được người nhà đưa đến khoa Giám định pháp y thuộc Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam (thuộc Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương) nằm trong khuôn viên BV Tâm thần để điều trị tiếp.

Chưa xác định có bệnh


Chiều 3/4, có mặt tại khoa Giám định pháp y, chúng tôi thấy anh Dũng rất hoạt bát, vui vẻ. Anh cho biết là rất muốn về nhà vì anh hoàn toàn không có bệnh tật gì.

Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Thành Công, phụ trách khoa Giám định pháp y, cho biết thông qua mối quan hệ quen biết, chị TL đã gửi anh Dũng vào điều trị vì cho rằng anh nghiện “hàng đá”. “Ngày 2/4, anh Dũng vào khoa chúng tôi để điều trị thì hôm sau chúng tôi đã liên hệ, yêu cầu chị TL đón anh Dũng về. Theo lời người nhà thì anh Dũng bị rối loạn tâm thần do sử dụng nhiều loại ma túy và chúng tôi ghi điều này vào hồ sơ nhưng chúng tôi chưa xác định được bệnh của anh Dũng” - BS Công nói.

BS Bùi Thế Hùng, Phó Viện trưởng Phân viện phía Nam (Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương), thông tin: “Ngày 2/4, khoa Giám định pháp y đã tiếp nhận anh Dũng đến điều trị tự nguyện. Theo lời khai của người nhà là anh Dũng nghiện “hàng đá”, loạn thần nên bệnh viện ghi “Theo dõi rối loạn tâm thần do sử dụng nhiều loại ma túy” để theo dõi thông tin đó. Tuy nhiên, chúng tôi chưa xác định cụ thể anh Dũng có bệnh hay không.

Sau khi liên lạc, yêu cầu chị TL đến đưa anh Dũng về nhưng chị TL không đến, chiều 3/4, chúng tôi đã cho anh Dũng xuất viện dưới sự bảo lãnh của một người chị khác của anh Dũng”.

Tiếp xúc với chúng tôi sau khi rời khỏi bệnh viện, anh Dũng nói: “Tôi sẽ đến cơ quan chức năng tố cáo những người đã cưỡng ép, trói tay chân đưa tôi đi chữa bệnh một cách vô lý. Lý do họ đưa tôi vào bệnh viện tâm thần vì họ cho rằng tôi sử dụng chất ma túy nhưng nhiều lần xét nghiệm ở bệnh viện không có kết quả nào cho thấy tôi là kẻ nghiện ngập”.

BV Tâm thần “thoáng” trong nhận bệnh!

Theo một lãnh đạo BV Tâm thần TP.HCM, ở Việt Nam chưa có quy định nào về việc đưa người vào bệnh viện tâm thần.

BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM, giải thích thêm: Đối với bệnh nhân tâm thần, thân nhân đến khai bệnh nhân có hành vi đốt nhà, đâm con, giết chồng thì đố bác sĩ nào dám cho về. Nhận họ vào là năm ăn năm thua. Trong lĩnh vực tâm thần chưa có luật, chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ bác sĩ. Nếu bác sĩ quyết định đúng thì khen, còn quyết định sai thì bảo thông đồng, chia tiền với người nhà bệnh nhân.

Theo Thanh tra Sở Y tế, không có quy trình riêng cho bệnh nhân tâm thần nhưng có quy trình chung về việc nhận bệnh. Theo quy chế, bệnh nhân đến bệnh viện qua phòng khám hoặc cấp cứu. Để một bệnh nhân nhập viện thì phải có chẩn đoán và chỉ định nhập viện của bác sĩ để xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu tìm bệnh…

Hiện nay, các bệnh viện tâm thần đều không có “đội quân” đi “bắt” người tâm thần như những năm trước nhưng dư luận vẫn nghi vấn có một đường dây, cứ gọi là có người đến “bắt” người vào bệnh viện.

D.Tính

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Đông (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN