Nhân bản xét nghiệm: Nước mắt chị Nguyệt

“Người tố cáo “nhân bản” khóc trong lễ khen thưởng”; “Người tố cáo kết quả xét nghiệm giả được thưởng 320.000 đồng”; “Người tố cáo vụ “nhân bản” nghẹn ngào khi được khen thưởng”… là tựa các bài báo xuất hiện ngay sau lễ khen thưởng “người hùng” Hoàng Thị Nguyệt cùng hai đồng nghiệp của chị.

Những cảm xúc vui buồn lẫn lộn cùng sự chua chát đọng lại trong lòng người đọc.

Chị Nguyệt cùng chị Phan Thị Nam Đông, Khuất Thị Định là những người đã đưa ra ánh sáng vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm để lừa dối người bệnh xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Một hành động dũng cảm. Họ đã góp phần chặn đứng cái “y đức” xem thường tính mạng bệnh nhân, ung nhọt nhức nhối tồn tại trong một bộ phận của ngành y tế đang chờ được “đại phẫu”.

Thế nhưng, lễ vinh danh họ được Sở Y tế Hà Nội tổ chức trong chóng vánh - chưa đầy 30 phút. Một bó hoa để tặng mang tính thủ tục như bao buổi họp mặt, lễ tiệc ở các cơ quan nhà nước: không có. Vài ba phút để các “người hùng” thộ lộ cảm xúc của mình: cũng không. Sao mà lạnh nhạt thế!

Nhân bản xét nghiệm: Nước mắt chị Nguyệt - 1

Chị Hoàng Thị Nguyệt, người tố vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hồng Phú

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từng phải nộp đơn xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực sau khi tố cáo tiêu cực xảy ra tại Trường THPT Vân Tảo, Hà Nội; “Người hùng” Lê Phước Cẩm (ngụ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã đứng ra tố cáo sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho lâm tặc khai thác gỗ trái phép ở Khe Diên. Sau đó, tên Lê Văn Ngọc, một mắt xích quan trọng trong vụ án đã xông vào nhà ông Cẩm, thẳng thừng tuyên bố: “Sẽ thủ tiêu cả nhà nếu không rút lại đơn tố cáo”. Ông Đặng Xuân Sỹ, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hải (huyện Hóc Môn, TP HCM) đã bị ngay chính giám đốc công ty là ông Ngô Quang Chưởng thuê xã hội đen bắn chết khi đang trên đường đi làm do tố cáo những sai phạm xảy ra tại công ty này…

Nước mắt của những người dám đứng ra tố cáo tiêu cực, vạch trần cái xấu đã chảy nhiều. Thậm chí họ phải hy sinh cả việc làm, tinh thần, tính mạng để bảo vệ lẽ phải. Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa còn nhiều cỏ dại xâm lấn. Để vườn hoa sạch cỏ dại thì xã hội phải biết nâng niu, trồng thêm nhiều hoa quý. Và, công cuộc phòng chống tham nhũng cũng vậy.

Trở lại buổi lễ vinh danh 3 “người hùng” tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Chị Nguyệt cùng hai đồng nghiệp đã khóc rất nhiều sau buổi lễ, bởi đan xen quá nhiều trạng thái cảm xúc.

Họ khóc vì việc làm của họ được thôi thúc bởi lương tâm nghề nghiệp, nay đã có kết quả; họ khóc vì đã làm “lá chắn”, bảo vệ cho hàng ngàn bệnh nhân; khóc cho những việc làm sai trái của các đồng nghiệp mình… Những giọt nước mắt trên còn chứa đựng nhiều nỗi lo vì họ biết rằng ngay sau lễ khen thưởng, những khó khăn, truân chuyên đang chờ họ phía trước bởi những gì họ đã làm chưa được vinh danh xứng đáng - ít nhất là đến thời điểm này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Cường (Người lao động)
Nhân bản kết quả xét nghiệm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN