Nhân bản xét nghiệm: 9 bị can sẽ chịu án thế nào?

9 bị can trong vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (BV Hoài Đức) chuẩn bị được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử (dự kiến ngày 7/3/2014).

Theo nhận định của cơ quan tố tụng, các bị can trong vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm đã gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội số tiền 16.569.000 đồng.

Dù thiệt hại về tiền không lớn, trong quá trình điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào điều trị, chưa xác định được bệnh nhân nào bị tổn hại sức khỏe do sử dụng các kết quả xét nghiệm trùng nhau nhưng hành vi của các bị can lại gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp của ngành Y nói chung và BV Hoài Đức nói riêng, gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào đội ngũ y, bác sĩ gây dư luận xấu trong xã hội.

Nhân bản xét nghiệm: 9 bị can sẽ chịu án thế nào? - 1

Bệnh viện đa khoa Hoài Đức nơi xảy ra vụ việc

Hành vi của các bị can Vương Thị Kim Thành - nguyên trưởng khoa xét nghiệm và các nhân viên là Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Vương Thị Lan, Nguyễn Đồng Sơn, Nguyễn Thị Xuyên bị truy tố theo khoản 1 điều 281 Bộ LHS, tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một đến năm năm.

Đối với Nguyễn Thị Nhiên - nguyên Phó GĐ BV Hoài Đức và Nguyễn Trí Liêm nguyên GĐ BV Hoài Đức bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 1 điều 285 Bộ LHS. Tội phạm và hình phạt được quy định là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một đến năm năm.

Điều đáng nói trong số 9 bị can, chỉ có 3 người khi phạm tội đang có chức vụ, số còn lại chỉ là kỹ thuật viên, nhân viên, thậm chí có tới 4 người đang ở dạng làm việc ở dạng hợp đồng. Trong quá trình điều tra, truy tố, tất cả 9 bị can trong vụ án đều được cho hưởng tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo LS Nguyễn Quang Tiến, điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Tạm giam chỉ áp dụng với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng (hình phạt tù trên 2 năm) khi có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội; Bị can, bị cáo bị bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Nhân bản kết quả xét nghiệm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN