Nhầm chai nước muối sinh lý, mẹ nhỏ cồn 90 độ vào mũi con

Một bệnh nhi 28 tháng tuổi vừa được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cứu sống do ngộ độc cồn 90 độ.

Bệnh viện Bạch  Mai cho biết, vừa qua, Khoa Nhi tiếp nhận cháu Lê Vũ Ngọc K., 28 tháng tuổi, ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội bị ngộ độc cồn.

Do tiền sử cháu Ngọc K. bị hen phế quản nên thường được mẹ cho vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 0,9% (chai 500ml) bằng cách hút vào xy lanh rồi bơm rửa mũi cho trẻ.

Tuy nhiên, do bất cẩn, mẹ bệnh nhi Ngọc K. đã hút nhầm cồn 90 độ để bơm rửa mũi trẻ. Mẹ bé K. cho biết, chị đã bơm khoảng 20ml vào mũi con. Sau khi nhỏ mũi, trẻ khóc nhiều kèm theo chảy nước mũi nhiều. Bé được mẹ gây nôn và cho rửa mũi nhiều lần nhưng không thấy đỡ nên sau 1 tiếng, mẹ bé K. cho trẻ nhập viện.

Nhầm chai nước muối sinh lý, mẹ nhỏ cồn 90 độ vào mũi con - 1

Các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ (Ảnh minh họa)

Sau khi thăm khám lâm sàng, trẻ tỉnh, không sốt, chảy nước mũi nhiều. Các bác sĩ Khoa Nhi đã hội chẩn với Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và làm các xét nghiệm sơ bộ. Sau khi điều trị, đến nay sức khỏe của bé K. đã ổn định.

BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhỏ cồn vào mũi trẻ vô cùng nguy hại. Nó có thể dẫn đến bỏng niêm mạc mũi, kích thích niêm mạc mũi. Nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi.

Cũng theo bác sĩ Nam, trung bình mỗi năm Khoa tiếp nhận khoảng 10 trường hợp nhỏ nhầm cồn. Do đó, các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ.

Trước đó, Khoa Nhi cũng tiếp nhận một số trường hợp như uống nhầm dầu máy khâu, nước rửa tay… do người lớn để dung dịch vào chai nước khoáng. Có thời điểm trong vòng 3 tuần liên tiếp, Khoa nhận vào 3 bệnh nhân khoảng 3 - 4 tuổi nhập viện do ngộ độc xăng, dầu hỏa. Nguyên nhân cũng do người lớn chứa xăng dầu trong vỏ chai nước ngọt, để trẻ con bốc nhầm.

Theo các chuyên gia, những trẻ uống phải xăng, dầu hỏa; nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn, ho. Nếu trẻ ở mức độ nhẹ, uống ít có thể được tống ra ngoài theo đường tiêu hóa. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Hơi độc vào phổi gây tổn thương phế nang. Nếu cộng thêm tình trạng sặc hóa chất vào phổi thì tổn thương, viêm phổi càng nặng nề hơn.

Vì vậy, các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ không nên tận dụng chai nước khoáng, chai lọ cũ để chứa các dung dịch khác nhau vì điều này rất dễ gây nhầm lẫn khi uống, có hại cho sức khỏe của trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN