Người vợ 10 năm phải nhốt chồng trong cũi

Gần 20 năm lấy chồng nhưng chị Nguyễn Thị Huyên chưa được một bữa cơm ngon bởi mỗi khi dọn cơm là anh chồng lại bê ra sân rồi đổ úp tất cả.

 

Thậm chí, nhiều lần chị phải cố vùng dậy để chạy thoát thân hoặc cố kêu người đến giúp vì bị chồng bóp cổ. Thương chồng, thương mình, thương con, chị phải thuê người hàn cái lồng sắt 2 mét vuông để nhốt chồng vào đấy.

Gần 20 năm tủi phận làm vợ người tâm thần

Tìm về thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) hỏi đến chuyện chị Nguyễn Thị Huyên (SN 1976) thuê người hàn lồng sắt rồi nhốt chồng là anh Trình Văn Lởi (SN 1971) ai cũng biết.

Anh Hoàng Văn Hải, người cùng xóm dẫn đường cho chúng tôi cứ tấm tắc khen chị Huyên chịu khó, thương chồng, thương con. Mặc dù hoàn cảnh gia đình bi đát, vất vả nhất nhì cái xã Minh Lộc này nhưng chị vẫn không kêu ca nửa lời, một mình nuôi mẹ chồng hơn 80 tuổi, hai đứa con đang ăn học và người chồng bị bệnh đã gần 20 năm nay.

Người vợ 10 năm phải nhốt chồng trong cũi - 1

Bằng tình yêu thương, gần 20 năm qua chị Huyên vẫn chăm chồng. Ảnh: P.B.

Trong căn nhà xập xệ chẳng có thứ đồ dùng gì giá trị, chị Huyên buồn bã kể về cuộc tình với người chồng đã cưới được 17 năm nhưng chưa một ngày được bình yên, hạnh phúc. “Trước đây anh ấy còn lúc mê, lúc tỉnh nhưng 10 năm trở lại đây thì anh ấy cứ điên dại, hò hét suốt ngày, không còn biết xung quanh là gì nữa”, chị Huyên bắt đầu câu chuyện về gia đình mình như thế.

“Thời đấy anh Lởi hiền lành, chịu khó nên mới gặp tôi đã rất quý mến. Khi đang yêu, anh Lởi nhiều lúc cũng có biểu hiện không bình thường, nhưng gia đình bảo do bị bỏ bùa nên anh ấy như thế(?). Gia đình còn nghe người ta nói, nếu lấy vợ thì anh ấy sẽ hết bệnh ngay”, chị Huyên nói.

Sau ngày cưới, bệnh của chồng ngày càng nặng hơn, hàng ngày, anh Lởi hay hò hét, nóng giận thất thường. Những bữa cơm hạnh phúc không còn nữa, thay vào đó là những giọt nước mắt tủi phận của người vợ trẻ có người chồng không bình thường. “Trước đây, tôi muốn chia tay anh ấy lắm nhưng khi phát hiện mình đã mang thai thì tôi không làm được. Cứ nghĩ sinh xong đứa con, tôi sẽ làm đơn ly dị để khỏi cực, nhưng càng ngày tôi càng thương anh ấy hơn nên tôi chấp nhận cuộc sống như vậy. Anh ấy đánh tôi thường xuyên, còn bữa cơm nào dọn ra mà không nhìn trước ngó sau thì anh ấy mang ra đổ hết ngoài sân. Sách vở của mấy đứa con thì học xong phải cất cẩn thận không thì anh ấy đốt hết”, chị Huyên nói về bệnh tật của người chồng.

Người vợ 10 năm phải nhốt chồng trong cũi - 2

Chị Huyên và cháu Xuân cùng mẹ anh Lởi năm nay đã hơn 80 tuổi. Ảnh: P.B

Mong có tiền chữa bệnh cho chồng và con không phải bỏ học

Ôm đứa con út đang học lớp 7 vào lòng, chị Huyên bảo: “Nhà tôi có hai đứa con. Cháu đầu hiện đang học lớp 10, còn cháu sau thì học lớp 7. Cả hai đứa biết bố bệnh tật, mẹ vất vả nên đều chăm ngoan, học giỏi. Vừa rồi, cháu Xuân đi thi học sinh giỏi của huyện được giải 3 môn Toán. Nhiều lúc nhìn cuộc sống vất vả nhưng nhìn con cái như thế cũng là nguồn động viên để tôi vượt qua”.

Chỉ về phía anh Trình Văn Lởi đang hò hét trong chiếc lồng sắt được hàn chắc chắn, chị bảo 10 năm nay phải để anh sống ở trong đó. “Vì gia đình không có tiền điều trị thường xuyên nên bệnh tình của anh ấy ngày càng nặng. Có nhiều lần anh ấy đánh tôi kinh khủng lắm. May có mẹ chồng, hàng xóm vào can ngăn kịp thời không tôi cũng chẳng còn sống được đến hôm nay. Mẹ chồng, các con tôi cũng nhiều lần bị như vậy”, chị Tình kể.

Trước đây, do con còn nhỏ, nhà chồng cũng nghèo, nhà ngoại cũng chẳng khá giả hơn nên chị Huyên không có tiền đưa anh đi khám. Năm 2004, gom góp và được sự giúp đỡ của anh em họ hàng, chị và mấy người họ hàng mới đưa anh Lởi lên bệnh viện tỉnh. Từ lần đấy, chị mới biết anh bị bệnh tâm thần.

Điều trị tại bệnh viện được hơn 3 tháng, chẳng còn tiền để lo cho chồng, con cái ở nhà cũng nheo nhóc nên chị lại phải đưa anh về điều trị ngoại trú. Sau này, thỉnh thoảng chị cũng đưa anh đi khám rồi lấy thuốc nhưng bệnh tật không thuyên giảm được tí nào.

“Cũng trong năm 2004, khi biết về căn bệnh của chồng, nghe lời khuyên anh em, họ hàng, tôi mượn người đóng một chiếc lồng sắt để nhốt anh vào đó. Nói thật, lúc cho anh vào đó để khóa, lòng tôi đau như xát muối nhưng vì sợ anh gây họa nên tôi đành nhắm mắt”, chị Huyên kể.

Trong cái lồng sắt dài 2m, rộng chưa đầy 1m này đều gói gọn mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh của anh Lởi. Mỗi lần cho anh uống thuốc, chị lại phải nghiền nát rồi trộn vào cơm cho anh ăn. “Có nhiều hôm đi làm về mệt mỏi, chuẩn bị bữa cơm, vừa mang ra đến nơi cho anh ăn thì anh cầm cả bát cơm ném vào mặt tôi. Những lúc như thế tủi thân vô cùng, nhưng nhìn anh kêu gào, hò hét tôi lại thương anh lắm”, những giọt nước mắt cay đắng của chị Huyên chảy dài.

Thương chồng, chị lại thương mấy đứa con còn nhỏ dại. Cháu đầu, Trình Văn Thanh năm nay đang học lớp 10 bị bạn bè trêu đùa về người bố nên rất tủi thân và mặc cảm. Cũng chính vì thế, nên từ học sinh giỏi những năm cấp 1, cấp 2 giờ cháu chỉ được học sinh tiên tiến. “Nhìn bố như thế, rồi mẹ cũng bệnh tật suốt nên hôm trước cháu Thanh xin tôi nghỉ học để đi làm thêm. Nhưng tôi kiên quyết, dù mẹ vất vả thế nào cũng nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn, chỉ mong các con ngoan ngoãn, học giỏi”, chị Huyên chia sẻ.

Anh Lởi bị bệnh tâm thần, mỗi tháng được trợ cấp 270.000 đồng, còn chị Huyên thì có hơn 2 sào ruộng nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả, người phụ nữ này vẫn không kêu ca, than vãn mà chỉ mong cuộc sống sẽ bớt sóng gió, mong có một khoản tiền nhỏ để chữa bệnh cho chồng và hai đứa con không phải bỏ học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Nhung (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN