Người tiêu dùng “sợ” thịt heo
Tính đến cuối tháng 9, vùng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) có 7/11 xã đã xuất hiện tình trạng dịch bệnh trên đàn heo với tổng số heo mắc bệnh là 921 con, trong đó chết 41 con… Sau khi xuất hiện tình trạng heo bị bệnh tại một số địa phương, tâm lý người tiêu dùng trong khu vực rất e ngại, dẫn đến hạn chế sử dụng thịt heo
Mặt khác, đại đa số người dân không nắm đầy đủ thông tin nên cho rằng, thời kỳ heo đang bị dịch bệnh khi sử dụng thịt và sản phẩm chế biến từ thịt heo có thể lây bệnh sang người. Tình trạng này khiến việc tiêu thụ thịt heo tại các chợ ở nông thôn giảm, tiểu thương và người chăn nuôi khốn đốn. Bên cạnh đó, các quán bún giò, cháo lòng trở nên ế ẩm; nhiều thực khách vốn đã quen với món ăn buổi sáng của các quán này, nay dồn đến các quán mì Quảng thịt bò hoặc cháo gà, vịt…
Theo ghi nhận của chúng tôi, hơn một tuần qua, khoảng 50 hộ kinh doanh thịt heo tại chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) điêu đứng vì lượng thịt bán ra quá ít. Quan sát tại chợ, những sạp bán thịt heo thưa thớt và khá vắng vẻ; trong khi đó, các mặt hàng bán thúy hải sản bên trong lại tấp nập người mua.
Bà Nguyễn Thị Hai kinh doanh thịt heo cho biết: “Trước đây, bình quân mỗi ngày, các hộ kinh doanh thịt heo bán hơn 3 tấn thịt, nhưng vài ngày trở lại đây sức tiêu thụ sản phẩm thịt heo giảm đến 65% so với trước thời điểm có thông tin về dịch bệnh”. Sạp của bà, ngày bình thường bán 50-60kg thịt heo thì nay 20kg cũng vẫn ế, mặc dù thịt heo đã có dấu kiểm dịch. Cũng theo bà Hai, các cơ quan liên quan cần phải tác động đến người tiêu dùng, chứ cứ thế này thì chỉ có nước đóng sạp, lấy đâu tiền đóng thuế!
Chị Trần Thị Thà (Túy Loan Tây, Hòa Phong) cho biết lý do hạn chế với loại thực phẩm quen thuộc này: “Nghe đài báo tuyên truyền dịch tai xanh lan rộng nên nhà tôi chuyển sang ăn thực phẩm khác để đảm bảo sức khỏe. Các cháu nhà tôi còn bé nên càng phải kỹ càng hơn khi lựa chọn thực phẩm”. Còn theo một số người khác thì sở dĩ họ có tâm lý “sợ” thịt heo là do rất khó phân biệt giữa thịt heo bệnh và thịt heo không bị bệnh. Vì vậy, khi có dịch, không kể dịch bệnh gì, cứ tránh là tốt nhất.
Thiết nghĩ, đây là trách nhiệm của các ngành hữu quan như thú y, quản lý thị trường, các ban quản lý chợ… trong việc tuyên truyền cho người dân. Qua đó, giúp người tiêu dùng vừa tăng cường ý thức cảnh giác, phòng chống dịch bệnh, vừa tránh tình trạng tẩy chay thịt heo không nhiễm bệnh. Nếu không làm được điều đó, không chỉ có những người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo lao đao mà đời sống của người khác cũng gặp khó khăn.