Người nhái ở Thủy điện Hòa Bình

Sự kiện: 24h vạn dặm

Sông Đà được khắc họa đậm nét trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Đó là dòng sông hung dữ, thác ghềnh, nước chảy không theo một dòng nào cả. Nó như con ngựa bất kham, lúc hiền hòa, dịu êm, lúc thì gắt gỏng thác lũ, lạnh lùng với những vách núi đá sừng sững.

Ấy vậy mà, có những con người bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng chinh phục dòng nước hung dữ ấy, biến chúng trở nên ngoan hiền, thú vị hơn. Đó là những người nhái trên sông Đà, những người “lính” thủy điện can trường.

Nghề chọn người

Chàng trai trẻ Thái Bá Sỹ sinh ra và lớn lên ở vùng đất xứ Nghệ đầy nắng gió. Chính cái khắc nghiệt, lam lũ từ nhỏ đã tạo nên một Thái Bá Sỹ bản lĩnh vững vàng. Sau khi tốt nghiệp THPT, Sỹ rời mảnh đất Diễn Châu lên đường nhập ngũ. Nhận thấy tố chất đặc biệt của người chiến sỹ trẻ, thủ trưởng đơn vị đã điều động anh tham gia huấn luyện đặc công nước của Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam. Đơn vị anh đóng quân tại Trường Sa, một trách nhiệm đầy nặng nề và vinh dự của người lính trẻ.

Những ngày đầu trong quân ngũ, Sỹ thầm hứa, phải cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì mới góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó chính là động lực thôi thúc anh và đồng đội hoàn thành xuất sắc các khóa huấn luyện thực hành lặn vô cùng gian khổ.

Niềm vui với nghề.

Niềm vui với nghề.

Ngoài việc thường xuyên lặn ở độ sâu hàng chục đến hàng trăm mét, anh phải chịu áp lực khủng khiếp từ nước biển. Nếu không có ý chí, tinh thần thép thì người lính sẽ hoang mang, bỏ dở nhiệm vụ. Sau lần “trải nghiệm” ở độ sâu hàng chục mét, lính trẻ Thái Bá Sỹ có niềm tin chinh phục mức độ sâu hơn. Được đồng đội tận tình chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm, giúp anh ngày một trưởng thành, vững vàng hơn. Anh luôn hoàn thành xuất sắc các khóa huấn luyện, được thủ trưởng đơn vị tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Niềm đam mê khám phá môi trường nước huyền bí đã gieo vào người lính trẻ lúc nào không hay. Ở dưới nước, anh được thỏa sức thử thách bản thân, khám phá những điều kỳ bí dưới lòng đại dương, điều mà không phải ai cũng làm được. Khát khao chinh phục cái mới, chinh phục khó khăn, thách thức là hành trang để người lính hải quân trẻ vững bước trên đường đời đầy sóng gió. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trùng với thời điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuyển dụng thợ lặn phục vụ việc khảo sát, sửa chữa tại các nhà máy thủy điện. Thái Bá Sỹ nhanh chóng được tuyển dụng đầu quân cho “biệt đội nhái cá” Thủy điện Hòa Bình từ đó đến nay.

Ngày mới nhận nhiệm vụ tại mảnh đất mới, lĩnh vực mới, Thái Bá Sỹ khá bỡ ngỡ. Trước đây, nhiệm vụ của đặc công nước chỉ phải lặn để thực hiện tác chiến với những đối tượng cụ thể. Ở lĩnh vực mới đòi hỏi các anh phải nắm bắt kỹ thuật, khoa học để phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục. Sau khi tham gia khóa huấn luyện ngắn hạn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức, Sỹ nhanh chóng tiếp cận công việc. Tuy nhiên, chỉ huy phân đội lặn chưa giao ngay những việc nặng nhọc, phức tạp mà để anh làm quen những công việc đơn giản để thử thách. Khi nhận thấy Sỹ dần trưởng thành, phân đội giao những việc khó hơn như thăm dò, phát hiện sự cố ở sâu dưới lòng sông. Cái duyên với nghề người nhái như định mệnh gắn bó với Thái Bá Sỹ từ đó.

Đối với Trần Văn Hoàng, hành trình trở thành người nhái sông Đà như một sự tình cờ. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Trần Văn Hoàng là con trai duy nhất trong gia đình. Vì lẽ đó mà tất cả tình yêu thương cha mẹ đều dành cho Hoàng, họ không muốn con vất vả, gian khổ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hoàng không học cao hơn như đám bạn cùng trang lứa mà phụ giúp gia đình ở quê nhà. Đúng thời gian này, chính quyền xã thông báo tuyển dụng tham gia nghĩa vụ quân sự.

Ban đầu, gia đình không đồng ý cho Hoàng dự tuyển vì sợ vất vả, gian khổ. Sau khi nghe Hoàng trình bày nguyện vọng muốn được thử sức trong môi trường quân ngũ, muốn được cống hiến cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, gia đình đã đồng ý. Vinh dự và tự hào về con, song cha mẹ anh không khỏi lo lắng. Ngày tiễn con lên đường, mẹ con bịn rịn nắm chặt tay, mắt ngấn lệ, Hoàng động viên mẹ giữ sức khỏe. Sau khi nhập ngũ, Hoàng được phân công về Bộ Tư lệnh Hải quân đóng quân tại đảo Trường Sa lớn.

Cũng giống như Thái Bá Sỹ, Trần Văn Hoàng được đào tạo đặc công nước, thực hiện các kế hoạch tác chiến, trinh sát ở sâu dưới đáy biển. Một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nguy hiểm, chỉ một sai sót nhỏ có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hoàng được các tuyển trạch viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuyển dụng làm thợ lặn tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quê lúa Thái Bình, cậu bé Nguyễn Xuân Vương nhút nhát năm nào không thể ngờ rằng sau này sẽ trở thành người nhái can trường, quả cảm. Tốt nghiệp phổ thông, Vương tham gia nghĩa vụ quân sự. Anh được điều động về Lữ đoàn Đặc công 126 hải quân Bộ Tư lệnh Hải quân đóng tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, đơn vị 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Được công tác tại đơn vị anh hùng vừa là vinh dự, cũng là áp lực nặng nề với người lính trẻ.

Ngày mới nhập ngũ, Nguyễn Xuân Vương khá hoang mang bởi đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Anh được tham gia các khóa đào tạo đặc biệt, sử dụng thiết bị lặn chuyên nghiệp để trinh sát, nắm tình hình địch, đề xuất các phương án, kế hoạch tác chiến phù hợp. Lần đầu lặn ở độ sâu hàng chục mét, Vương gặp phải áp lực nước cực mạnh, sức khỏe chưa tốt khiến anh khá lo lắng. Anh tự động viên mình phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa bởi để trở thành đặc công nước tinh nhuệ cần phải vượt qua giới hạn bản thân mình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh cũng được đặc cách tuyển dụng trở thành thợ lặn chuyên nghiệp cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Nhiệm vụ đặc biệt

Theo giới thiệu của cán bộ Phòng Tổ chức hành chính Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, chúng tôi tìm gặp cựu người nhái Nguyễn Hồng Quân, người đặt nền móng cho phân đội thợ lặn sau này. Trong căn nhà nhỏ ở phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình, mặc dù đã nghỉ hưu, vui thú điền viên, song mỗi khi nhắc đến, những kỷ niệm trong anh về nghề lại ùa về.

Hai người nhái Trần Văn Hoàng và Thái Bá Sỹ.

Hai người nhái Trần Văn Hoàng và Thái Bá Sỹ.

Nhớ lại những ngày “đốt đuốc” tìm người kế cận, người nhái kỳ cựu Nguyễn Hồng Quân chia sẻ đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Sau khi Thủy điện Hòa Bình sắp đi vào hoạt động (năm 1986), đội hình người nhái thành lập với gần chục thành viên. Để đáp ứng nhiệm vụ cấp bách khi đó, ông cùng một số đồng nghiệp được cử sang Nga đào tạo và trở thành lực lượng nòng cốt sau này. Vì nhiệm vụ đặc thù, vô cùng nguy hiểm nên trong suốt 25 năm liền, công ty không tuyển dụng được nhân lực mới. Lực lượng người nhái dần mai một, người chuyển công tác, người nghỉ chế độ mà không có lực lượng kế cận. Đầu năm 2011, ông được giao trực tiếp tìm kiếm người nhái bổ sung từ khắp mọi miền đất nước. Người ta chỉ ông đến Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân. Khi gặp và trực tiếp trao đổi với một số chiến sỹ, nhận thấy nguyện vọng của họ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ánh mắt ông rực sáng. Niềm tin về đội ngũ kế cận trẻ, nhiệt huyết trào dâng trong ông. Thế rồi các “lính trẻ” Thái Bá Sỹ, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Xuân Vương lần lượt đầu quân cho công ty.

“Tre già, măng mọc, đó là quy luật cuộc sống, cũng là quá trình vận động để xây dựng biệt đội người nhái sông Đà ngày càng lớn mạnh hơn” - ông Quân đúc kết.

Tiếp câu chuyện, ông Quân cho biết: Dù có được đeo lên người những thiết bị hỗ trợ tối tân nhất thì ở Việt Nam không nhiều người có thể lặn được ở độ sâu 60 mét. Ngâm mình ở độ sâu đó, con người không thể chịu được áp lực của nước bên trên, chỉ một lỗi cực nhỏ của thiết bị lặn hay sức khỏe không đảm bảo là người lặn có thể bị phọt máu tai, mắt, mũi, thậm chí mắt có thể lồi ra và chết ngay sau đó. Nếu có được trang bị các thiết bị lặn của Mỹ, Nga thì sau mỗi buổi lặn, người nhái phải chui ngay vào buồng giảm áp từ 3 đến 6 tiếng, chờ cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi của áp suất. Vậy mà "Biệt đội nhái cá" tại Thủy điện Hòa Bình hằng ngày vẫn âm thầm làm công việc tưởng như không thể với một người bình thường đó.

Nhắc lại kỷ niệm về nghề, đó là sự cố ngừng phát điện đột ngột cả hệ thống điện miền Bắc xảy ra vào mùa hè năm 1994 chỉ một thời gian ngắn sau khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức vận hành. Tất cả cán bộ của ngành điện vô cùng hoang mang, không hiểu vì lý do gì mà một công trình thế kỷ lại có thể gặp sự cố đặc biệt nghiêm trọng như vậy. Lực lượng an ninh, bảo vệ nhà máy được huy động, túc trực 24/24h sẵn sàng chiến đấu. Bởi lúc đó rộ lên nhiều tin đồn đã có kẻ chống phá. Biết bao câu hỏi được người ta ném mất tăm xuống dòng nước cuồn cuộn réo ầm ầm. Ngay lập tức, lực lượng người nhái được triệu tập. Biết bao hy vọng được đặt cả vào những con người đặc biệt này.

Đang trong lúc căng thẳng nhất, người quản lý báo cáo rằng: Thiết bị không đủ vì đang được gửi đi bảo dưỡng. Không còn cách nào khác, họ tức tốc liên lạc với đội thợ lặn đến từ đất cảng Hải Phòng để hỗ trợ. Không còn nhiều thời gian, đội thợ lặn Hải Phòng phối hợp với lực lượng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nhanh chóng được giao làm nhiệm vụ. Đáy hồ sâu hơn 60 mét, đèn pin 1.000W chỉ như một đốm sáng le lói dưới lòng sông. Các chuyên gia, bác sĩ chăm sóc ứng cứu theo dõi từng động tác qua chiếc camera. Cuối cùng thì ở độ sâu 44 mét, tấm lưới khổng lồ ngăn giữa hồ nước 9 tỷ mét khối và tổ máy đã bị phá tan hoang hiện ra. Tín hiệu camera bị gián đoạn, liên tục là tín hiệu cấp cứu được báo lên. Các thợ lặn bị rối dây lặn, nước ục vào mũ lặn, đây là một tình huống vô cùng nguy cấp.

Trong lúc "ngàn cân treo sợi tóc" đó, người nhái Đinh Hồng Quân đã đưa ra phương án là sẽ mượn đồ lặn ở Viện Hải dương học để trực tiếp cùng anh em xuống giải cứu cỗ máy đang chết tắc. Thế rồi, người nhái Quân cũng liều mình tiếp cận tấm lưới bị xé.

"Tôi vô cùng bàng hoàng khi nhận ra ở độ sâu 44 mét ấy, tấm lưới bảo vệ cao 33 mét, nặng hơn 1 tấn, gồm 11 tầng thiết kế đã bị phá toang”. Sau nhiều giờ đồng hồ, anh phát hiện nguyên nhân gây ra sự cố là do mưa lũ, củi, gỗ từ thượng nguồn đổ về làm ùn tắc ở cửa tấm lưới chắn rác của nhà máy. Củi và gỗ bịt kín cửa cống, kín đến mức nước không vào được các tuyến năng lượng. Bên trong, các cỗ máy vẫn hoạt động nên tạo ra một áp lực lớn khiến tấm lưới bị phá toang. Hàng nghìn mét khối gỗ cứ thế chui vào một số tổ máy khiến hệ thống bị tê liệt.

“Sự cố được khắc phục hoàn toàn, dòng điện được cấp trở lại làm tất cả mọi người, từ lãnh đạo công ty đến đội ngũ công nhân vui mừng khôn xiết, ôm chầm lấy nhau, nước mắt giàn giụa, tràn ngập hạnh phúc - ông Quân nhớ lại.

Nhắc về nghề thợ lặn, chúng tôi liên tưởng câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, họ sẵn sàng lựa chọn phần việc gian khổ, nguy hiểm để bảo vệ an toàn công trình thủy điện, mang dòng điện tỏa sáng khắp mọi miền đất nước. Những người nhái trẻ như: Thái Bá Sỹ, Nguyễn Xuân Vương, Trần Văn Hoàng... lại tiếp tục chinh phục miền đất mới, từ Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Na Hang (Tuyên Quang), Huổi Na (Nghệ An)... và sang cả các thủy điện nước bạn Lào, Campuchia. Họ làm việc với một niềm tự hào được đắm mình dưới dòng nước sâu thẳm, dưới đáy những hồ thủy điện để sửa chữa, khắc phục sự cố các công trình quan trọng bậc nhất của đất nước. Hành trình giải cứu thủy điện lập nên chiến công của những người nhái sông Đà cứ dài thêm mãi.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo bước chân những người giữ rừng

Có những nỗi niềm rất riêng của mỗi người khi họ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, khi cơn gió giao mùa đến rất gần và những hạt mưa nặng trĩu rơi xuống, họ vẫn ngày đêm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Hùng ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN