Người làm thuê và những chiêu phản chủ

Thời gian qua dư luận kịch liệt lên án những ông, bà chủ có hành vi ngược đãi đối với người giúp việc, người làm thuê. Tuy vậy, ở một góc độ nào đó, không ít người bỏ tiền thuê lao động đã bị phá sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng bởi vô số chiêu trò, thủ đoạn từ chính người làm thuê cho mình...

Những chiêu phản chủ

Sau một thời gian lăn lộn ở những quán cơm bình dân, Nguyễn Đình Long (ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) may mắn được nhận vào làm phụ bếp rồi lên bếp chính tại một nhà hàng đồ ăn Nhật ở quận Đống Đa, Hà Nội. Nhờ hiền lành, chăm chỉ, Long đã được ông chủ người nước ngoài tin tưởng, quý mến, giao phó toàn bộ việc quản lý bếp ăn của nhà hàng, từ nhận, kiểm tra thực phẩm đến chế biến món ăn cho khách.

Qua 6 tháng làm việc trong môi trường mới, tiếp xúc với nhiều mối hàng, Long đã nghĩ ra các chiêu thức để… tận thu. Do được liên hệ với các mối hàng, nên lợi dụng thời gian ông chủ về nước giải quyết việc gia đình, Long đã tự ý tìm nguồn cung cấp thực phẩm mới. Sau đó, Long thẳng thừng đặt vấn đề ăn chia với họ đồng thời chấm dứt hợp đồng với những mối hàng cũ. Long lập 2 hóa đơn lấy hàng, một hóa đơn thật và một hóa đơn với những con số do Long tự vẽ ra. Hóa đơn khống này được Long giao cho chủ mối hàng giữ, cuối tháng đến thanh toán tiền hàng với ông chủ. Hóa đơn thực Long giữ làm căn cứ, sau đó lấy số tiền từ hóa đơn khống trừ đi số tiền của hóa đơn thực ra số tiền Long được hưởng, không quên chi lại cho chủ hàng chút hoa hồng. Nhờ đó, trung bình mỗi tháng Long đút túi thêm hàng chục triệu đồng. Không chỉ có vậy, mỗi khi nhà hàng có đồ ăn thừa chưa qua chế biến, Long đều liên hệ với một số cửa hàng cơm, phở bình dân bán ra ngoài để tăng thu nhập.

Người làm thuê và những chiêu phản chủ - 1

Không chỉ người nước ngoài mà những ông chủ, bà chủ người Việt đặt niềm tin quá nhiều vào nhân viên cũng dễ dàng sập bẫy. Thay vì hàng ngày đến cửa hàng, đôn đốc nhân viên, những ông bà chủ này phó thác công việc kinh doanh cho một vài nhân viên. Đối với một số nhân viên có tâm địa xấu, đây là cơ hội để họ kiếm lợi. Trường hợp phá sản của chuỗi cửa hàng sửa chữa xe máy do ông Nguyễn Văn Sang làm chủ ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân là một ví dụ. Thấy Vũ Văn Đĩnh (quê ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, ông Sang đã nhận Đĩnh vào làm và truyền nghề cho.

Khi thấy Đĩnh vững tay nghề, ông Sang đã giao việc quản lý các cửa hàng cho Đĩnh. Hàng tháng, ông Sang chỉ xem tình hình kinh doanh qua sổ sách rồi nhận tiền. Ông không ngờ Đĩnh đã lên kế hoạch để chiếm đoạt tài sản của gia đình ông. Ban đầu, Đĩnh nhờ một người khác đứng tên để mở một cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Mỗi khi có khách “sộp” đến cửa hàng của ông Sang, Đĩnh đều giới thiệu khách qua đó. Dần dà, các cửa hàng cửa ông Sang ngày càng vắng khách, dẫn đến đóng cửa từng địa điểm một. “Chỉ đến khi nghe Đĩnh xin nghỉ việc và tận mắt chứng kiến nhân viên ruột của mình đang tiếp khách ở cửa hàng trên đường Xuân Thủy, tôi với vỡ lẽ. Không ngờ chỉ vì quá tin tưởng tôi đã “gửi trứng cho ác” - ông Sang thở dài.

Những hành vi phạm tội nghiêm trọng

Tuy mới đến làm thuê cho gia chủ được 1 ngày nhưng đối tượng Nguyễn Thừa Anh (SN 1982, ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) biết ông chủ có nhiều tiền nên đã nảy sinh âm mưu giết người. Đối tượng này đã bất ngờ dùng dây thừng siết cổ và dùng dao chém ông chủ 3 nhát. Chỉ một ngày sau khi gây án, bỏ trốn, Nguyễn Thừa Anh đã bị CAH Thanh Chương tóm gọn. Mới đây, ngày 20/3, CAH Đắk G’long (Đắk Nông) dã tiếp nhận đơn trình báo về vụ án hiếp dâm xảy ra trên địa bàn xã Đắk Ha. Theo lời khai của chị Nguyễn Thị Đ, thấy người làm công là Nguyễn Văn Cu, sinh năm 1975 có vấn đề bất ổn nên vợ chồng chị đã thanh toán hết số tiền công cho anh ta. Khi nhận tiền xong, đối tượng đã quay sang thực hiện hành vi thú tính đối với chị Đ. Nghiêm trọng hơn là trường hợp của Tạ Ngọc Hạnh, 22 tuổi, ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Đi làm thuê nhưng lại nghiện game online, Hạnh đã sát hại ông chủ dã man để cướp tài sản. Cái giá mà đối tượng này phải trả là án tử hình khi vừa bước vào tuổi 22.

Cũng với hành vi trộm cắp nhưng Lê Quốc Việt (SN 1982, trú ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cùng 6 đối tượng trộm cắp phụ tùng, linh kiện xe máy của chính nơi mình làm việc. Việt đã bàn với một số công nhân “tuồn” phụ tùng, linh kiện xe máy ra bên ngoài bán lấy tiền chia nhau. Chỉ trong tháng 4/2011, nhóm nhân viên do Việt cầm đầu đã hai lần trộm cắp 60 bộ khung xe máy của doanh nghiệp với tổng trị giá hàng chục triệu đồng. Với hành vi này, Việt và các đối tượng liên quan đã bị công ty sa thải, bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Ông  Hoàng Huy Được - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không chỉ xuất phát từ lòng tham của người làm thuê, sự thiếu hiểu biết và những khó khăn về kinh tế của bản thân họ mà còn do sự lơ là, chủ quan, tin người mù quáng của các ông, bà chủ. Mặt khác, sự hớ hênh của chính chủ sự dụng lao động đã biến họ trở thành miếng mồi ngon cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc, bên cạnh việc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật của cơ quan chức năng thì mỗi cá nhân trước khi thuê lao động hãy xác minh kỹ về nhân thân của họ, soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ và nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Linh (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN