Người Hà Nội nói gì về cầu vượt thép?

Sau gần 1 tháng 2 cây cầu vượt khung thép tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc - Tây Sơn được đưa vào sử dụng, PV đã có cuộc thăm dò, tìm hiểu về tình trạng giao thông tại 2 khu vực vốn được cho là thường xảy ra ùn tắc này.

Hầu hết những người được hỏi đều tỏ ra khá hài lòng sau khi 2 cây cầu vượt này thông xe. Cũng theo quan sát của phóng viên, vào các giờ cao điểm, tình trạng ùn ứ giao thông tại các ngã tư này đã giảm đi rõ rệt.

Tại ngã tư Chùa Bộc - Tây Sơn, chị Nguyễn Thị Nga (ở Khâm Thiên - Đống Đa - Hà Nội) cho hay, chị thường xuyên có việc phải đi lại trên tuyến đường Tây Sơn. Trước đây, khi qua ngã tư này thường gặp cảnh tắc đường rất bực bội và mệt mỏi. Nhưng gần đây, tình trạng đó gần như không còn "bây giờ cứ đến đây là tôi phóng vèo vèo lên cầu vượt.

Khi được hỏi, lúc chị quay về, đến điểm giao cắt Ô Chợ Dừa lại bị tắc thì sao? Chị Nga cho rằng, bản thân những nút giao thông này từ trước nay vẫn thường đông người, ùn ứ. Có cầu vượt ở phía Tây Sơn hay không thì vẫn thế. Miễn là nhanh thêm được tý nào hay tý ấy.

Người Hà Nội nói gì về cầu vượt thép? - 1

Cầu vượt nhẹ tại ngã tư Chùa Bộc - Tây Sơn đã giúp giảm đáng kể tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm

Trong khi đó, anh Dương Văn Hưng (28 tuổi, ở Mê Linh - Hà Nội) cho biết, anh thuê trọ tại khu vực Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, cơ quan nằm ở Nguyễn Lương Bằng. Trước nay, cứ mỗi buổi sáng đi làm, có đoạn đường 3-4 cây số mà mất gần 30 phút. Đó là còn đỡ được đoạn tắc đường nhờ cầu vượt ở Ngã Tư Sở.

"Từ hôm có thêm cầu vượt ở Tây Sơn, tôi thấy đỡ mệt hơn hẳn, từ nhà đến cơ quan, giờ chỉ mất khoảng 15 phút, thậm chí còn không đến."

Đồng quan điểm với anh Hưng, một nhân viên văn phòng tên Nguyễn Văn Tú (ở Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội) khẳng định, anh là một người dân rất hay bức xúc trước tình trạng tắc đường ở Hà Nội. Từ khi Hà Nội có 2 cây cầu vượt nhẹ này, anh thường xuyên đi qua đây và thấy rất tiện lợi. Anh Tú cho rằng, nhiều người đi qua đây hẳn cũng thấy hài lòng như anh.

Những lần qua đây, tôi không còn phải chống chân, nhích xe từng bước như trước đây. Đặc biệt là không phải thi thoảng nghe những lời càu nhàu một mình, thậm chí to tiếng của một vài người đi đường với nhau vì ùn tắc, ngột ngạt.

Trả lời câu hỏi về mặt mỹ quan của những chiếc cầu vượt, anh Dương Văn Hưng cho rằng, nhìn ở tầm vĩ mô thì tôi không được rõ. Riêng tôi là người dân đi đường, tôi thấy các ngã tư này từ khi xây cầu vượt dù đứng gần hay nhìn từ xa thấy đẹp hơn hẳn.

Trong khi đó anh Tú tỏ ra khá gay gắt "tôi thấy truyền hình, đài báo nói về chuyện xây cầu vượt suốt, có một số chuyên gia còn phát biểu rằng, cầu vượt nhẹ có thể phá vỡ mỹ quan đô thị. Tôi xin lỗi hỏi chuyên gia một câu: Mỹ quan để làm gì, đẹp để làm gì khi mà người dân suốt ngày chịu cảnh tắc đường, khói bụi mù mịt, đã nghèo rồi còn tốn tiền xăng, về được đến nhà thì nằm vật ra vì mệt mỏi. Giải quyết được phần nào hay phần đó. Những chuyên gia nói vậy tôi e là thiếu tính xây dựng."

Theo TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội KHKT Cầu đường VN, việc xây dựng cầu vượt để giải quyết vấn đề giao thông giao cắt lập thể theo hướng có nhiều mật độ xe cộ thì giảm thiểu được ùn tắc giao thông ở ngã tư. Có thể nói việc này có hiệu quả trông thấy nhất là trong tình trạng ùn tắc giao thông liên tục ở nhiều nút như hiện nay. Không thể phủ nhận được sự hiệu quả đó.

Đây có phải là điều gì mới mẻ không. Xin nhắc lại, ở Hà Nội chúng ta, đã từng có những dự án như thế, ví dụ như cầu vượt ở nút giao ngã tư Vọng, ngã tư Sở, hay hầm chui ở Đại Cồ Việt. Khi các cây cầu vượt ở đây ra đời thì tình trạng ùn tắc giao thông đã chấm dứt...

Về mặt tư duy, chúng ta đã làm việc này từ cách đây dăm bảy năm và có hiệu quả. Bây giờ Hà Nội tìm ra một số nút mà hàng ngày đều có hiện tượng ách tắc để giải quyết tình huống ấy, theo tôi, đã mang lại hiệu quả rõ ràng trong vấn đề chống ùn tắc.

Còn về mặt so sánh hiệu quả 2 loại cầu vượt, không thể nói rằng vì cầu thép rẻ hơn nên tất cả các điểm đều nên làm cầu thép. Việc chỗ này xây dựng cầu vượt bê tông, chỗ kia xây dựng cầu thép là tùy vào điều kiện cụ thể sẽ thể hiện tính ưu việt của nó.

Người Hà Nội nói gì về cầu vượt thép? - 2

Cầu vượt nhẹ tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà

Tôi cho rằng một số ý kiến lo ngại về việc xây nhiều cầu ghép có thể phá vỡ mỹ quan đô thị là đúng. Cần phải hiểu đây là những giải pháp tình huống, những nút ùn tắc quá lâu, quá dài ngày rồi,hàng ngày người dân phải gian truân, vất vả như thế thì trước hết vẫn phải chấp nhận những giải pháp trước mắt.

Tuy nhiên, những giải pháp trước mắt phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể, tổng quan về quy hoạch giao thông thủ đô Hà Nội. Để lập ra một kế hoạch xây dựng những cây cầu vượt thì UBND TP. Hà Nội và Sở GTVT phải lên một lược đồ tổng quát về các nút giao thông, nghiên cứu các giải pháp chống ùn tắc đối với từng nút giao thông một. Tất nhiên không phải là cứ thấy cầu vượt nhẹ tốt quá, nên từ nay trở đi ta làm ào ạt lên.

TS. Đinh Thị Thanh Bình (Viện trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT) cho hay: Hai cây cầu vượt nhẹ được đưa vào sử dụng gần một tháng nay, đã mang lại hiệu quả nhất định vì đã san bớt luồng giao thông, tăng năng lực thông hành cho nút giao thông.

Chủ yếu giao thông nội đô Hà Nội là xe máy và xe con. Cho nên việc xây cầu vượt nhẹ cho phép các loại xe này lưu thông, vẫn đảm bảo giải quyết được vấn đề ùn tắc. Và với tình huống hiện nay thì có thể coi đây là giải pháp tốt nhất, không còn giải pháp nào khác. Đây cũng là phương án tình thế, giải quyết vấn đề giao thông trong một tương lai gần.

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, cầu vượt nhẹ mới được đưa vào sử dụng đây là lần đầu tiên tại Hà Nội, cho nên chưa thể đưa ra đánh giá ngay về hiệu quả của nó, cần phải có thời gian. Nhưng dù sao đi nữa, vẫn phải nhìn thấy mặt tích cực, bởi nó đã phần nào giải quyết được ùn tắc giao thông. Hà Nội hay TP. HCM đều là những thành phố phát triển trong thời kỳ quá độ, sự phát triển của giao thông thì quá nhanh.

Cho nên mọi giải pháp, có thể chỉ là tạm thời thì có lẽ cũng nên được ủng hộ. Bởi trong sự quá độ ấy, sẽ phải có những giải pháp có thể là lưng chừng, tạm thời tuy nhiên những giải pháp này tôi hy vọng sẽ không tạo nên những kịch thể mà sau này khó khắc phục.

Nếu cho rằng việc xây dựng cầu vượt nhẹ có thể phá vỡ mỹ quan cũng như quy hoạch đô thị. Thì trước hết cần phải đặt câu hỏi, việc phá vỡ ở đây là đối với quy hoạch đô thị nào? Hà Nội và TP. HCM hiện nay có rất nhiều vẫn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông. Cần phải xét xem sự hiện hữu, vai trò của quy hoạch ấy là bao nhiêu? Mà nếu thực sự nó có vai trò nào đó, thì quy hoạch chúng ta đang theo đuổi phải chăng là cái đang dẫn đến hoặc góp phần gây ra sự ách tắc? Quy hoạch đó là thế nào mà sợ bị phá vỡ?

Thành phố là một cơ thể già nua, như một con bệnh, cho nên chúng ta cần phải chữa trị, tháo gỡ, và cầu vượt nhẹ chính là một phương pháp tháo gỡ. Nếu bây giờ tháo gỡ được nút ách tắc Chùa Bộc - Tây Sơn rồi, mà đến ngã tư sau lại ách tắc, thì chúng ta lại tiếp tục tháo gỡ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thư Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN