Người đàn ông mù thổi sáo, nói tiếng Anh bán vé số ở Hội An

Hơn 15 năm qua, người dân phố cổ Hội An và khách du lịch đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông già nua, đôi mắt bị mù ngồi bên vệ đường Bạch Đằng thổi sáo bán vé số. Tiếng sáo du dương lúc trầm lúc bổng ấy cuốn hút biết bao người.

Thổi sáo, nói tiếng Anh bán vé số

Chợ Hội An lúc nào cũng nhộn nhịp bởi tiếng nói cười, trao đổi mua bán hàng hóa. Xen lẫn trong những “tạp âm” ấy là tiếng sáo "Một cõi đi về" trong trẻo, cao vút. Lần tìm nơi phát ra âm thanh, chúng tôi đã bắt gặp người đàn ông bị mù hai mắt đang đưa đôi tay điều khiển cây sáo điêu luyện như một nghệ sĩ. Khách du lịch tập trung đến xem ông thổi sáo mỗi lúc một đông. Người đàn ông đó tên là Lê Văn Luyện, 71 tuổi, quê ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Xấp vé số ông Luyện đặt trên đùi nhanh chóng được mua hết. Mỗi khi có khách cho tiền và mua vé số, ông Luyện lại cúi xuống ngả đầu cảm ơn rồi tiếp tục thổi sáo. Tiền bán vé số được ông đặt cẩn thận vào chiếc mũ.

Ông Luyện tâm sự: “Một lần đi bộ từ quê nhà ở huyện Điện Bàn vào Tam Kì bán vé số, người mệt nhoài, đôi chân mỏi nhừ nên tôi ngồi lại bên một góc đường nghỉ ngơi. Khi tôi đem cây sáo ra thổi một bài nhạc quen thuộc thì có rất nhiều người quây quần lại nghe. Sau đó, mọi người mua vé số của tôi. Sau lần ấy, tôi cảm thấy nhờ cây sáo mà mọi người đồng cảm với cảnh ngộ của mình nên mua vé số giúp. Thế là từ đó, tôi đem tiếng sáo của mình trên mỗi bước đường mình qua để bán vé số. Giờ đây, sáo là một người bạn đồng hành, cùng tôi đi bán vé số”.

Do tuổi đã cao, đôi chân không còn khỏe, lại mang bệnh trong người nên ông Luyện không đi xa khắp tỉnh Quảng Nam bán vé số nữa. Mỗi ngày, ông dậy sớm rồi đi bộ khoảng 10km từ nhà xuống Hội An ngồi bên vệ đường Bạch Đằng để thổi sáo bán vé số cho khách du lịch. Ông Luyện kể, ông gắn bó với nơi này vì có lần khách du lịch không thấy ông lại hỏi thăm, tìm kiếm nên ông quyết định ngồi luôn một địa điểm, đến nay đã hơn 15 năm.

Không mời mọc, chèo kéo khách mua vé số, ông Luyện chỉ lẳng lặng cất cao tiếng sáo, tiếng sáo lắng đọng trong lòng người với những ca khúc quen thuộc: “Một cõi đi về”, “Tình em”. Cứ thế, trung bình mỗi ngày ông thổi sáo bán được khoảng 100 vé, lãi được 50-60 ngàn đồng.

Người đàn ông mù thổi sáo, nói tiếng Anh bán vé số ở Hội An - 1

Người đàn ông mù thổi sáo, bán vé số trên đường Bạch Đằng đã được hơn 15 năm.

Ở Hội An đã lâu, được tiếp xúc nhiều du khách người nước ngoài nên ông Luyện cũng có vốn tiếng anh nho nhỏ. Ông Luyện thường nói cảm ơn và hỏi thăm sức khỏe du khách nước ngoài bằng những câu tiếng Anh khiến ai cũng bất ngờ xen lẫn niềm vui. “Tôi hiểu và muốn biểu đạt tấm lòng cảm ơn của họ đối với mình nên học nói được vài câu thôi chứ không giỏi giang gì. Cũng nhờ các cháu ở chợ Hội An bày cách phát âm.” – ông Luyện bộc bạch.

Tai nạn bất ngờ

Trầm ngâm trong giây phút nghỉ ngơi, ông Luyện kể cho chúng tôi biết về gia cảnh và nguyên nhân khiến ông bị mù.

Năm 30 tuổi, trong một lần đi đám cưới bên nhà hàng xóm, bất ngờ có xích mích xảy ra, ông Luyện vào khuyên giải thì bị đám đông hỗn loạn tạt nước sôi khiến hai mắt ông bị bỏng nặng. Ông được gia đình đưa đi khám, cứu chữa nhưng không có kết quả. Kể từ đó, ông Luyện bị mù hẳn. “Nếu cho thời gian quay trở lại năm ấy, tôi vẫn sẽ vào can ngăn để mọi người không gây gổ, xích mích. Nhiều lần suy nghĩ, tôi vẫn thấy có lỗi với vợ con nhiều lắm vì mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Dù sao sự việc cũng đã xảy ra rồi, không ai mong muốn như thế cả!” – Ông Luyện chia sẻ.

Sau lần tai nạn bất ngờ đó, vợ chồng ông quyết định vào Đắk Lắk để xây dựng cuộc sống mới.  25 năm vượt qua biết bao khó khăn, vợ chồng ông nuôi 3 con học đàng hoàng và dựng vợ gả chồng cho các con.

Năm 1998, vì nhớ quê hương, bà con họ hàng, nên hai vợ chồng ông Luyện về lại quê nhà ở Quảng Nam để sinh sống. Một thời gian sau, vợ ông bị tai biến lại thêm chứng suy thận, ông Luyện lại càng vất vả hơn. Các con cái ở xa, kinh tế gia đình khó khăn không giúp được bao nhiêu, tất cả chi phí thuốc men và cơm áo đều dựa vào tiền đi bán vé số của ông Luyện mỗi ngày.

Trong thời gian về lại quê nhà, ông Luyện tham gia vào hội người khuyết tật của huyện Điện Bàn, được học nghề làm chổi đót, tăm tre đi bán. Cũng chính tại đây, ông Luyện còn được học sử dụng các nhạc cụ trong đó có cây sáo. Và chính nó đã là bạn đồng hành cùng ông hơn 15 năm qua ở Phố cổ Hội An khiến bao khách du lịch ấn tượng như một người nghệ sĩ đường phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Th.Tâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN