Người đàn bà nhặt rác và câu chuyện bên nghĩa địa thai nhi

Cách đây 5 năm, khi chị còn hay đi nhặt rác ngoài các bãi sông, một chiều đang lượm rác, bỗng chị thấy một bàn tay nhỏ xíu lấp ló trong đống rác thải...

Người đàn bà nhặt rác và câu chuyện bên nghĩa địa thai nhi - 1

Chị Đỗ Thị Cúc cùng các thiện nguyện viên làm lễ cho các hài nhi xấu số . Ảnh: Minh Lý

Khởi nguồn của việc làm thiện ấy cách đây 5 năm, khi chị Đỗ Thị Cúc (ở thôn Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đi nhặt rác tình cờ nhìn thấy bàn tay nhỏ xíu lộ ra trong đống rác. Xác hài nhi bị bỏ lại nơi xú uế khiến chị xót xa và quyết định mang về nhà tắm rửa, mua ít tã, vải màn quấn niệm rồi đem vào nghĩa trang vườn Thánh an táng.

Lặng lẽ đón hài nhi về làm lễ

Cứ như vậy, dù trời mưa giá rét, chị Đỗ Thị Cúc (47 tuổi, ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn đội mưa giữa đêm khuya âm thầm phóng xe đạp đến các bãi rác, một số bệnh viện, phòng khám thai các vùng lân cận đặt vấn đề “xin nhận xác hài nhi để an táng”. Lúc đầu thấy chị nói đem xác hài nhi và những sinh bệnh phẩm sau ca hút, nạo về an táng, ai cũng bất ngờ vì không tin có người làm việc này. Sau khi nghe chị trình bày cách làm và mục đích vì tâm linh, các y - bác sĩ đã bị thuyết phục.

Sau lần xin đầu tiên đó, giờ mỗi khi mang các “con” về, chị lại tắm rửa cho chúng, mặc quần áo, bảo quản di hài; chờ tới cuối tuần đưa tới nhà thờ làm lễ, rồi mang an táng ở vườn Thánh. Có lần, 3h sáng chị Cúc nhận được cuộc điện thoại tỉnh bên báo tới nhận xác hài nhi. Chẳng quản ngại đêm khuya, chị một mình đạp xe vượt hơn 50km đến đón các “con” về. Có những ngày mùa đông, trời tối, đường vắng, từng luồng gió lạnh luồn vào trong áo như muốn cắt da nhưng chị không thấy sợ, vì chị cảm nhận rằng “trên chặng đường của mình, có các “con” đang đồng hành và dõi theo”.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Cúc đúng ngày gia đình đang chuẩn bị lễ an táng cho các hài nhi. Hơn 30 hộp bê tông bọc nhung đỏ xếp nối nhau trước cửa thềm nhà đang đợi chị Cúc đặt cốt rồi đưa tới nhà thờ làm lễ.

“Trước đây, không có điều kiện bảo quản, mỗi khi đón được đứa nào về tôi lại đem ra nghĩa trang vườn Thánh để an táng luôn. Cứ một vai vác xẻng, một tay xách “con”, tôi lặng lẽ nguyện cầu rồi cho các “con” an nghỉ. Sau này, có vài người thiện nguyện mang tới ủng hộ tủ bảo ôn nên đón được đứa nào, tôi lại tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo, cho vào tủ, chờ cuối tuần chở đến nhà thờ nhờ cha làm lễ rồi an táng. Nhờ thế, nghi thức làm lễ cho các “con” cũng chu đáo hơn”, vừa làm chị Cúc vừa giải thích.

Lo chỗ an nghỉ cho 8.000 hài nhi

Người đàn bà nhặt rác và câu chuyện bên nghĩa địa thai nhi - 2

Các hài nhi xấu số được đưa về với cát bụi.

Chia sẻ với chúng tôi về căn nguyên run rủi chị đến với công việc bất đắc dĩ này, chị Cúc kể, cách đây 5 năm, khi chị còn hay đi nhặt rác ngoài các bãi sông, một chiều đang lượm rác, bỗng chị thấy một bàn tay nhỏ xíu lấp ló trong đống rác thải. Giật mình, chị lại gần lấy cái thuổng lật bọc túi màu đen để nhìn cho kỹ có đúng là bàn tay trẻ con hay búp bê nhựa. Lúc lật bọc túi lên, mở ra, chị Cúc sững sờ khi phát hiện trong là xác hài nhi. Định thần một lúc, chị Cúc quyết định mang về nhà tắm rửa, mua ít tã, vải màn quấn cho hài nhi rồi đem vào nghĩa trang vườn Thánh chôn cất.

“Biết tin này, cả xóm bảo tôi là hâm. Thậm chí, một số người còn vào tận nhà tra hỏi tôi gom thai nhi nhằm mục đích gì?”, chị Cúc cho hay. Vì theo tư duy của những người bình thường khác sẽ nghĩ, chẳng ai điên mà đi làm cái việc đáng sợ đó. “Nhiều người còn cho rằng tôi dùng những hài nhi này vào mục đích kiếm tiền, bán sang Trung Quốc. Điều tra mãi, chứng kiến công việc tôi làm, cuối cùng họ cũng hiểu mục đích của việc làm này. Tất cả chỉ vì các sinh linh bé bỏng tội nghiệp”, chị Cúc thở dài.

Người đàn bà nhặt rác và câu chuyện bên nghĩa địa thai nhi - 3

Chị Đỗ Thị Cúc cùng 2 đứa con sinh đôi được chị cứu sống từ khi còn là thai nhi trong căn nhà có các thai nhi xấu số.

Lật giở đôi bàn tay còn ửng đỏ vì cóng do bê các hài nhi từ trong tủ bảo ôn ra, chị Cúc tâm sự: “Có lẽ đây là cơ duyên dẫn dắt tôi đến bên các “con”. Kể từ sau chuyến nhặt rác gặp cảnh đáng thương đó, tự dưng nhiều tin báo “có vài hài nhi bị vứt bỏ không ai chôn cất”… đã cuốn tôi đi tìm và xin về chôn cất lúc nào không hay”.

Hình ảnh những hài nhi còn nằm gọn trong bọc lăn lóc giữa bãi rác khiến chị đau lòng, thương xót và quyết định làm một nghĩa trang cho chúng đỡ vất vưởng. Sau 5 năm, lặn lội đi khắp nơi thu, lượm xác hài nhi bị cha mẹ bỏ đi, chị Cúc đã đưa khoảng 8.000 hài nhi về chôn cất tại "ngôi nhà chung" ở khu nghĩa trang vườn Thánh Phú Đa (xã Công Lý, Lý Nhân, Hà Nam).

Trong hơn 5 năm qua, ngoài việc thu lượm và chôn cất các hài nhi, chị còn thuyết phục nhiều bà mẹ trẻ từ bỏ ý định phá thai khi không có lý do chính đáng. Chỉ vào 2 đứa trẻ sinh đôi khoảng 2 tuổi đang chạy nhảy quanh quẩn trong sân, chị Cúc kể: “Hai đứa nhỏ kia chính là một trong những ca giải cứu vất vả của tôi để giữ được chúng sinh ra trên đời này. Hai đứa nhỏ được đặt tên là Trần Bảo Quốc và Trần Bảo Khánh. Kể từ lúc chúng sinh ra tới bây giờ, mẹ chúng chỉ đến thăm một lần sau khi sinh được 3 tháng. Từ đó tới nay, chưa lần nào cô ấy về thăm chúng cả. May mắn, cả Bảo Quốc và Bảo Khánh đều khỏe mạnh, vui vẻ và sống hòa đồng cùng gia đình. Nhiều lúc thấy tôi tắm rửa và bọc gói xác hài nhi trong tã, nghe Bảo Quốc và Bảo Khánh bi bô: “Bé ngủ. Em bé nào cũng ngủ” mà tôi không khỏi xót xa”.

Dù điều kiện kinh tế gia đình chị Cúc còn nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào mẫu ruộng và đan lát để kiếm thêm thu nhập nhưng nếu cứu sống và giúp đỡ được trường hợp nào, chị cũng luôn sẵn lòng. Chị chỉ mong sao mỗi ngày không phải nghe những cuộc điện thoại từ các nơi gọi về báo có xác các hài nhi, để rồi lại một ngày phải buồn, phải thương xót cho số phận các “con”.

Chị Cúc tâm tư: “Tôi ám ảnh mãi câu chuyện của hai mẹ con nhà chị Y cùng tỉnh vì tin kết quả siêu âm con gái ở một phòng khám tư, sợ chồng ruồng rẫy nên đã nín lặng đi phá thai. Ai ngờ, khi làm xong thủ thuật thì cái thai đó lại là bé trai. Thế là ngay đêm hôm sau, cả bà ngoại và mẹ thai nhi đều nằm mơ nó về oán trách. Họ đã tìm được địa chỉ của tôi - người đã chôn cất con của họ - để xin kiều vong, sám hối”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo M.Lý- H.Đương (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN