Người bỏ hơn 30 năm sưu tầm hàng trăm mâm gỗ cổ, chỉ để dùng 1 lần dịp Tết

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Với mong muốn lưu giữ những chiếc mâm gỗ cổ của cha ông ngày xưa, ông Hoa đã cất công hơn 30 năm để dành thời gian, công sức, đi nhiều nơi để sưu tầm. Trong hành trình sưu tầm đó, nhiều câu chuyện xúc động tình người được ông nếm trải và hiện tại bộ sưu tập mâm gỗ cổ của ông đồ sộ hiếm ai có được.

Ông Hoa bên những chiếc mâm gỗ cổ sưu tầm. Ảnh: Đức Tùy

Ông Hoa bên những chiếc mâm gỗ cổ sưu tầm. Ảnh: Đức Tùy

"Ngày ấy nhiều người bảo tôi dở hơi…” 

Về thôn Trung (xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), chúng tôi được người dân nơi đây kể câu chuyện về ông Đào Nhất Hoa (52 tuổi) có hơn 30 năm ngược xuôi khắp nơi để sưu tầm những chiếc mâm gỗ cổ. Hiện tại bộ sưu tập khá đồ sộ, nhưng ông không bán mà chỉ để trưng bày trong nhà… ngắm nhìn để thỏa niềm đam mê. 

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoa vào buổi chiều muộn khi ông đang bận rộn lau chùi những chiếc mâm gỗ sứt mẻ và nâng niu chúng như những cổ vật quý trong nhà. Ông kể: “Ai cũng có thú vui cho riêng mình và tôi cũng vậy! Việc tôi thích mâm gỗ cổ cũng bắt nguồn từ kỷ niệm tuổi ấu thơ gắn liền bên mâm cơm cụ ngoại. Lớn lên, hình ảnh chiếc mâm gỗ ấy luôn theo tôi và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1989 thì tôi mới thực hiện được ước mơ đó. Tuy nhiên, lúc đầu thấy tôi đi sưu tầm từng chiếc mâm này, ai cũng bảo tôi là hâm, là dở…”. 

Theo lời ông Hoa, khi rời quân ngũ, ông làm nhiều công việc khác nhau, sau đó làm nghề điện nước và bắt đầu hành trình sưu tầm những chiếc mâm gỗ. Ngày ấy, phương châm của ông là: Trước hết tìm ngay từ chính trong gia đình, người thân, họ hàng và chiếc mâm gỗ ông sưu tầm được đầu tiên là chiếc mâm gỗ cổ của gia đình. Cầm một chiếc mâm gỗ lên, ông kể: “Chiếc mâm gỗ này có từ thời cụ của tôi để lại. Nó đã gắn bó với nhiều thế hệ, chứng kiến những câu chuyện vui, buồn, thăng trầm trong cuộc sống. Chiếc mâm gỗ gợi cho tôi nhớ đến thời thơ ấu, là những bữa cơm chỉ có rau mắm nhưng đong đầy ấm áp tình cảm gia đình”. 

Sau đó, ông đi sưu tầm bên hàng xóm láng giềng và ngày ấy, người dân thôn Trung nói riêng và xã Hiệp Lực nói chung vô cùng ngạc nhiên khi ông Hoa đến nhà ai cũng hỏi về mâm gỗ. Rồi thấy ông xin về, ai cũng thắc mắc, bởi những thứ này mọi người đã bỏ đi, không hiểu ông xin về làm gì. 

Bà Lê Thị Chiêm (50 tuổi, vợ ông Hoa) tâm sự: “Hồi ấy thỉnh thoảng đi làm về tôi thấy chồng mang theo mâm bằng gỗ nhưng không biết sử dụng vào việc gì mà chỉ thấy lau chùi tỉ mỉ làm sạch và để gọn một góc. Nếu tôi có hỏi thì được ông ấy trả lời “để ngắm cho vui”. Tiếp đó, chồng tôi treo những chiếc mâm xin được lên tường và ngày nào cũng ngắm nhìn để thỏa niềm đam mê”. 

Những chiếc mâm gỗ đặc biệt

Nhiều chiếc mâm gỗ chỉ còn một nửa do trước đó không được bảo quản cẩn thận.

Nhiều chiếc mâm gỗ chỉ còn một nửa do trước đó không được bảo quản cẩn thận.

Bên ấm trà của buổi chiều muộn, ông Hoa trầm ngâm ngắm nhìn từng chồng mâm gỗ được xếp lên nhau và bảo quản cẩn thận trong căn nhà nhỏ lưu giữ nhiều kỷ niệm. Cầm từng chiếc mâm gỗ trên tay, ông có thể kể vanh vách về quá trình sưu tầm, mâm làm bằng chất gỗ gì? Chiếc mâm này có gì đặc biệt? Chiếc mâm đó ông bỏ tiền mua hay được tặng? Nhìn cách ông kể, chúng tôi mới hiểu vì sao ông luôn trân trọng, nâng niu từng món đồ vật xa xưa ấy... 

Ông cho biết: “Việc thích và sưu tầm mâm gỗ cổ như ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi, cho nên đi đâu, làm gì tôi đều chú ý đến việc này. Đặc biệt, mỗi khi đến những địa phương khác, tôi đều để ý, thậm chí đi ăn cỗ ở nơi xa tôi đều dò hỏi. Nếu biết trong địa phương có nhà còn mâm gỗ mà mình chưa mang được về thì cả bữa cỗ đó tôi ăn không ngon. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm ngược xuôi ở nhiều tỉnh, thành, vùng đất khác nhau để sưu tầm mâm gỗ, tôi không thể nào quên về những chiếc mâm gỗ đặc biệt. Đó chính là công sức, sự trân trọng, là niềm đam mê và văn hóa”. 

Ông kể, một lần tình cờ được người bạn cùng quê cho biết, đang giữ một chiếc mâm gỗ. Tuy nhiên, chiếc mâm này người bạn đã cho bố vợ dùng để đậy vại cám cho cá ăn dựng cạnh bờ ao. Nghe thấy vậy, ông nhờ bạn đưa đến nhà bố vợ và tìm nhưng không thấy chiếc mâm gỗ đó đâu. Linh tính mách bảo chiếc mâm rơi đâu đó xung quanh, ông liền lội xuống ao, vén bùn, vạch từng bụi cỏ tìm kiếm và chiếc mâm gỗ đã được ông tìm thấy dưới lớp bùn sâu bị cỏ mọc trùm lên. Sau đó, mâm gỗ ấy được ông rửa sạch, sấy khô cất cẩn thận. Ông bảo, chiếc mâm gỗ này đã trải qua 60 hộ gia đình sử dụng. Đại gia đình người đầu tiên sở hữu mâm gỗ này tính đến nay có trên 200 thành viên gồm con, cháu, chắt. Trong số đó có người đang sinh sống ở nước ngoài, nhiều người có học hàm, học vị. 

Cách đây khoảng 4 năm, trong lần về Phú Thọ thăm đồng đội xưa, ông Hoa tình cờ biết tại nhà người đồng đội đang lưu giữ một chiếc mâm gỗ. Sau khi nói chuyện và biết được ý nguyện của ông, người đồng đội năm xưa đã tặng ông chiếc mâm và tâm sự: “Chiếc mâm này đối với tôi rất quý bởi gắn bó nhiều kỷ niệm. Nhiều người đã hỏi mua, tôi không đồng ý. Nhưng anh là đồng đội của tôi, tôi tặng anh…”. Nghe câu nói đó, tôi vô cùng cảm động”. 

“Một năm, tôi chỉ mang mâm gỗ ra sử dụng vào dịp Tết” 

Theo ông Hoa, mâm gỗ thường được làm từ gỗ mít và gỗ sung, bởi 2 loại gỗ này có độ đàn hồi tốt, ít mục trong nước, ít vỡ và có thớ gỗ dai. Cho nên, nếu ngâm dưới nước khi vớt lên mang phơi khô lại dùng được và mỗi chiếc mâm gỗ có đường kính to nhỏ khác nhau. Để tránh bị nhầm lẫn, mỗi chiếc mâm ông đều ghi họ tên, địa chỉ của người trao tặng hay bán nhượng. Thậm chí, nhiều người tặng/bán những chiếc mâm này cho ông vẫn gọi điện về nhờ ông lưu giữ, một lúc nào đó, họ sẽ đến xin nhận lại và ông sẵn lòng tặng lại. Do đó, cách bảo quản tốt nhất đối với loại mâm này nên để nơi khô ráo, không bị nắng mưa, sau đó dùng vải ẩm lau chùi, vệ sinh. 

Mâm gỗ được dùng nhiều nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, còn miền núi chủ yếu là mâm đan bằng tre, nứa. Thậm chí, ở miền Nam cũng có mâm gỗ nhưng khi ông Hoa tìm hiểu ra thì những chiếc mâm này được mang từ miền Bắc vào. Nhiều chiếc mâm gỗ khi ông sưu tầm bị mục ruỗng, gãy, vỡ… được ông tỉ mỉ làm sạch, chắp vá lại từng mảnh để ghép thành chiếc mâm nguyên vẹn. Hiện ông Hoa có hơn 300 chiếc mâm gỗ cổ. Nếu ông không nhượng lại cho một số người bạn có cùng sở thích, cho tặng những chỗ thân thiết thì số mâm gỗ ông sưu tầm được lên đến hơn 600 chiếc. 

Chia sẻ về những chiếc mâm gỗ, ông Hoa quan niệm rằng: Con người ta hạnh phúc nhất là những lúc ngồi quanh mâm cơm gia đình. Do đó, việc ông sưu tầm mâm gỗ cổ chính là bắt nguồn từ những nét đẹp của truyền thống gia đình ngày xưa. Và năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Tết cổ truyền là ông mang một chiếc mâm gỗ để bày các đồ thờ cúng đặt trên bàn thờ tổ tiên. 

Ông bảo: “Trong không gian của ngày Tết cổ truyền, khi nhìn lên bàn thờ tổ tiên mọi người sẽ cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp ngay từ chiếc mâm gỗ của ông cha ta ngày xưa. Trên chiếc mâm ấy là những món ăn cổ truyền dân tộc, có sự cay nồng của hành muối, mùi thơm ngậy của thịt đông, màu xanh dịu của bánh chưng, hòa quyện trong mùi thơm của những nén hương bài và phảng phất đâu đó thoang thoảng mùi măng, miến… khiến mỗi chúng ta càng nhớ về ngày Tết cổ truyền xưa”.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Giang chia sẻ: “Đứng ở góc độ văn hóa thì việc sưu tầm mâm gỗ của ông Hoa là sự giữ gìn, để nói với thế hệ hôm nay và mai sau rằng, đã có một thời ông cha chúng ta dùng chính những chiếc mâm gỗ này để ăn cơm. Tuy đạm bạc nhưng rất ấm áp tình người”.

Nguồn: [Link nguồn]

Cận cảnh “kho” tài sản của anh chàng mê sưu tầm ve chai

Mỗi món đồ anh sưu tầm được nó ngoài giá trị về vật chất, giá trị văn hóa của nó rất cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Tùy ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN