Sưu tầm súng: Thú chơi nguy hiểm ở TPHCM
Bất chấp cơn khủng hoảng toàn cầu, bất chấp chuyện vật giá leo thang, bất chấp cả thảm cảnh kinh doanh mua bán khó khăn… tại TP HCM, vẫn có nhiều tay chơi được dư luận gọi nôm na là đại gia tung tiền để săn những món hàng độc.
Dù rất rõ nhiều thú vui của giới quý ông lắm tiền như săn lùng cổ vật, nuôi mãnh thú, tậu siêu xe, “chăn dắt” các em chân dài… nhưng khi biết có những tay chơi chỉ dồn tâm huyết vào việc sưu tầm súng, người viết không thể không bất ngờ. Bất ngờ bởi súng được liệt vào dạng vũ khí quân dụng, ai tự ý sở hữu, sử dụng không đúng mục đích có khi còn bị phạt tù. Ấy vậy nhưng vì niềm đam mê, và cũng vì muốn thể hiện cá tính, đẳng cấp mà lắm tay chơi lao vào kiếm tìm, sẵn sàng tung tiền để đổi quyền sở hữu!
Trước khi đi sâu vào thú chơi súng của đại gia đất Sài Gòn, người viết xin được lạm bàn đôi chút về trào lưu sưu tầm binh khí nói chung của các dân chơi quý tộc. Binh khí đề cập ở đây là vũ khí của những chiến binh, chiến tướng ngày trước như kiếm, đao, cung tên, lẫy nỏ… Tại TP HCM, có tay chơi sở hữu đến hàng trăm thanh kiếm các loại như đoản kiếm (kiếm ngắn), trường kiếm (kiếm dài), xà kiếm (kiếm hình lưỡi rắn). Có thanh kiếm được tạo dáng thô sơ nhưng cũng có những thanh kiếm chuôi nạm vàng, dát ngọc, bén đến độ con ruồi đậu lên muốn đứt làm đôi… Sở hữu được những thanh kiếm quý hiếm này, tay chơi rất lấy làm tự hào bởi không phải ai cũng có cơ duyên nắm trong tay vũ khí bất ly thân của vị chiến tướng của hàng trăm năm trước!
Sau một thời gian dài nổi đình nổi đám, gần đây thú sưu tầm kiếm cổ nhường chỗ cho mốt chơi súng. "Tuy là thú đam mê sinh sau đẻ muộn nhưng tính gợi cảm, hấp dẫn của trào lưu săn súng, chơi súng vượt xa thú chơi kiếm. Vượt xa bởi với thú chơi kiếm, bất kỳ ai cũng có thể lao vào. Người lắm tiền thì cất công bỏ sức săn tìm những thanh kiếm cổ. Kẻ bình dân thì cứ việc ghé các chợ biên giới phía Bắc săn hàng Trung Quốc. Nói chung với thú chơi này, tay chơi không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều công sức, tiền bạc. Cũng không đòi hỏi sự liều lĩnh, can trường. Nhưng thú chơi súng thì hoàn toàn ngược lại. Vì súng là hàng cấm nên tay chơi phải bản lĩnh, liều mới dám dấn thân. Cũng vì ít người chơi, kén người chơi nên thú chơi súng được xem là đỉnh cao của trào lưu sưu tầm binh khí".
Tỏ ra mình rất am tường cái vụ chơi súng, ông T.C., nghe đâu là chủ 5 cây xăng ở quận 1 và quận 5, nhà trên đường Hoàng Diệu, quận 4, khi được hỏi thăm cái thú của trò săn súng, đã xởi lởi tuôn một mạch. Theo ông C., tùy gu, tùy quan niệm, tùy độ máu me mà mỗi người có kiểu chơi súng khác nhau. Có ông chỉ chăm bẵm sưu tầm những loại bật lửa dạng súng được gọi là "súng lửa" hay "chó lửa". Và đúng như tên gọi theo nghĩa đen của từ này, "chó lửa" chỉ khạc ra lửa chứ không khạc đạn. Giá những khẩu "chó lửa" như thế này dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn tùy lớn nhỏ, độ tinh xảo.
"Nhìn chung dân chơi “chó lửa” khoái săn những con thuộc loại khủng, khi khạc đạn thì lửa phun xa có khi đến nửa mét. Điểm đặc biệt của "chó lửa" ở chỗ nhiều "con" có "cấu hình" y như thật. Nếu rơi vào tay kẻ cướp hay kẻ có ý đồ xấu thì đó là phương tiện gây án, chủ yếu là cướp tiệm vàng.
"Chó lửa" được bày bán trên đường Nguyễn Kiệm
Để săn "chó lửa", dân chơi chỉ việc lượn lờ qua các cung đường như: Nguyễn Kiệm, Đinh Tiên Hoàng, Phó Đức Chính... nơi có nhiều phiên chợ lạc xoong và mặc sức tuyển chọn. Trong vô số món đồ được bày bán như quần áo, nước hoa, giày dép, điện thoại di động, đồ cổ, đồ giả cổ, linh kiện máy tính… nổi bật nhất là những mẹt hàng bày bán hàng trăm "chó lửa" với đủ kích cỡ, kiểu dáng.
Còn nhớ khi thấy khách nghía chăm chăm hơn chục con "chó lửa" được bày trên chiếc mâm đồng ở chợ lạc xoong Phó Đức Chính (quận 1), người bán là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, bật mí rằng bất kỳ khách có nhu cầu "chó lửa" dạng nào chị ta cũng sẵn sàng đáp ứng, miễn chịu chi. Chỉ vào mâm "chó lửa" của mình, chị này hắng giọng: "Cái này chỉ dành cho dân chơi bình dân. Cao cấp là mấy con này" - vừa nói, chị vừa nâng con "chó lửa" dạng súng cổ, báng súng mạ vàng, nòng súng đen tuyền trông tựa súng cầm tay của giới quý tộc phương Tây: "Đây là hàng Trung Quốc chỉ vài trăm ngàn một con. Nếu thích hàng mạ vàng, nạm vàng cũng có nhưng giá hơi đắt" - phụ nữ trên tiết lộ. Cũng theo chị nọ, dân chơi "chó lửa" loại quý tộc là những quý ông vốn thích săn lùng hàng binh khí về trưng bày trong tư gia để thể hiện sự nam tính của mình, và cũng một phần thỏa cái chữ… "đẳng cấp".
Như đã nói, lắm quý ông rất máu me cái vụ săn lùng, sưu tầm súng ống các loại và thú chơi "chó lửa" chỉ là một góc nhỏ của cái vụ săn lùng, sưu tầm ấy. "Đã là dân chơi súng thì cái vụ săn "chó lửa" chỉ được xếp vào dạng em út, vốn dĩ chỉ thu hút mấy tay chơi nghiệp dư. Chứ đẳng cấp phải chơi súng cổ, cổ chính hiệu kia. Có như vậy mới được gọi là dân chơi súng số má".
Quyết không chịu cho nêu tên bởi lý do niềm đam mê của mình "nó vô hại nhưng lại vi phạm pháp luật", ông Tấn V., ngụ quận 7, úp úp mở mở rằng ông đang nắm trong tay bộ sưu tập súng cổ hơn 50 khẩu với đủ loại, từ AK, carbin, tiểu liên, súng lục… Ngỏ ý muốn được mở rộng tầm mắt, ông này e hèm bảo kho tàng của mình thuộc loại "sống để dạ, chết mang theo", chẳng dám khoe bởi sợ hó hé rất dễ bị đi tù. "Tiếng là súng cổ nhưng kho hàng của qua có thể liệt vào dạng vũ khí quân dụng. Những món này qua sưu tập từ nhiều nguồn bí mật, nhưng chủ yếu từ quân đi rà bom mìn bán phế liệu" - ông V. tâm sự.
Anh Ung Thành Dũng với bộ sưu tập “hỏa hổ”
Vì là súng thiệt nên cái giá mà ông V. bỏ ra hơn hẳn những "chó lửa" được bày bán tràn lan tại các chợ lạc xoong. Hỏi khẩu súng cổ cao giá nhất trong bộ sưu tập của mình bao nhiêu tiền, ông V. lắc đầu ra chiều bí hiểm. "Đồ cổ mà luận về giá cả thì có đến thiên thu vẫn chưa hết chuyện. Với người này, khẩu súng gỉ sét chỉ đáng giá cục sắt phế liệu nhưng vào tay dân chơi có tầm nhìn, có khi nó trị giá bằng con xe bốn bánh đời mới, lắm lúc bằng cả cái nhà". Dứt lời, ông V. cho biết đang nắm trong tay khẩu súng của một viên tướng người Mỹ từng sang Việt Nam đánh trận mà khi nói tên, đảm bảo ai cũng biết. Hỏi đâu là cơ sở của tuyên bố này, ông V. hắng giọng: "Trên khẩu súng ấy có khắc rõ họ tên, chức vụ của vị tướng Mỹ. Giá trị của nó là ở chỗ đó!".
Trong lúc ông V. vỗ ngực khoe mẽ rằng mình là dân chơi súng đẳng cấp nhất đất Sài Gòn thì lắm quý ông vốn máu me cái khoản sưu tầm binh khí, tỏ thái độ phản bác. Những người này tâm sự rằng quanh cái vụ chơi súng, nếu nói liều nhất thì đúng là chẳng ai qua mặt ông V. bởi "đồ chơi" của ông đều là "hàng thứ dữ", chỉ cần nạp đạn, bóp cò là lấy mạng người dễ như chơi. Chứ nói "đẳng cấp nhất" thì cần phải xem lại.
"Trùm nhất, sở hữu nhiều súng cổ nhất phải là anh Ung Thanh Dũng. Anh này ở quận Gò Vấp, có hẳn một bảo tàng mini súng cổ. Mà đa phần là súng thần công, trong đó có cả súng hỏa hổ mà tương truyền quân Tây Sơn nhờ đó đại phá quân Thanh, đánh đâu thắng đó” - ông Phùng, 51 tuổi, đang nắm trong tay nhiều thanh kiếm cổ và một vài khẩu hỏa hổ, khẳng định.
Tưởng ai xa lạ chứ anh Ung Thanh Dũng thì người viết đã đôi lần tiếp xúc hỏi thăm về những chuyện lọc lừa trong thế giới cổ vật. Nhưng lâu nay người ta chỉ biết anh Dũng nổi tiếng với bộ sưu tập nồi đồng, trống trận của triều Tây Sơn và các món võ khí của kiếm sĩ Nhật… Riêng cái vụ anh chơi súng đẳng cấp nhất Sài Gòn thì hơi bị lạ. Mãi đến khi "lọt" vào kho tàng súng cổ của anh Dũng, mới biết khẳng định của ông Phùng không quá lời. Anh Dũng hiện nắm trong tay bộ sưu tập súng thần công cả trăm khẩu, có khẩu bé bằng nắm tay nhưng cũng có khẩu to như đại bác.
Một bộ súng săn hiện đại trong bộ sưu tập của ông L
Trong bộ sưu tập súng cổ ấy, hỏi ưng ý khẩu nào nhất, anh Dũng không đắn đo mà trả lời ngay "đó là khẩu súng tét nòng". Hỏi ra mới biết khẩu súng này từng có đại gia đánh tiếng trả cả triệu đô để đổi quyền sở hữu nhưng chủ nhân của nó chẳng thèm ừ hử. "Phần vì tôi nghĩ người ta nói chơi, phần tôi tiếc khi phải xa bảo vật có một không hai này" - anh Dũng, tâm sự: "Khẩu súng này tôi mua ở phố cổ Lê Công Kiều (quận 1). Vì nó tét nòng nên ông chủ quầy đồ cổ để hàng tháng trời chẳng ai dòm ngó, nên quyết định bán ve chai. Khi thấy khẩu súng nằm trong đống phế liệu, tôi mừng như bắt được vàng và mua với giá rẻ đến bất ngờ. Khẩu súng này quý bởi cái sự tét nòng của nó. Điều ấy chứng tỏ trong một trận đánh ác liệt, vị tướng đã nạp vội thuốc súng và nó đã âm nổ đến tét nòng. Nhìn khẩu súng, bất kỳ ai cũng có cảm giác rằng dư âm của chiến trận khốc liệt đâu đây".
Tiếp tục dấn sâu vào thế giới săn súng của dân chơi Sài Gòn, người viết biết thêm được thú đam mê sưu tầm súng khác của các tay chơi. Đó là hành trình sưu tập súng săn của những quý ông vốn dĩ đam mê cái khoản săn bắn. "Ông tổ của thú chơi này chẳng ai khác mà chính là Vua Bảo Đại. Tùy từng giống thú lớn bé mà Vua Bảo Đại sử dụng loại súng săn phù hợp. Súng bắn cọp, bắn con min thì sức công phá phải ác liệt hơn súng bắn gà gô, cáo, thỏ…".
Vì súng săn không phải là hàng quốc cấm, nên ông L. không ngần ngại sẻ chia. Trong thư phòng xa hoa, ông L. chất đến 4 giá súng với hơn 100 khẩu súng săn… xưa lẫn nay. Ông L. cũng không ngần ngại bật mí rằng trong bộ sưu tập súng săn của mình, có những khẩu có tính sát thương cao, đủ sức hạ gục cọp, bò tót, voi rừng…
Ông L. trần tình: "Dân sưu tập súng săn 10 tay thì có đến 9 tay đam mê cái vụ săn bắn. Ngặt nỗi Nhà nước mình không cấp phép sử dụng súng săn nên việc nổ súng dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều vi phạm pháp luật. Vấn đề ở chỗ mình có súng, mà lại không được bóp cò thì cảm giác nó khó chịu lắm. Thế nên không giữ được mình, lắm tay lâu lâu ngẫu hứng vác súng vào rừng khạc đạn và lãnh đủ bởi lỡ bắn trúng con thú hoang nằm trong Sách đỏ Việt Nam hay bắn chết bạn săn mà họ cứ ngỡ là thú…".
Sưu tầm súng săn rồi ngứa tay khạc đạn là thú vui nguy hiểm vì vừa vi phạm luật, vừa dễ bắn nhầm gây chết người
Qua thú chơi súng của đại gia Sài thành, chúng tôi hoan nghênh việc săn tìm, gìn giữ những khẩu hỏa hổ của nhà sưu tập Ung Thanh Dũng vì bộ sưu tập ấy gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, hào khí cha ông. Nhưng cũng đồng thời lưu ý, nhắc nhở những ai vì quá đam mê, thích chứng tỏ mình mà lao vào thú chơi vừa nguy hiểm vừa vi phạm pháp luật như trường hợp của các ông V., T.C khi cả gan "săn" súng thiệt. Chơi vui mà cứ canh cánh hiểm họa rõ là chẳng nên chút nào. Mặt khác, giá trị, đẳng cấp của một con người đâu thể cứ luận vào những món đồ chơi được liệt vào nhóm “hàng nóng”, “hàng lạnh” ấy!
Đổi vợ: Thú chơi biến thái ở Sài Gòn (P1) |