Ngôi làng ở Hà Nội có tục đốt đuốc diễn trò đánh hổ giả sau Tết

Sự kiện: Vui xuân Quý Mão

Một người to, khỏe, có võ đội lốt hổ, chạy quanh đình làng trong tiếng hò reo của người dân và cuối cùng sẽ bị đám thợ săn “tiêu diệt”.

Đình làng La Cả thờ thành hoàng làng có công diệt trừ con hổ lang vàng mép hung dữ

Đình làng La Cả thờ thành hoàng làng có công diệt trừ con hổ lang vàng mép hung dữ

Diệt trừ hổ lang vàng mép hung dữ

Theo lịch sử Đảng bộ địa phương, đình La Cả (phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) thờ thành hoàng Đương Cảnh Công và hai người vợ của ông là Tuyên Nương và Trinh Nương.

Truyền thuyết và bản thần phả sao lại có ghi, vào thời Hùng Vương thứ 17, vùng đất rộng lớn từ chân núi Tản Viên xuống đồng bằng bị hàng ngàn thú dữ kéo về hoành hành, trong đó, đặc biệt có con hổ lang vàng mép rất hung dữ và tinh ranh. Nó trở thành nỗi khiếp sợ của người dân nhiều vùng.

Để cứu dân, Vua Hùng cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài về diệt trừ thú dữ. Nghe tin, ông Đương Cảnh Công khi đó là người làng La Cả lên kinh đô xin vua được thống lĩnh quân tướng đi diệt ác thú.

Người dân tái hiện lại màn đả hổ của thành hoàng làng Đương Cảnh Công. Ảnh: Trọng Hiếu.

Người dân tái hiện lại màn đả hổ của thành hoàng làng Đương Cảnh Công. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ông tập hợp trai tráng khắp nơi, sắm vũ khí, làm hầm bẫy và tổ chức các cuộc săn lùng. Từng bầy thú dữ lần lượt bị tiêu diệt và “chúa sơn lâm” là con hổ lang vàng mép cũng bị sa bẫy tại làng La.

Dân làng xẻ thịt hổ ăn mừng, xương hổ chôn thành gò đống. Bộ da hổ được giữ nguyên để dâng lên Đương Cảnh Công. Sau này, khi mất, ông được dân làng suy tôn lên làm thành thành hoàng, thờ tại đình La Cả.

Đình La Cả hiện nay nằm trên thế đất cao rộng nhìn về hướng Tây, kiến trúc của đình được dựng theo lối chữ Nhị gồm hai ngôi Tiền tế và Đại Bái. Tam quan đình gồm hai tầng 8 mái đao cong, giữa hai tầng được đắp vẽ rồng bay phượng múa. Qua Tam quan là sân đình rộng. Hai bên Tả, Hữu mạc là 4 cột đồng trụ được đắp con sấu, búp sen đối xứng nhau…

Ngôi làng ở Hà Nội có tục đốt đuốc diễn trò đánh hổ giả sau Tết - 3

Thủ từ đình La Cả cho hay, trong hương ước của làng, cứ 3-5 năm người dân lại tổ chức hội làng một lần, gọi là đại đám. Đại đám bắt đầu từ ngày hội 6 tháng Giêng kéo dài đến hết 14 tháng Giêng âm lịch.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ, trong thời buổi dịch bệnh COVID-19 hoành hành như hiện nay, nếu đến kỳ hội làng mà dịch bệnh diễn biến phức tạp thì có thể tạm hoãn hoặc tổ chức theo chỉ đạo từ cơ quan chức năng. Lần gần nhất làng tổ chức đại đám là năm 2020.

Dâng hổ thật, đánh hổ giả

Lễ hội ở làng La Cả có nhiều điều hấp dẫn và khác biệt với các lễ hội những nơi khác, đặc biệt là tục đả hổ.

Bộ da của một con hổ bị diệt trừ khi xưa được người dân giữ nguyên và bảo quản kỹ càng. Hiện bộ da hổ này được cất giữ cẩn thận trong hòm, cất trong cung chỉ khi nào làng mở hội thì mới mang ra để làm lễ tế thành hoàng làng.

Sau màn tế lễ, thứ người dân mong chờ và háo hức nhất là xem trò biểu diễn đánh hổ giả - dân gian gọi là đánh biệt, được diễn ra vào tối ngày 14 tháng Giêng, sau cuộc tế giã hội.

Một cánh rừng giả được dựng lên ở gian giữa, ngay dưới gầm ban thờ ở hậu cung để hổ dữ nấp trong đó. Người đóng vai hổ đội lốt hổ lang vàng mép thửa công phu như thật. Cùng ở trong rừng còn có bốn người đóng vai chim kêu, vượn hót, nai tác, gà gáy, làm cho khu rừng trở nên âm u, vang vọng như thật.

Ngôi làng ở Hà Nội có tục đốt đuốc diễn trò đánh hổ giả sau Tết - 4

Trước cửa rừng ở gian giữa, các quan viên mặc quần áo đen thắt lưng xanh, cầm côn sẵn sàng múa võ. Ở mép tiếp giáp gian giữa với hai gian bên có hai người cầm cờ đuôi nheo chỉ huy đoàn thợ săn.

Lực lượng chính của đoàn thợ săn cầm đuốc, cầm giáo mác đứng chờ ở ngoài đại bái. Sát cửa rừng về hai phía có hai người xướng trò, bên trái là nam giới, bên phải là nữ giới. Trước cửa lớn gian giữa là nơi dành cho nhà trò múa hát. Dân làng đứng xem chật cứng trong đình và xung quanh đình trên đường hổ chạy.

Khi đèn nến trong đình phụt tắt chỉ còn ánh sáng ngoài sân đình hắt vào lờ mờ. Từ trong cánh rừng vang lên tiếng gà gáy, chim kêu… hổ dữ lao ra.

Hổ chạy xung quanh đình sau đó sẽ bị diệt trừ trong tiếng reo hò của người dân. Ảnh: Trọng Hiếu.

Hổ chạy xung quanh đình sau đó sẽ bị diệt trừ trong tiếng reo hò của người dân. Ảnh: Trọng Hiếu.

Các quan viên làm động tác đánh nhau với hổ. Tiếng chiêng, trống, mõ, tù và nổi lên dồn dập. Đoàn đánh hổ sẽ chạy vòng quanh đình 4 vòng. Sau đó, hổ dữ bị trọng thương, vọt khỏi cung ra ngoài. Đoàn săn đuổi theo. Tiếng hò reo vang dậy. Nó chạy đến “cống đá cửa đình” thì gục xuống.

Theo lệ, người đóng vai hổ, trút bỏ lốt hổ, rồi chạy một mạch về nhà, không được ngoái đầu lại, lên giường nằm thở dốc, như vừa qua khỏi một cuộc vật lộn thực sự. Trong khi đó, mọi người dự hội thi nhau xô vào dẫm, giằng xé lốt hổ để biểu thị sự trừng phạt.

Sau hàng giờ diễn ra cảnh đánh hổ căng thẳng và hấp dẫn, đèn nến trong đình lại bừng sáng. Đoàn thợ săn trở vào cung dọn sạch cánh rừng, kết thúc lớp trò chính của đêm giã hội bằng các lời ca chúc Thánh, múa bông, mừng thắng lợi.

Nguồn: [Link nguồn]

Những lễ hội không thể bỏ qua ở miền Bắc trong tháng Giêng

Mỗi lễ hội ở miền Bắc đều mang một màu sắc riêng biệt và có những nét đặc trưng gắn liền với lịch sử của vùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN