Ngày mai, ông Lê Tấn Hùng và các bị cáo hầu tòa vụ SAGRI

Sự kiện: Tin nóng

VKSND Tối cao truy tố ông Lê Tấn Hùng (sinh năm 1963, tổng giám đốc SAGRI) có vai trò chủ mưu trong vụ án.

Ngày mai, 6-12, TAND TP.HCM mở phiên xử vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm và che giấu tội phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Dự kiến phiên toà kéo dài đến 17-12.

VKSND Tối cao truy tố ông Lê Tấn Hùng (sinh năm 1963, tổng giám đốc SAGRI) có vai trò chủ mưu trong vụ án. Ông Hùng bị truy tố về hai tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và tham ô tài sản. Với tội tham ô, ông Hùng đối diện khung hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình và có 5 đồng phạm.

Được tại ngoại hầu toà, ông Trần Vĩnh Tuyến (sinh năm 1965, cựu phó Chủ tịch UBND TP.HCM bị tạm đình chỉ công tác) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 có khung hình phạt 10-20 năm. Bị truy tố với vai trò đồng phạm có ông Trần Trọng Tuấn (sinh năm 1969, nguyên giám đốc Sở Xây dựng) và 7 bị cáo.

Ba bị cáo khác bị truy tố về các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và che giấu tội phạm. Gần 20 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Cáo trạng nêu năm 1993, UBND TP.HCM giao khu đất thuộc sở hữu Nhà nước có diện tích 36.676,10 m2 tại phường Phước Long B, Quận 9 cho SAGRI làm cơ sở chăn nuôi heo. Năm 2008, UBND TP phê duyệt phương án xử lý tổng thể nhà, đất của SAGRI và chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch đối với 9 cơ sở nhà đất, trong đó có khu đất trên. Ngày 31-10-2008, SAGRI ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Phong Phú để hợp tác kinh doanh đầu tư Dự án nhà ở trên khu đất này.

Ông Lê Tấn Hùng (sinh năm 1963, tổng giám đốc SAGRI) bị  cáo buộc chủ mưu trong vụ án.  Ảnh: PLO

Ông Lê Tấn Hùng (sinh năm 1963, tổng giám đốc SAGRI) bị  cáo buộc chủ mưu trong vụ án.  Ảnh: PLO

Quá trình thực hiện dự án, năm 2011 SAGRI nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đến năm 2013, UBND Quận 9 ban hành Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, có sự thay đổi cơ cấu sử dụng đất làm tăng diện tích nhóm đất ở biệt thự so với chỉ tiêu quy hoạch tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất trước đó. Theo quy định của pháp luật, SAGRI phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung liên quan đến việc thay đổi cơ cấu sử dụng đất.

Ngày 20-8-2014, ông Hùng với tư cách Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI đã ký Nghị quyết về chủ trương hợp tác với Tổng Công ty Phong phú thực hiện Dự án Cụm Công nghiệp 94 ha tại huyện Bình Chánh và Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B, Quận 9.

Năm 2015, Thanh tra TP.HCM tiến hành tranh tra và ban hành kết luận về việc quản lý, sử dụng đất đai tại SAGRI xác định có 3 Dự án do Tổng Công ty đầu tư để hợp tác kinh doanh, thành lập pháp nhân mới không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, trong đó bao gồm Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B, Quận 9. Đồng thời, UBND TP yêu cầu SAGRI có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư tại 3 dự án không đúng ngành nghề kinh doanh chính, trong đó có dự án trên.

Tuy nhiên, ông Hùng và các bị can khác tại SAGRI vẫn tiếp tục các thủ tục thực hiện phương án triển khai Dự án Khu nhà ở.

Việc chuyển nhượng dự án trên của SAGRI đã có những sai phạm chính như: chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung liên quan đến việc thay đổi cơ cấu sử dụng đất làm tăng diện tích nhóm đất ở biệt thự nên Dự án không đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng; không xây dựng đề án tái cơ cấu, phương án thoái hết số vốn theo yêu cầu của UBND TP. Việc chuyển nhượng Dự án mà không tiến hành thẩm định giá theo giá thị trường, không tiến hành đấu giá; tự thỏa thuận giá trị của Dự án và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng Dự án cho Tổng Công ty Phong Phú trái quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về Kinh doanh Bất động sản; pháp luật về Đất đai; Luật Doanh nghiệp. Hành vi này đã gây thiệt hại thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 672 tỉ đồng...

Ngoài sai phạm trên, năm 2016, ông Hùng còn bị cáo buộc đã bàn bạc, chỉ đạo cấp dưới ký khống 10 hợp đồng tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài cho cán bộ trị giá hơn 13,3 tỉ đồng rồi rút sử dụng. Khi bị thanh kiểm tra, ông Hùng chỉ đạo hợp thức hồ sơ, tài liệu, dòng tiền nhằm che giấu hành vi phạm tội nhưng bất thành.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Nguyễn Thành Mỹ bị can trong vụ SAGRI qua đời

Ông Nguyễn Thành Mỹ, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch đầu tư Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (SAGRI), qua đời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN