Ngăn biến đổi khí hậu bằng bụi thiên thạch

Các nhà khoa học người Scotland đã đưa giải pháp sử dụng vật chất trên bề mặt của các thiên thạch để tạo một đám mây bụi bao quanh Trái đất nhằm đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhóm các nhà nghiên cứu tại trường đại học Strathclyde (Scoatland) tin rằng một thiên thạch có kích thước phù hợp có thể được di chuyển tới gần Trái đất. Sau đó, các nhà khoa học tạo ra những vụ nổ trên thiên thạch để tạo thành một đám mây bụi khổng lồ trong không gian có tác dụng như một lá chắn giúp bảo vệ Trái đất khỏi hiện tượng ấm lên.

“Chúng tôi có thể cần thời gian để tìm một giải pháp lâu dài đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu trên Trái đất. Đám mây bụi không phải là giải pháp lâu dài, nhưng nó có thể ngăn chặn những ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu trong một thời gian nhất định để cho phép các giải pháp lâu dài có hiệu lực”, Tiến sĩ Russell Bewick, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail.

Một ý tưởng trước đó được đưa ra để che ánh sáng từ Mặt trời tới Trái đất bằng cách đặt các tấm gương khổng lồ trong vũ trụ. Tuy nhiên, giải pháp này dường như không thực tế do chi phí cho việc xây dựng những tấm gương khổng lồ và đưa chúng lên quỹ đạo Trái đất rất tốn kém.

Một ý tưởng khác giúp hạ nhiệt Trái đất là sử dụng những đám mây bụi để che đi một phần ánh sáng Mặt trời giống như các đám mây hơi nước trên bầu khí quyển Trái đất. Mặc dù phương pháp này có vẻ rẻ hơn việc xây dựng các tấm gương trong không gian, nhưng bụi có thể bị xóa tan do lực hấp dẫn của Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh khác.

Trong khi đó, ý tưởng tạo những đám mây bụi từ thiên thạch của các nhà khoa học Scotland có thể khắc phục được những nhược điểm của những phương án trên. Bởi vì lực hấp dẫn của thiên thạch có vai trò như mỏ neo giữ các đám mây bụi trôi dạt hay xua tan trong không gian.

Thiên thạch có thể được đặt tại vị trí Lagrange point L1 – một điểm trong không gian mà lực hấp dẫn của Mặt trời và Trái đất cân bằng với nhau. Vị trí này gấp 4 lần so với khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Hương (Vietnamnet)
Biến đổi khí hậu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN