Mỹ lập liên minh 10 nước để "tiêu diệt tận gốc" IS

Các thành viên NATO đã nhất trí lập một liên minh chống lại phiến quân IS và đang vạch ra chiến lược cụ thể.

Ngày 5/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ tìm mọi cách để “làm suy yếu và tiêu diệt tận gốc” nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trong bối cảnh Mỹ bắt đầu vạch ra chiến lược xây dựng liên minh chống IS.

Vào những giờ phút cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Wales, 10 quốc gia châu Âu và châu Mỹ đã nhất trí thành lập một liên minh chống IS, trong đó có Canada, Pháp và Đức, những nước đã từng kiên quyết phản đối cuộc chiến do Mỹ cầm đầu ở Iraq 11 năm trước đây.

Mỹ lập liên minh 10 nước để "tiêu diệt tận gốc" IS - 1

Từ trái qua: Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen, Thủ tướng Anh David Cameroon và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Liên minh này dự kiến sẽ được mở rộng đáng kể khi Mỹ đang tìm cách kêu gọi các quốc gia Trung Đông góp tay vào nỗ lực tiêu diệt IS. Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ Iraq vẫn chưa đưa ra bất cứ sự phê chuẩn nào đối với hành động quân sự của liên minh mới thành lập tại đất nước mình.

Phát biểu tại hội nghị trên, ông Obama nhấn mạnh về tầm quan trọng của một chiến lược nhằm làm suy yếu một cách có hệ thống sức mạnh của phiến quân IS, đẩy chúng đến bờ vực của sự diệt vong chứ không chỉ kiềm chế về mặt quân sự.

Ông nói: “Chúng ta không thể kiềm chế một tổ chức đang giày xéo một lãnh thổ rộng lớn, gây nhiều tai ương và giết hại nhiều người vô tội, biến vô số phụ nữ thành nô lệ. Mục tiêu của chúng ta là phải phá vỡ tổ chức đó”.

Mỹ lập liên minh 10 nước để "tiêu diệt tận gốc" IS - 2

Phiến quân IS liên tục gieo rắc nỗi kinh hoàng ở bất cứ nơi nào chúng tràn qua

Tại hội nghị này, các lãnh đạo NATO coi IS là mối đe dọa lớn đối với an ninh của khối quân sự. Họ lo ngại rằng IS có thể phát động một cuộc thánh chiến trên toàn Trung Đông và trở thành một lò đào tạo những kẻ khủng bố đe dọa đến các nước phương Tây.

Phát biểu bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay trước mắt liên minh chống IS mới sẽ không đưa lực lượng quân sự ồ ạt vào Iraq mà chỉ chú trọng vào vai trò “hỗ trợ chiến thuật” cho lực lượng an ninh nước này để chống lại phiến quân. Trong thuật ngữ quân sự, “hỗ trợ chiến thuật” cũng có vai trò gần giống như tham chiến trực tiếp.

Ông Kerry nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới đấy chúng tôi sẽ có thể tiêu diệt được IS. Có thể mất từ 1 năm, 2 năm hay thậm chí 3 năm, nhưng chúng tôi rất quyết tâm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Star) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN