Mỹ ép TQ từ bỏ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông

“Bất cứ tuyên bố nào của Trung Quốc về quyền lợi trên biển mà không dựa trên các đặc điểm địa hình sẽ được coi là không phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Ngày 5/2, Mỹ đã lên tiếng hối thúc Bắc Kinh làm rõ hoặc điều chỉnh tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông và coi đây là giải pháp hòa bình cho một trong những điểm nóng đang ngày càng căng thẳng ở châu Á.

Trong bối cảnh Trung Quốc vừa thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm cả nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, nhiều quốc gia, đặc biệt là Philippines đang lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ có động thái tương tự trên Biển Đông.

Trước những quan ngại ngày càng sâu sắc này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, Thái Bình Dương Danny Russel đã yêu cầu Bắc Kinh làm rõ “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc cho là biên giới trên biển của mình.

Mỹ ép TQ từ bỏ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, Thái Bình Dương Danny Russel

Ông Russel cho rằng bất cứ tuyên bố chủ quyền trên biển nào theo luật pháp quốc tế cũng phải dựa trên các đặc điểm địa hình của mình. Phát biểu trước một ủy ban quốc hội Mỹ, ông Russell nói: “Bất cứ tuyên bố nào của Trung Quốc về quyền lợi trên biển mà không dựa trên các đặc điểm địa hình sẽ được coi là không phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Ông nói tiếp: “Trung Quốc có thể thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế bằng cách làm rõ hoặc điều chỉnh tuyên bố chủ quyền của mình nhằm biến nó tuân thủ các quy định của quốc tế về luật biển.”

Ông Russel ủng hộ quyền của Philippines đưa vụ việc ra trước tòa án Liên Hợp Quốc bất chấp sự  phản đối của Trung Quốc và cho rằng đây là một nỗ lực để tìm ra giải pháp “hòa bình, không gây hấn” cho khu vực.

Vị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ này cho biết: “Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong vấn đề tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã tạo ra sự bất ổn trong khu vực và hạn chế triển vọng đạt được giải pháp đồng thuận hoặc thỏa thuận công bằng.”

Tuyên bố của ông Russel thể hiện lập trường ngày càng tích cực hơn của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông. Năm 2010, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố trong một chuyến thăm tới Việt Nam rằng quyền tự do hàng hải là một lợi ích quốc gia của Mỹ trên Biển Đông, nơi có hơn một nửa lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua.

Mỹ ép TQ từ bỏ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông - 2

Trực thăng trên tàu sân bay USS George Washington hoạt động trên Biển Đông

Tuy nhiên, ông Russel cũng tái khẳng định quan điểm rằng Mỹ sẽ không ngả về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở châu Á, mặc dù gần đây họ đã tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh Nhật Bản và Philippines.

Gần đây, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã phác thảo đề xuất thiết lập Khu vực Nhận diện Phòng không trên Biển Đông giống như những gì đã làm trên biển Hoa Đông hồi tháng 11 năm ngoái.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times của Mỹ đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới không “nhân nhượng” Trung Quốc và không lặp lại sai lầm như việc trao vùng đất Sudetenland của Áo cho Đức Quốc xã vào năm 1938.

Tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ các thông tin này, và Tân Hoa Xã còn lên tiếng công kích ông Aquino khi cho rằng tuyên bố trên chứng tỏ ông này là một “chính trị gia nghiệp dư không biết gì về lịch sử và thực tiễn.”

Mặc dù vậy, ông Russel vẫn cảnh báo Trung Quốc không nên thiết lập Khu vực Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không thừa nhận hay chấp nhận ADIZ của Trung Quốc. Chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc rằng họ không nên tìm cách thực thi ADIZ trên ADIZ và không lặp lại các hành động tương tự ở bất cứ nơi nào khác trong khu vực.”

Nghị sĩ Steve Chabot, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại phụ trách khu vực châu Á của Hạ viện Mỹ cho rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đưa ra những tín hiệu không rõ ràng khiến cho Trung Quốc càng quyết tâm làm tới.

Ông Chabot khẳng định: “Đã đến lúc Mỹ phải làm gì đó ngoài lời nói và tìm cách trấn an khu vực rằng Mỹ vẫn hiện diện ở đó, và rằng tương lai của nước Mỹ ở châu Á vẫn là tuyệt đối, vững chắc và hùng mạnh.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo AFP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN