Mưu sinh trên "lãnh địa người chết"

Ở cái nơi mà không ai muốn đặt chân tới này, có hàng trăm người đang sống bám ngay trên những nấm mộ từ năm này qua năm khác như một cái nghiệp để mưu sinh.

Cạnh con đường Tân Kỳ Tân Quý dẫn tới nghĩa trang Chấn Hưng (Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, TPHCM), sát những nấm mộ, bóng những người phụ nữ đang tất bật gói những thẻ hương, những xấp tiền âm phủ... cho khách viếng thăm mộ. Ở cái nơi mà không ai muốn đặt chân tới này, có hàng trăm người đang sống bám ngay trên những nấm mộ từ năm này qua năm khác như một cái nghiệp để mưu sinh.

Người chết “nuôi” người sống

Chị Huỳnh Thị Thu vừa thoăn thoắt dội nước, cọ rửa cho những nấm mộ ở nghĩa trang Chấn Hưng vừa chia sẻ: Vợ chồng chị quê ở Hậu Giang nhưng do nghèo túng lại không có đất trồng trọt nên dắt díu nhau lên Sài Gòn lập nghiệp. Dù làm việc quần quật nhưng anh chị vẫn không kiếm đủ tiền trang trải những chi phí thiết yếu. Nghe người bạn giới thiệu công việc quét dọn mộ trong khu nghĩa trang Chấn Hưng nên hai vợ chồng chị tìm thuê nhà gần nghĩa trang rồi định cư luôn từ ngày đó.

Mưu sinh trên "lãnh địa người chết" - 1

Xây đường bao cho những ngôi mộ là một trong những công việc hằng ngày của bác Lập

“Ngày đầu tiên làm công việc này cả tui và ông xã đều sợ lắm. Xung quanh không có gì khác ngoài những tấm ảnh trên bia mộ cứ như chăm chú nhìn và mỉm cười với chúng tôi. Đó là chưa kể kim tiêm của bọn nghiện, mảnh thủy tinh vỡ nằm khắp nơi. Lúc đó chỉ nghĩ thôi thì làm tạm, chờ kiếm công việc khác chứ ai mà muốn “chôn thân” ở nơi đất chết này. Nhưng làm mãi thành quen, không ngờ cả hai vợ chồng tui có thể gắn bó với công việc này cho đến ngày nay”, chị Thu tâm sự.

Còn cô Nguyễn Thị Út, gần 30 năm sống bằng nghề bán vàng hương cho những người đi viếng mộ thì kể: “Sáng bắt đầu dọn hàng ra rồi tối nhá nhem lại dọn về. Cứ như vậy đã gần 30 năm nay cô sống bám cái nghĩa trang này mà cũng nuôi được sắp nhỏ khôn lớn. Ở đây lâu rồi quen, mồ mả cũng thành bạn, những nấm mồ là chỗ để mấy thùng tiền, vàng khi trời chuyển mưa. Trưa đến, rải miếng bạt hoặc bắc cái võng nằm kế mộ chợp mắt”.

Ở lâu lại chẳng... muốn đi

"Tiền công chẳng được bao nhưng thật ra chính nơi cõi chết này đã nuôi sống không chỉ gia đình tôi mà còn hàng trăm gia đình khác ở trong khu vực gần đây” - Chị Huỳnh Thị Thu (làm lao công ở nghĩa trang Chấn Hưng) tâm sự.

Len lỏi vào sâu nghĩa trang Chấn Hưng, chúng tôi tìm gặp bác Nguyễn Văn Bạch (76 tuổi), người đã có trên 30 năm làm nghề trông coi mộ tại đây. Đầu đội chiếc nón đã ngả màu bạc vì nắng và đất, khoác trên mình chiếc áo đã sờn vai và lấm tấm vài chỗ rách, miệng móm mém chỉ còn vài chiếc răng, làn da thì sạm đen vì nắng, bác Bạch xuất hiện bên cạnh những ngôi mộ đã bị cỏ che khuất. Bác thoăn thoắt gỡ từng đám bụi cỏ lâu ngày bám trên nấm mộ, miệng hồ hởi nói: “Ngoài kiếm tiền, dọn xong nhìn ngôi mộ khang trang mình cũng vui”.

Vợ chồng bác Bạch quê ở Bến Tre, lên thành phố lập nghiệp từ những năm 1970. Gia đình bác nghèo nên bà con cho ở nhờ chứ không lấy tiền. Các con bác đã lớn nhưng “mỗi đứa làm một nghề, đến bản thân chúng còn nuôi không xong thì mong gì tới việc nuôi hai cái thân già này”. Dù không thuộc “biên chế” chỉ dọn thuê khi các chủ mộ yêu cầu nhưng hàng ngày dù không có ai thuê bác Bạch vẫn vác liềm ra dọn cỏ, lau chùi các ngôi mộ trong nghĩa trang. Khi người nhà đến thăm mộ biết bác lau dọn, có người cho bác vài đồng, người cho quà bánh, đồ cúng... Nếu ai không biết không cho tiền bác cũng chẳng hỏi hay trách móc gì.

Bác Bạch cho biết vợ ở nhà ở thuê gì làm đó, “nhiều lần bả cũng muốn đi bán vé số nhưng không có tiền vốn nên lại thôi, vay mượn thì người ta đâu biết mình là ai đâu mà tin tưởng”.

Bên những ngôi mộ gần đó, bác Lập (cư dân ở đây quen gọi là Lập “cụt” vì bác bị mất một chân) đang ngồi bệt ngay dưới nền đất, xoay sở xách xô nước đổ vào đống cát và xi măng đã trộn sẵn ngay bên cạnh. “Công việc của tôi là xây đường bao cho những ngôi mộ ở đây rồi quét vôi lại nhìn cho sạch đẹp, cho mới. Làm công việc này mãi cũng quen, suốt ngày ngồi đối diện với những tấm bia, làm bạn với những ngôi mộ, nhiều người thấy sợ, còn tôi thì lại thấy vui. Tiền kiếm được chỉ đủ nhậu vào mỗi buổi tối, nhưng ngày nào không ra làm là nhớ à nha”, bác Lập chia sẻ. Bác Lập nhận chăm sóc, trùng tu cho khoảng 20 ngôi mộ với giá 50.000 đồng/tháng/mộ.

Kiếm sống ở nghĩa địa vẫn phải qua cai thầu

Theo những người sống ở nghĩa trang Chấn Hưng, sẽ có một người làm chủ và nhận yêu cầu từ những chủ mộ rồi thuê người dân làm. Họ sẽ được trả với giá 10.000 đồng/mộ nhỏ và 15.000 đồng/mộ lớn bao gồm cả dọn cỏ, lau rửa, châm nước vào bình hoa và quét vôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vân Hương (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN