Mưu sinh giữa lưng chừng trời

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Ngao du khắp vùng Bảy Núi mùa này, du khách rất dễ bắt gặp cảnh người dân trèo cây thốt nốt lấy mật.

Bảy Núi (thuộc địa phận huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vốn nổi tiếng với nhiều điều kỳ bí. Nơi đây có một loài cây cũng vô cùng lạ kỳ, từ tên gọi đến đặc tính, công dụng. Đó là cây thốt nốt.

Đánh đu mạng sống

Trời chưa hửng sáng, khi mọi người vẫn còn say giấc, anh Nguyễn Văn Tín (38 tuổi, ngụ khóm Phú Nhứt, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên) đã có mặt dưới những tán cây thốt nốt đầy sương.

Cột vài cái can nhựa vào thắt lưng cùng với một con dao, anh Tín thoăn thoắt trèo lên một cây tre được cột cố định vào thân thốt nốt làm thang. Chớp mắt, anh Tín đã có mặt trên ngọn thốt nốt cao khoảng 20 m.

Nhìn khá đơn giản, tôi cũng thử men theo các mắt tre hòng lên ngọn thốt nốt để rồi tá hỏa phát hiện việc trèo không dễ dàng. Chỉ vừa trèo lên khoảng 1/2 thân cây đã cảm thấy đôi tay mỏi nhừ.

Càng lên cao càng cảm nhận được sự nguy hiểm của công việc này. Chỉ cần sơ sẩy nhỏ như mắt tre bị gãy, hay lỡ bám vào một bẹ cây yếu thì người trèo có thể trả giá bằng cả mạng sống.

Mùa này về vùng Bảy Núi dễ dàng bắt gặp cảnh người dân trèo cây thốt nốt lấy mật. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Mùa này về vùng Bảy Núi dễ dàng bắt gặp cảnh người dân trèo cây thốt nốt lấy mật. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Sau một thời gian hì hục, tôi cũng lên đến được ngọn thốt nốt. Nhìn sang anh Tín, lúc này đang dùng dao cắt ngang một đoạn bông thốt nốt rồi liền đưa can nhựa vào hứng những giọt mật thốt nốt đang tuôn trào.

Vừa lấy mật xong cây này, anh Tín lại chuyền qua cây bên cạnh thông qua một cây đòn tre được bắt ngang trên hai ngọn cây. Cùng với mớ dụng cụ lỉnh kỉnh, anh Tín nhẹ nhàng chuyền từ cây này sang cây kia như đi trên mặt đất.

Khi tất cả can nhựa đầy nước thốt nốt, anh Tín lại cột vào thắt lưng rồi nhanh nhẹn leo xuống đất. Suốt cả quá trình leo trèo, anh Tín không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào.

Thời điểm từ tháng Giêng đến khoảng tháng 6 âm lịch là mùa thốt nốt chín rộ và người dân nơi đây lại tất bật với công việc mưu sinh ở lưng chừng trời.

Theo chân anh Tín, tôi cũng trèo xuống, ngờ đâu việc trèo xuống còn khó gấp 10 lần lúc trèo lên. Vậy mà anh Tín cùng với gần chục can nhựa đầy nước lại “hạ cánh” rất nhẹ nhàng.

Ở dưới gốc cây, chị Hồ Thị Vàng (vợ anh Tín) đã chờ sẵn để gánh nước thốt nốt vào nhà chế biến (nấu đường).

Thấy tôi tò mò, anh Tín liền giải thích: “Nước thốt nốt lấy xuống là phải được nấu liền, nếu để lâu sẽ bị chua vì đường trong nước lên men”.

Lấy mật cho đời

Ngồi bệt xuống gốc cây thốt nốt chừng 40-50 năm tuổi, uống ngụm nước giải khát, anh Tín bày tỏ nhờ cây thốt mà gia đình anh có cuộc sống ổn định, hai con được ăn học đàng hoàng.

“Cuộc đời tôi gắn liền với cây thốt nốt. Tôi lớn lên nhờ nó và hiện nó cũng là nguồn sống của cả gia đình tôi” - anh Tín nói.

Theo anh Tín, anh đã có kinh nghiệm trèo thốt nốt được khoảng 20 năm nay và nghề được nối nghiệp từ cha anh.

“Cực lắm! Tối ngày như khỉ leo cây. Biết là nguy hiểm nhưng cũng phải bám nghề thôi vì không có đất sản xuất và cũng không biết làm nghề gì khác nữa” - anh Tín chia sẻ.

Số cây thốt nốt này là anh thuê lại của người chú với giá 4 triệu đồng/50 cây/năm. Thời điểm rộ như hiện nay mỗi cây cho 10-20 lít nước mật, nước được lấy từ hoa của cây chứ không phải từ trái.

Vừa xuống mặt đất anh Tín vội vã đem mật cho vợ gánh vào nấu đường. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Vừa xuống mặt đất anh Tín vội vã đem mật cho vợ gánh vào nấu đường. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Mỗi ngày hai buổi đều đặn, anh Tín đi trèo cây lấy mật, công việc bắt đầu từ 2-3 giờ sáng đến tờ mờ tối. Nước thốt nốt lấy được, gia đình anh tự nấu thành đường bán.

Theo anh Tín, dù thốt nốt không tốn nhiều công chăm sóc nhưng để cây cho nước và lấy được nước thì rất công phu và phức tạp.

“Không phải tự nhiên mà cây cho nước. Trước khi lấy nước thì phải trèo lên để kẹp bông, kích nước. Ủ bông 2-3 ngày sau lại trèo lên hớt mặt để kiểm tra nếu không có nước thì phải ủ tiếp rồi sau đó mới lên lấy nước” - anh Tín nói rồi lại tiếp tục công việc hứng mật.

Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng theo người dân, thốt nốt cho thu nhập ổn định nên vẫn còn rất đông người đeo đuổi nghiệp trèo cây thốt nốt.

Ở cánh đồng đối diện, một người đàn ông khoảng 60 tuổi cũng đang hì hục trèo từ ngọn thốt nốt xuống đất.

Cầm trên tay bốn can nhựa chứa đầy nước thốt nốt tươi, thơm, người đàn ông đầy vẻ mãn nguyện nói: “Đây là nước lấy từ cây cái, ngọt hơn, ngon hơn và cho nhiều đường hơn. Nhiêu đây cũng hơn chục lít rồi”.

Qua hỏi thăm, được biết người đàn ông tên Nguyễn Văn Đan (59 tuổi), có thâm niên 44 năm làm nghề trèo cây thốt nốt.

Theo ông Đan, nhờ có thốt nốt mà cuộc sống gia đình ông được ổn định và khấm khá hơn. Không đơn giản là kế sinh nhai, nghề trèo cây thốt nốt đã ăn sâu vào máu thịt nên dù ở tuổi này nhưng cứ vào mùa cao điểm thì ông Đan lại ngày ba buổi sáng, chiều, tối trên ngọn thốt nốt.

20 năm cây thốt nốt mới cho trái và nước

Giữa mảnh đất khô cằn, sỏi đá, cây thốt nốt được xem là giống cây trời ban, là kế sinh nhai bền vững. Bởi tất cả bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng từ thân, lá, bông, quả…

Thốt nốt thuộc cây thân gỗ, cao hàng chục mét, trái kết thành chùm hàng chục quả với màu tím lịm, trong là cơm màu trắng đục. Đặc biệt thốt nốt còn cho một thứ nước ngọt và thơm phức.

Để cây cho trái và nước thì người trồng phải mất đến khoảng 20 năm. Còn để thu hoạch được những loại quả từ thốt nốt thì người dân còn phải mạo hiểm tính mạng, đánh đu trên những ngọn cây cao chót vót.

Nguồn: [Link nguồn]

Cách đây gần 30 năm, người dân xã Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa đi Nam Định, Thái Bình nhặt những quả sú vẹt về ươm giống, trồng ở bãi biển. Giờ thì sú vẹt rậm rạp ngăn sóng, giữ bùn. Cả một không gian trù phú hứa hẹn một hệ sinh thái xanh…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HẢI DƯƠNG ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN