Mua sim trả trước phải kê khai danh tính

Những bất cập, bức xúc trong quản lý tin nhắn rác, hoạt động của các trang tin điện tử tiếp tục được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay (17.11), Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son thừa nhận đây là vấn đề vẫn đang gây bức xúc cho người dân.

Bộ trưởng Son cho hay: "Hệ thống viễn thông phát triển nhanh và nóng với 121 triệu thuê bao di động, trong đó có tới 111 triệu thuê bao trả trước. Việc quản lý sim trả trước chưa tốt làm xuất hiện sim rác, sim ảo. Tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ sim rác vì vậy phải quản lý được kiểu sim này".

Hiện Bộ TT&TT đang đưa ra dự thảo thông tư nhằm thực hiện điều này. Theo đó, người đăng ký sim điện thoại trả trước cũng phải cung cấp danh tính. Các đại lý sẽ phải photo chứng minh thư của người đăng ký sim để gửi về nhà cung cấp. Nếu thông tin về người sử dụng không chính xác, sim sẽ bị khóa không sử dụng được.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng chỉ ra hai nguồn phát tán tin nhắn rác khác là nhắn tin OTT qua mạng và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số lợi dụng nhắn tin quảng cáo để phát tán tin nhắn rác. Cụ thể, một số nhà cung cấp nội dung số lợi dụng để phát tán vì tin rác chỉ có 30 - 40 đồng/tin còn tin bình thường có giá đắt hơn nhiều. Bộ TT&TT cũng đã đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 90 để tăng cường quản lý vấn đề này.

Mua sim trả trước phải kê khai danh tính - 1

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son

Cũng trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay, đại biểu Phạm Thị Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra những bức xúc trong hoạt động của một số trang tin điện tử (TTĐT).

Cụ thể, đại biểu Phạm Thị Hải cho rằng nhiều TTĐT sao chép, cắt dán, lấy cắp thông tin các báo rồi giật thông tin gây sốc, làm biến dạng thông tin, khai thác đời tư cá nhân. Điều này gây hoang mang dư luận, bức xúc xã hội, làm công chúng mất niềm tin, không biết đâu là thông tin đáng tin cậy.

Đại biểu Phạm Thị Hải chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT phải có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết: "Hiện Bộ TT&TT đã cấp phép 1.599 TTĐT tổng hợp, đồng thời chúng ta cũng có hàng triệu blog cá nhân trên mạng. TTĐT có những mặt tốt nhất định. Nếu sử dụng tốt, TTĐT cũng là cánh tay nối dài để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhưng ngược lại, trang TTĐT cũng có những bất cập nhất định".

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhìn nhận có tình trạng lợi dụng TTĐT để hoạt động phi pháp. Cụ thể là tình trạng lợi dụng hoạt động để vi phạm, ăn cắp bản quyền, vi phạm quyền tự do chính đáng của người khác, thậm chí là vi phạm an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Son đã nhận trách nhiệm về tình trạng này: "Nghị định 72 của Chính phủ đã quy định những điều cấm trong hoạt động TTĐT. Chúng ta đã có chế tài, có những chấn chỉnh nhất định nhưng tình trạng này vẫn gây ra bức xúc trong xã hội. Đây là trách nhiệm của Bộ TT&TT".

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cho biết sẽ phối hợp với các địa phương, ngành liên quan tiếp tục chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động TTĐT tổng hợp bằng cách siết chặt các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường thanh kiểm tra. Ví dụ như phối hợp với Bộ Công an để ra văn bản pháp luật quản lý hoạt động TTĐT trên môi trường mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: "Ngay khi Quốc hội đang họp, chúng tôi đã thu hồi giấy phép hoạt động của một số TTĐT tổng hợp vi phạm quy định pháp luật. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Ủy ban Văn hóa giáo dục và Nhi đồng của Quốc hội để nâng Nghị định 72 thành luật. Điều này nhằm quản lý hoạt động ngoài báo chí trên môi trường mạng".

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng kêu gọi người dân nâng cao trách nhiệm xã hội, ý thức trong sử dụng mạng xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vinh Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN