“Mê muội thần tượng” vẫn được điểm?

Đề văn khối D đưa ra đề tài nóng về hâm mộ thần tượng, vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Theo Bộ Giáo dục Đào tạo, đề thi mở thì đáp án chấm sẽ mở. Thí sinh hoàn toàn có thể được điểm với bất cứ quan điểm nào, chỉ cần đầy đủ lý lẽ và dẫn chứng.

Ngay sau khi buổi thi văn kết thúc, đề thi văn khối D: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hoá, mê muội thần tượng là một thảm hoạ” được nhiều người lan truyền. Cuộc tranh luận nhiều chiều trở nên “nóng bỏng” từ các diễn đàn xã hội, bàn trà đá đến… họp báo.

Nhiều ý kiến được cho rằng đề thi văn khối D năm nay làm khó cho những thí sinh đến từ thành phần miền núi và nông thôn. “Văn hoá thần tượng” vốn chỉ nằm trong tầm hiểu biết của giới trẻ thành phố, các thí sinh nông thôn chỉ biết đến đồng ruộng, đến con suối, núi rừng. Thỉnh thoảng lắm mới được nghe một vài ca sỹ Việt Nam biểu diễn trên tivi thì làm sao thần tượng được”.

Và thực tế, trong buổi thi văn khối D (9/7), các thí sinh hoàn thành sớm, phấn khởi cho biết làm được bài thì đều là thí sinh ở… Hà Nội. 

“Mê muội thần tượng” vẫn được điểm? - 1

Bộ Giáo dục khuyến khích những bài làm sáng tạo, đưa ra được ý kiến riêng

Cũng có ý kiến cho rằng thần tượng ở đây không nhất thiết cứ phải là ca sỹ, diễn viên nào đó nổi tiếng. Nếu thần tượng là những doanh nhân thành đạt như Bill Gate hay chính là bố mẹ mình thì liệu có trở thành “thảm hoạ” như đề văn nêu?

Vấn đề này đã được đem vào trao đổi trong cuộc tiếp xúc giữa ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ 2012 với báo chí. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (thuộc Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đề mở là hướng đi tích cực và mới hiện nay. Điều này tránh tình trạng học sinh học vẹt, hay như có ý kiến cho rằng học thuộc lòng bài giảng của giáo viên. Đề đưa ra các vấn đề xã hội đang được quan tâm, thí sinh bằng hiểu biết và suy nghĩ của mình bình luận về vấn đề đấy”.

“Mê muội thần tượng” vẫn được điểm? - 2

Nhiều ý kiến cho rằng đề thi Văn khối D năm nay có lợi cho thí sinh thành thị

Giải thích băn khoăn của phóng viên trong việc chấm thi đề mở, ông Nghĩa khẳng định: “Đề mở thì đáp án cũng mở. Thí sinh có thể đưa ra những bình luận nhiều chiều khác nhau, miễn là có lý lẽ chặt chẽ và hợp lý. Nếu có ý kiến nào khác với đáp án, vẫn được cho điểm. Bộ Giáo dục khuyến khích những bài làm sáng tạo, đưa ra được ý kiến riêng. Tuy nhiên điều này  phải dựa trên chuẩn kỹ năng, phù hợp với chương trình học và lý lẽ, dẫn chứng đủ sức thuyết phục”.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc môn Địa lý năm nay liên quan đến biển và hải đảo, phải chăng có sự chỉ đạo của  Bộ GD-ĐT, ông Nghĩa khẳng định: “Bộ không chỉ đạo cụ thể về biển đảo. Đây là việc ngẫu nhiên của Ban đề thi. Ban đề thi ra theo quy chế, bám sát chương trình, nhưng đặc tính của các môn Văn, Địa là bám sát các vấn đề xã hội.

Kỳ thi năm nay có một điểm mới là được mang các thiết bị công nghệ cao vào phòng thi. Điều này cũng gây tranh cãi giữa “được” và “mất” nếu cho thí sinh sử dụng các thiết bị này. Thí sinh có thể lợi dụng máy chụp hình để đánh dấu bài hay phát tán đề sau 2/3 thời gian nếu ra sớm.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng: “Để chống tiêu cực, Bộ GD-ĐT cho phép bên cạnh giám sát của cơ quan Nhà nước có giám sát của xã hội. Tôi không đồng tình với ý kiến triển khai quy chế này mất nhiều hơn được. Đây là việc mà Bộ GD-ĐT tăng cường công tác xã hội hóa trong giám sát sự trung thực của kỳ thi. Nếu phát hiện bất cứ tín hiệu tiêu cực nào, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an điều tra và xử lý”.

“Mê muội thần tượng” vẫn được điểm? - 3

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết cuối tháng 7 các trường phải công bố điểm thi

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Thiết bị công nghệ cao giúp chống tiêu cực trong kỳ thi, thực tế điều này đã chứng minh rồi. Sau cánh cổng trường thi, xã hội không biết điều gì đang diễn ra. Với quy định bổ sung cho phép mang thiết bị công nghệ cao vào trường thi làm minh bạch hoá công tác tuyển sinh. Bất cứ ai cũng có quyền phản ánh tiêu cực và sử dụng bằng chứng để cung cấp cho cơ quan chức năng”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết cuối tháng 7 các trường phải công bố điểm thi và trước 10/8, Bộ sẽ họp quyết định điểm sàn. Với biểu hiện thí sinh phấn khởi, làm bài tốt hơn, khả năng điểm sàn năm nay tốt hơn năm trước. Mức điểm 5-6 trở lên sẽ nhiều và các trường dễ dàng lựa chọn học sinh hơn. Tuy nhiên, mức điểm này dựa trên nhiều yếu tố như nhu cầu nguồn nhân lực từng ngành, từng địa phương nên rất khó phán đoán trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Vân ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN