Mật ngữ ở "chợ tình" giữa Sài thành

Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, náo nhiệt, một “bến đợi” kiểu như chợ tình Khâu Vai nổi tiếng ở Hà Giang dành riêng cho những người giúp việc tại công viên Phạm Đình Hổ, phường 1, quận 6.

Hằng tuần, vào tối thứ bảy mà nhất là tối chủ nhật, những thanh niên nam nữ, trong đó phần lớn là người Khmer hội tụ về đây. Hầu hết các bạn từ miền quê sông nước Nam bộ lên thành phố với công việc phụ giúp, và cuối tuần đến đây để được trò chuyện cùng đồng hương, những người cùng cảnh ngộ, đặc biệt là... tìm một nửa kia cho mình.

Mật ngữ yêu đương đáng yêu

Theo lời giới thiệu của người bạn ngụ tại địa phương, vào những đêm cuối tuần vừa qua chúng tôi đến “chợ tình”. Từ 18h trở đi, công viên Phạm Đình Hổ trở nên đông đúc lạ thường. Từng tốp từng tốp thanh niên nam nữ, quần áo tươm tất, sạch đẹp đứng ngồi khắp ghế đá bên trong lẫn hành lang bên ngoài hoa viên tạo nên một khung cảnh giống như ngày hội! Có nơi chỉ thấy toàn là các bạn nữ, ngược lại cũng có chỗ toàn nam thanh niên. Tất cả cười nói vui vẻ, thỉnh thoảng có người đứng lên đi qua đi lại chào đón những người quen mới đến hay liếc mắt sang chiếc ghế đá nơi có những cô gái, chàng trai mà họ để ý.

Tại hành lang bên ngoài mé đường Phạm Đình Hổ, chúng tôi làm quen một tốp thanh niên đang vui vẻ trò chuyện. Anh Thạch Mạ (19 tuổi) vui vẻ nói: “Nhóm tụi em đa số là người Khmer ở Sóc Trăng và một số bạn người Kinh ở Vĩnh Long, Bến Tre... lên thành phố để giúp việc cho người ta. Vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần xin chủ cho đi đến đây chơi một lần, mà cũng chỉ được một lần thôi. Thứ bảy đi thì chủ nhật phải ở nhà làm việc và tụi em chủ yếu đến đây vào tối chủ nhật”. Đang ngồi trò chuyện thì bất ngờ Thạch Mạ chỉ tay về phía nhóm những cô gái ngồi bên trong ghế đá công viên và nói thì thầm với chúng tôi. Thì ra, anh để ý một người trong số ấy nhưng không dám qua trò chuyện vì: “Em ngại quá, không biết qua đó ngồi rồi mình nói cái gì với người ta đây, nghĩ đến là hồi hộp lắm! Ngồi bên này, em thấy bạn ấy cười, mình cũng cười lại nhưng không dám sang”. Trong nhóm Thạch Mạ cũng có nhiều người như anh, cũng thương thầm, trộm nhớ một bóng hồng tại đây như lại không dám tỏ tình mà đành... đứng bên này nhìn sang bên ấy cuời nói vu vơ vậy thôi.

Mật ngữ ở "chợ tình" giữa Sài thành - 1

Mới 18h, bến hẹn đã đông đúc ngay từ hành lang bên ngoài hoa viên.

Khi chúng tôi sang trò chuyện cùng các bạn nữ ngồi trên ghế đá bên trong hoa viên thì nhận thấy các bạn cũng có cảm giác giống như nhóm của anh Thạch Mạ. Đó là cũng để ý, thấy thích và cũng chỉ nhìn rồi bẽn lẽn cười thôi chứ không dám sang. Chị Lý Thị Hạnh (19 tuổi, quê ở Trà Vinh) giải thích: “Mặc dù thấy kết anh ấy (một chàng trai trong nhóm của anh Thạch Mạ) lắm nhưng mình là con gái không lẽ sang bên ấy trước thì bạn bè chọc cho”. Chúng tôi hỏi: “Vậy thì không lẽ mình cứ ngồi bên này mà nhìn hoài vậy sao? Chị Hạnh cho biết: “Thì tụi mình cũng… phát tín hiệu mời sang trò chuyện nhưng hổng thấy mấy ảnh sang. Nói nhỏ cho anh chị biết thôi, ngoài nhìn rồi cười với nhau, tụi em luôn chừa sẵn một chỗ ngồi bên cạnh để anh ấy sang trò chuyện, nếu tinh ý thì ảnh nhận ra ngay!”.

Hầu hết các bạn trẻ có mặt tại hoa viên này đều đến từ những vùng quê Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long... Họ bạn lên thành phố làm những công việc hằng ngày là phụ giúp việc. Nhiều người giữ em bé, làm việc nhà; có người phụ bán quán ăn, đi giao hàng cho chủ, rồi người thì phụ việc ở cơ sở sản xuất sơn, keo dán... với mức lương trung bình khoảng 1,6-2,5 triệu đồng/tháng, chủ lo cho chỗ ăn, ở. Tuy vậy cũng có nhiều bạn không được chủ lo cho chỗ ở, nhất là các bạn làm công trong các cơ sở sản xuất, phải ra ngoài thuê phọng trọ nên cuối tháng nhận lương xong, trừ tiền nhà thì còn được chẳng là bao.

Đến với “đêm hội” cuối tuần này, nhiều bạn phải đạp xe hàng chục cây số, thậm chí có bạn còn đi bộ nữa! Anh Lâm Trọng Nghĩa (20 tuổi, quê ở Ba Tri, Bến Tre) phụ việc cho một cửa hàng bán gạo trên đường Bến Bình Đông, quận 8 tâm sự: “Mình lên thành phố đã được hai năm rồi, ban ngày vác, xếp gạo cho chủ còn ban đêm chỉ có ngủ nghỉ chứ chẳng biết đi đâu. Hôm tết vừa rồi được về quê thì gặp thằng bạn cùng xóm, cũng lên thành phố phụ việc. Nó nói tối thứ bảy, chủ nhật rảnh thì qua hoa viên Phạm Đình Hổ chơi... Thế là từ sau Tết đến nay, tối chủ nhật nào mình cũng xin chủ rồi mượn xe đạp đến đây chơi, thấy vui lắm!”. Và anh Nghĩa cũng cho biết những lần đến đây anh quen một cô bạn đồng hương đang giúp việc ở tiệm thuốc đông y, quận 5. Hai người trò chuyện thấy hợp nhau và cuối tuần là hẹn đến hoa viên để tâm sự.

Mật ngữ ở "chợ tình" giữa Sài thành - 2

Ngồi “bên này” nhìn sang “bên ấy”

Những tình yêu nở hoa từ góc đường phố thị

Trên thực tế thì cư dân địa phương lẫn “những người trong cuộc” cũng không biết chính xác “chợ tình” này hình thành từ khi nào và ai là người khởi đầu. Chỉ biết rằng, nó xuất hiện đã vài năm nay và theo lời của anh Thạch Thắng (22 tuổi, người Khmer, quê ở Sóc Trăng) một trong những “thành viên thâm niên” nơi đây thì: “Hai năm trước, trên đường đi giao hàng cho chủ ngang qua đây thấy các bạn tụ tập đông đúc, mà toàn người Khmer nên ghé vào chơi, thấy vui. Và từ đó đến nay, nơi đây đông đúc như vậy”.

Trong lúc quan sát các bạn trẻ đến đây để trò chuyện, chúng tôi thấy một điều là các bạn khá hiền lành và vui vẻ. Đối với những cặp yêu nhau, họ ngồi đối diện nhau hay dường như họ giữ một khoảng cách nào đó trong lúc hai người tâm sự trên ghế đá. Họ không có những hành động... “quá trớn”, lộ liễu như một số cặp tình nhân ở nhiều con đường, hoa viên khác trong thành phố. Một điều khá thú vị khác mà chúng tôi được biết nơi đây là hầu hết các bạn trẻ này là người Khmer và người Khmer có phong tục là hai người yêu nhau chỉ khi nào người con trai đường hoàng ngỏ lời và được người con gái chấp nhận thì lúc đó “nàng mới để cho chàng nắm tay”! Và có lẽ các bạn trẻ ở đây cũng đang thể hiện phong tục ấy (!?).

Mật ngữ ở "chợ tình" giữa Sài thành - 3

Một cặp đang tìm hiểu nhau

Thông thường “chợ tình” chỉ xôm tụ trong khoảng 3-4 giờ đồng hồ rồi tan bởi vì hầu hết các bạn đều đi làm những công việc phụ giúp nên thường ở luôn nhà chủ và chủ quy định chỉ được đi chơi đến 22h là phải về đóng cửa, mà mỗi tuần chỉ được một lần như vậy thôi. Trong những giờ phút ngắn ngủi ấy, làm sao tâm sự hết cùng bạn bè, đồng hương đặc biệt là cho những ai có... “nguời ấy” nhỉ (?). Anh Lâm Trọng Nghĩa tâm sự: “Đến giờ về thì tiếc lắm, nhưng cũng phải về chứ chủ la thì dễ bị mất chỗ làm. Khi ấy tụi mình chỉ mong cho những ngày trong tuần qua thật mau để chủ nhật lại được đến đây trò chuyện”.

Cũng với những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy nhưng qua nhiều buổi chiều thứ bảy, chủ nhật trong tuần mà một số đôi bạn trẻ đã nên vợ nên chồng. Theo lời anh Thạch Thắng thì cách đây ba tuần, hai người bạn của anh cũng là đồng hương Sóc Trăng, anh Lê Quốc Cường (23 tuổi) và chị Lý Thị Nên (19 tuổi) đã xin phép chủ để về quê tổ chức đám cưới. Họ quen nhau cũng tại “bến hẹn” này cách đây hai năm. Qua những lần trò chuyện từ những “đêm hội” cuối tuần, hai người cảm thấy hợp nhau và thế là họ quyết tâm làm việc nhiều hơn để dành tiền cho đám cưới hôm nay. Cách đây không lâu, “bến đợi” lại vắng đi hai người, đó là chị Kim Thị Loan và anh Lý Văn Khen. Cả hai cùng rời quê lên thành phố phụ việc. Trong một lần đến hoa viên, họ đã tìm được nhau. Qua tháng ngày tìm hiểu, cuối cùng họ quyết định “góp gạo thổi cơm chung” mặc dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khắn lắm.

Qua tâm sự, chúng tôi nhận thấy còn nhiều đôi bạn trẻ nơi đây thương nhau và tình chuyện trăm năm, nhưng thu nhập của các bạn quá thấp, hơn nữa công việc bấp bênh chưa cho phép được như vậy. Cũng có nhiều bạn tự ti, mặc cảm với thân phận mà đành im lặng. Và “bến đợi” hoa viên Phạm Đình Hổ vào những đêm thứ bảy, chủ nhật trông như một đêm hội của những người xa quê lên thành phố giúp việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Đình (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN