Lý Sơn vật vã trong cơn "đỉnh" khát nước

Bão số 5 gây mưa khắp nơi trong cả nước nhiều ngày qua. Cả tỉnh Quảng Ngãi có mưa, riêng đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn) thì không. Điều đó đồng nghĩa với việc hòn đảo này đang tiến dần đến “đỉnh” của cơn khát sau nhiều thập kỷ.

Đạt “đỉnh”

Ông Nguyễn Hữu Tựu - người chuyên cung cấp nước ngọt cho đảo Bé - phân bua: “Tui làm nghề bán nước ngọt, lý ra hễ trời càng nắng hạn thì càng mừng để bán nhiều nước, nhưng năm nay hoải hung rồi”.

Hỏi sao hoải? Ông cho tàu chạy chậm, không cập cầu cảng mà tiến thêm vô sát mép đảo, nói: “Thì anh coi kìa, đến cây dừa mà còn không chịu thấu, huống chi người. Lấy 180.000đ/m3 nước ngọt là “dã man” lắm, nhưng cũng đành thôi. Bà con ở đảo Bé này chẳng biết làm gì để có đồng ra đồng vào, tiền không đủ mua gạo, giờ lại phải bớt gạo để mua nước, không hoải sao được?”. Lại hỏi: “Sao không hạ giá nước cho bà con nhờ?”. “Giá xăng dầu nó nhảy vọt như ngựa chiến, 180.000đ là còn nương tay đó, lẽ ra phải là 200.000đ kìa”.

Cả đảo xác xơ trong nắng cháy, chỉ có những cây dừa khẳng khiu là còn một chút màu xanh của sự sống. Đặt chân lên đảo lúc này có cảm giác như đang bước vào chiếc lò nung khổng lồ, người bỏng rát như thể có ai đang quạt lửa vào vậy. Vợ chồng ông Tựu không nhớ đây là chuyến tàu thứ mấy chở nước ngọt ra đảo Bé trong mùa khô này, chỉ biết rằng xã An Bình đã xuất quỹ dự trữ nước ngọt lần thứ ba để “cấp cứu” cho dân, nhưng vẫn không ăn thua.

Lý Sơn vật vã trong cơn "đỉnh" khát nước - 1

Trẻ con phải đứng tắm trong thau để tận dụng nước. Ảnh:Trà Ban

“Cứ 10 ngày là tốn 40 triệu đồng tiền nước, ngân sách xã không kham nổi” - Chủ tịch xã An Bình - ông Phan Đình Phương - thở dài. Chưa có năm nào như năm nay, mùa khô hạn đã chà đi xát lại hòn đảo vẻn vẹn vài cây số vuông này, đến mức không còn một ngọn cỏ xanh!

Còn lại một “không”

Nói về đảo Bé, ông Nguyễn Mân - 74 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi An Bình - gói gọn trong một câu: “Đảo bốn không mà cháu”. Rồi ông kể: Không đường, không điện, không nước (dĩ nhiên) và không... chuột! Đường, điện và nước thì không có tiền để đầu tư, chứ chuột thì cần gì phải đợi ngân sách bỏ ra mới có ạ?

Ông Mân chỉ tay về phía rìa đảo, nơi có những cây dừa xiêu vẹo quanh năm: “Không có cầu cảng nên hàng hóa và con người muốn đặt chân lên đảo Bé, tất tật đều phải “tăng bo” qua thuyền thúng. Những kiện hàng quăng quật từ tàu sang thúng, các chủ hàng lại cân đong đo đếm không sót một gói mì tôm, chuột nào “trốn” vào đấy được mà có?”. Đó là câu chuyện của 10 năm trước, còn bây giờ thì khác, đảo Bé đã có nhiều thứ, kể cả... chuột vì đã xây được cầu cảng, duy một cái “không” còn lại thì vẫn tiếp tục “không” - đó là nước ngọt.

Lý Sơn vật vã trong cơn "đỉnh" khát nước - 2
Những chiếc lu đựng nước trên đảo Bé đã kiệt nước từ nhiều tháng nay. Ảnh: Trà Ban

Từ 300 năm trước, những cư dân đầu tiên của người Việt đã có mặt và định cư trên đảo Lý Sơn. Họ tách ra từ những làng chài vùng ven biển cửa Sa Kỳ rồi đặt chân lên Lý Sơn để khai phá hòn đảo xinh đẹp này. Họ cũng là những binh phu được các chúa Nguyễn rồi các vua nhà Nguyễn sai phái ra Hoàng Sa để dựng bia cắm mốc chủ quyền cho nước Việt. Đặt chân lên đảo Lớn, việc tiếp theo của những cư dân này là “nhắm” đảo Bé, cách đảo Lớn khoảng 5km đường chim bay.

Thế nhưng, suốt 300 năm khai phá Lý Sơn, dân số đảo Lớn đã lên đến ngót hai vạn người mà đảo Bé chỉ vẻn vẹn trên dưới 100 nóc nhà với chừng 500 khẩu. Tựu trung cũng vì đảo Bé không có mạch nước ngầm. 300 năm là một chặng đường diệu vợi mà các thế hệ cư dân trên đảo Bé không thôi kiếm tìm nguồn nước ngọt để “giải khát” cho chính mình, cũng là để tồn tại trước những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng vô vọng. Và họ vẫn tồn tại trên hòn đảo ấy như một cuộc thi gan với tạo hóa.

Thích nghi với nghịch cảnh

Trước khi tách ra khỏi xã An Vĩnh để thành một xã mới, các bô lão và chính quyền Lý Sơn đã vò đầu bóp trán để đặt tên cho xã mới này. Cuối cùng họ chọn cái tên An Bình, như một kỳ vọng vào sự yên ổn cho một trăm nóc nhà nơi đây. Dù mang tên An Bình nhưng cuộc sống của người dân thì chẳng bình yên chút nào.

Mùa gió bão thì dân thiếu gạo vì không một con tàu nào dám liều mạng cập đảo, thậm chí chính quyền địa phương ở đảo Lớn đã phải gói thực phẩm trong bao nylon rồi kết bè thả xuống biển, nhờ gió mang vào. Gửi 10 bao gạo, đến được đảo Bé chỉ còn hai, ba! Sang mùa nắng nóng thì nỗi ám ảnh về những cơn khát từ “tiền kiếp” vẫn không thôi đeo bám họ.

Hai đứa con nhỏ của chị Võ Thị Tươi đang đứng lớ ngớ trong sân giữa trưa, liền được nghe “khẩu lệnh” từ mẹ, hệt như trại lính: “Khẩn trương, vào chỗ!”. “Vào chỗ” ấy là 3 chiếc thau rỗng để cạnh bể nước. Lần lượt từng đứa một đứng vào thau. Như người đong mắm nêm canh, chị múc một cách dè sẻn từng gáo nước một rồi xối lên đầu lũ trẻ. Mỗi đứa trẻ được nhận từ mẹ chúng chừng 3 gáo nước.

“Tắm kiểu này chỉ có bôi nhớt chứ sao sạch được hả chị?”. “Ừ, tui giội cho chúng đỡ rít ráy thôi, chứ tắm thèm tắm lạt thế này, khổ thân lũ trẻ lắm”. Thì ra, bọn trẻ đã “nhảy ùm” xuống biển trước đó. Những gáo nước này chỉ để rửa sơ qua nước biển cho khỏi “mặn” mà thôi.

Hỏi chị sao lại cho lũ trẻ phải đứng trong thau? Không buồn trả lời, chị Tươi bưng những chiếc thau “nước xái” ấy ra phía sau vườn và “rưới” lên luống rau muống quắt queo, đang chờ nước như chờ mẹ chợ về. Một gáo nước ngọt ở đây cũng làm một công đôi việc. Không để lãng phí một giọt nước nào - đó là phương châm để người dân đảo Bé thích nghi với nghịch cảnh.

Ông Nguyễn Hữu Tựu vỡ vạc cho tôi về khái niệm giàu-nghèo ở đảo: “Thước đo giàu nghèo ở đây là nhà ai có bể chứa nước to nhất chứ không phải ruộng đất”. Nhìn khắp các ngôi nhà của người dân đảo, hình ảnh ấn tượng nhất là những chiếc lu được đúc bằng ximăng. Một hệ thống mương máng “thủy lợi” được thiết kế để dẫn nước mưa từ các mái nhà rồi chảy về những chiếc lu này. “Nhưng cũng chỉ dùng được 4 tháng thôi chú em” - ông Tựu cho hay.

Ám ảnh về những cơn khát luôn thường trực trong người dân đảo, nhưng 13 hécta hành vẫn cứ sống chung với hạn mỗi năm. Riêng đàn bò 26 con và đàn dê hơn chục con, người dân đã phải bán tháo. “Mỗi ngày cần ít nhất là 5 lít nước ngọt cho mỗi con vật này, người còn nhịn khát, lấy nước đâu ra cho gia súc?”.

Ông Phan Đình Phương - Chủ tịch UBND xã An Bình - lý giải vì sao lại phải “làm trái nghị quyết” là không phát triển chăn nuôi như thế. Riêng người dân thì không thể bỏ đảo. Cố thích nghi trong hoàn cảnh khắc nghiệt để tồn tại - đó như là “mệnh lệnh” mà mỗi người dân trên đảo Bé buộc phải thuộc nằm lòng.

Sắp giải hạn

Mấy chục năm qua, hàng trăm mũi khoan thăm dò của các nhà địa chất đã khoan khắp đảo Bé, nhưng vẫn không tìm ra nguồn nước ngọt, buộc chính quyền phải bỏ ra 600 triệu để xây một bể chứa nước 283m3 ngay trong khuôn viên của ủy ban xã. Đây là “kho nước” mà muốn xuất phải có lệnh của chủ tịch xã.

Mùa khô năm nay, ông Phan Đình Phương đã ba lần “ra lệnh” nhưng dân vẫn khát. Những chuyến tàu mang nước ngọt từ đảo Lớn sang bán cho dân đảo Bé vẫn tất tả ngược xuôi. Giá nước ngọt vẫn tăng hằng tuần, tùy vào sự ấm lạnh của giá xăng dầu. Có lẽ đây là hòn đảo duy nhất trên cả nước, người dân phải mua nước ngọt với giá “vô địch thế giới” như thế.

Trong lúc hàng trăm người trên đảo ngửa cổ mong mưa thì một tin vui đã đến: Cuối tháng này, Công ty Doosan Vina (Hàn Quốc) sẽ khánh thành nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt, công suất 200m3/ngày, trị giá trên 1 triệu USD, ngay trên đảo Bé. Đây là công trình mà Doosan Vina biếu không cho dân hòn đảo này.

Vậy là, sau hàng thế kỷ khát nước, giờ đây, dân đảo Bé đã có thể nói lời vĩnh biệt những chiếc lu đựng nước - một thứ đồ gia dụng phổ biến đã song hành cùng họ suốt 300 năm qua trên hòn đảo khắc nghiệt bậc nhất miền Trung này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Ban (Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN