Lý giải vì sao TP HCM vận động F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch Covid-19?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Kết quả của nghiên cứu cho thấy người đã từng mắc Covid-19 nguy cơ nhiễm lại virus giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.

Chủ tịch UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn về việc vận động F0 hết bệnh tham gia chống dịch Covid-19. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 việc vận động, sử dụng các bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành điều trị để tham gia tình nguyện phục vụ phòng, chống dịch.

Sở có trách nhiệm phối hợp với Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tiến hành khảo sát cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 để tham mưu việc điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân Covid-19; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong tháp 5 tầng.

Dưới góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia y tế đã bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này.

Bệnh nhân Covid-19 làm thủ tục xuất viện ở TP HCM- Ảnh: Bộ Y tế

Bệnh nhân Covid-19 làm thủ tục xuất viện ở TP HCM- Ảnh: Bộ Y tế

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - chuyên gia trong Tổ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Tháp, Covid-19 là bệnh lý mới xuất hiện từ cuối năm 2019, nên đến nay các nghiên cứu về khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2 còn tương đối hạn chế.

"Tuy nhiên, những kết quả của nghiên cứu "Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN" tại Anh cho thấy người đã từng nhiễm Covid-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus tới giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng. Một nghiên cứu khác tại Đại học Y Missouri (Mỹ) cũng cho thấy tỉ lệ tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19 là 0,7% với thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm, và có thể so sánh với những người đã được tiêm đầy đủ vắc-xin"- bác sĩ Cấp dẫn chứng.

Cũng theo bác sĩ Cấp, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỉ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.

Với những kết quả nghiên cứu sơ bộ trên thì những người đã từng mắc Covid-19 đã hồi phục hoặc những người thì nguy cơ tái nhiễm lại trong vòng 5 tháng thấp hơn nhiều so với người chưa nhiễm. Do vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng những người này nếu tình nguyện tham gia chống dịch thì sẽ có thể "an toàn" hơn những người chưa nhiễm và chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Thực tế nhiều thầy thuốc không may bị nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tình nguyện điều trị vòng trong ở các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và xung phong thực hiện những thao tác nguy hiểm thay cho các đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, do tỉ lệ mắc lại của những người từng nhiễm Covid-19 dù ít nhưng vẫn có thể xảy ra và vẫn có nguy cơ diễn biến nặng như người mắc lần đầu, nên trong quá trình làm việc, họ vẫn phải đảm bảo các trang bị phòng hộ đầy đủ, tuân thủ các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm và tiêm vắc-xin bổ sung khi có chỉ định.

Bệnh nhân Covid-19 được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy làm thủ tục xuất viện- Ảnh: Nguyễn Thạnh

Bệnh nhân Covid-19 được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy làm thủ tục xuất viện- Ảnh: Nguyễn Thạnh

Bác sĩ Cấp cũng cho biết ngoài nhân viên y tế, công tác phòng chống dịch cần rất nhiều lực lượng hỗ trợ như đảm bảo hậu cần, vận chuyển, hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân… Trong khi đó những người từng mắc Covid-19 đã hồi phục, những người đã được tiêm đủ vắc-xin là những người có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn rất nhiều so với những người chưa nhiễm và chưa tiêm Covid-19.

"Nếu động viên họ tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch, chúng ta sẽ có lực lượng đông đảo và an toàn hơn để giảm gánh nặng cho các nhân viên y tế"- bác sĩ Cấp nhận định.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, về việc các bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành điều trị có thể tham gia tình nguyện phục vụ phòng, chống dịch, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1- TP HCM, cho biết khi bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏe và được xuất viện, họ có thể dành thời gian giúp sức các lực lượng phòng chống dịch, các lực lượng hỗ trợ tại địa phương, bởi lúc đó họ đã nằm trong số những người "an toàn" nhất trước đại dịch. Các nghiên cứu cho thấy kháng thể trong người các F0 đã khỏi bệnh rất mạnh, mạnh hơn người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 nhiều.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 242.603 ca, trong đó có 86.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Lý giải vì sao TP HCM vận động F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch Covid-19? - 3

Nguồn: [Link nguồn]

Sự thật thông tin nữ nhân viên ngân hàng dương tính SARS-CoV-2 dẫn đoàn 2.000 người đi tiêm vắc xin

Trước thông tin nữ nhân viên ngân hàng dương tính với SARS-CoV-2 từng dẫn đoàn 2.000 nhân viên ngân hàng đi tiêm vắc xin,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo N.Dung ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN