Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ vừa qua ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ kéo dài liên miên

Miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ đang trải qua đợt mưa lũ liên miên gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản.

Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ vừa qua ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ kéo dài liên miên - 1

Miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ đang trải qua đợt mưa lũ triền miền. Ảnh Đinh Cương Thi

Đợt mưa lũ kéo dài nhất từ đầu mùa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ đang trải qua một đợt mưa lũ phức tạp và kéo dài nhất từ đầu mùa mưa tới nay.

Từ ngày 13/7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao cận nhiệt đới đang lấn mạnh về phía tây nên ở khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông; riêng khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to.

Tiếp đến, ngày 16/7, một áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở khu vực vịnh Bắc Bộ và đã gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. 

Ngay sau đó, một áp thấp nhiệt đới khác trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3 (Sơn Tinh). Cơn bão này đã đổ bộ đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào đêm 18 rạng sáng 19/7. Hoàn lưu bão số 3 có bán kính ảnh hưởng khoảng 100km nên khắp các tỉnh từ Hải Phòng đến Quảng Bình đã có mưa lớn.

Đặc biệt, sau khi đổ bộ đất liền nước ta, bão số 3 không tan hẳn mà đĩa mây hoàn lưu của bão đã kết hợp với rãnh áp thấp đi qua Bắc Trung Bộ nên hình thành một xoáy thấp hoạt động tại các tỉnh phía tây Bắc Bộ và tiếp tục gây mưa lớn suốt từ ngày 20/7 đến nay.

Hôm qua (21/7), vùng xoáy này đang có xu hướng dịch chuyển dần từ đất liền ra phía đông do bị “hút” bởi một cơn bão lớn có tên Ampil. Cơn bão này được hình thành ở ngay phía đông Philippines cách đây vài ngày, hiện đang di chuyển lên phía giữa Đài Loan và Nhật Bản, có thể đổ bộ vào phía đông Trung Quốc.

Trên đường đi của mình, vùng xoáy thấp đã gây mưa lớn cho các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, ven biển và Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và cả Hà Nội.  Lượng mưa phổ biến 10-25mm; có nơi trên 30mm như: Lạc Sơn (Hòa Bình) 59mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 41mm, Đông Hà (Quảng Trị) 34mm, Khe Sanh (Thừa Thiên-Huế) 55mm…

Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ vừa qua ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ kéo dài liên miên - 2

Áp thấp khả năng quay lại gây mưa lớn tiếp tục cho các tỉnh Bắc Bộ. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Mưa lớn sắp quay lại Bắc Bộ gây lũ quét, sạt lở đất?

Theo ông Hoàng Phúc Lâm – Trưởng Phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), tối qua (22/7), áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ đã đi vào Hải Nam (Trung Quốc) và đang suy yếu. Chính vì vậy, hôm nay (23/7), mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã giảm nhiều nơi.

Tại Thủ đô Hà Nội hôm nay có mưa vài nơi, ngày nắng, nhiệt độ cao nhất lên tới 35 độ C.

Tuy nhiên, từ khoảng ngày 24/7, khả năng mưa to vẫn có thể xảy ra do hoàn lưu của vùng áp thấp có thể quay lại, gây thời tiết xấu cho tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, từ ngày 25/7 mưa sẽ mở rộng, ảnh hưởng tới các tỉnh vùng Việt Bắc và Tây Bắc Bộ.

“Đợt mưa tiếp theo có khả năng gây ra một đợt lũ nữa ở Bắc Bộ từ khoảng sau ngày 24/7. Cần lưu ý mưa to sẽ có khả năng gây lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi phía Bắc bởi khu vực này sẽ là trọng tâm của đợt mưa tới”, ông Lâm cảnh báo.

Với Bắc Trung Bộ, lũ đang xuống chậm. Ông Lâm đánh giá, mùa lũ năm 2018 trên các sông Trung Bộ chưa có dấu hiệu bất thường và khả năng sẽ thấp hơn năm 2017.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Áp thấp quay trở lại, mưa lũ ở miền Bắc diễn biến khó lường

Áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) sẽ quay lại và tiếp tục gây mưa lớn cho Bắc Bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Lũ lụt ở miền Bắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN