Lý giải động đất mạnh nhất ở Sông Tranh

Đây là trận động đất có cường độ mạnh nhất từ trước đến nay, độ lớn 4.6 độ Richter.

Như tin đã đưa, lúc 20 giờ 41 phút tối 22/10, một trận động đất có cường độ mạnh khủng khiếp kéo dài hơn 10 giây đã làm rung chuyển toàn bộ huyện Bắc Trà My và các huyện lân cận của tỉnh Quảng Nam. Trận động đất kéo dài thời gian hơn, có cường độ mạnh hơn trận động đất ngày 23/9 vừa qua (4,1 độ richter), làm cho nhà cửa rung lắc, vật dụng chao đảo, người dân cả khu vực hoảng loạn.

Theo Viện Vật lý địa cầu, vào lúc 20 giờ 41 phút 28 giây (giờ Hà Nội) ngày 22/10/2012 một trận động đất có độ lớn 4.6 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (15.329 độ vĩ Bắc, 108.153 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 7 km. Động đất xảy ra trong khu vực địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo đánh giá động đất gây nên rung động cấp 6 (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh.

Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, PGS Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Trận động đất tối 22/10 là động đất kích thích, nằm trên một đới đứt gãy giữa hệ thống đứt gãy Trà My và đứt gãy Trà Bồng. Việc xác định thuộc đứt gãy nào cần phải xem xét thêm, nhưng thông thường người ta hay gán cho đới đứt gãy gần nhất, có vẻ là đứt gãy Trà My”.

Lý giải động đất mạnh nhất ở Sông Tranh - 1

Bản đồ tấm chấn động đất ngày 22/10

Theo PGS Nguyễn Hồng Phương, nguyên nhân động đất phát sinh do việc tích nước vào hồ chứa, xảy ra các chuỗi động đất sau tích nước hồ chứa. Nó sẽ tăng dần lên đến độ lớn nhất định, đến lúc nào đó sẽ giảm dần và mất dần sau một vài năm. Đó cũng là quy luật của động đất kích thích.

TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết: Động đất gây nên rung động trên cấp 5 đã có thế gây nguy hiểm cho con người và tài sản. Trận động đất tối 22/10 theo đánh giá gây nên rung động cấp 6 ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh. Với rung động cấp 6 có thể gây nứt nhà, rơi đồ vật từ trên cao xuống, gây nguy hiểm. Do trận động đất xảy ra vào buổi tối qua, đến nay chưa thể thống kê được mức độ thiệt hại.

“Với đà này, động đất sẽ còn tiếp diễn ở khu vực Sông Tranh, tuy nhiên độ lớn của nó có tăng hay giảm thì không ai nói chính xác được. Nhưng sẽ còn những trận động đất tiếp theo, chỉ có điều xảy ra giờ nào, độ lớn bao nhiêu không dự báo chính xác được”, PSG Nguyễn Hồng Phương cho biết.

Trước đó, ngày 19/10, Viện Vật lý địa cầu đã khánh thành trạm quan trắc động đất đầu tiên ngay dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2. Đây là mạng trạm quan trắc đầu tiên ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 hòa mạng trạm địa chấn quốc gia. Khi có động đất xảy ra, trạm quan trắc động đất này sẽ truyền ngay tín hiệu ra Viện Vật lý địa cầu ở Hà Nội, từ đó sẽ xử lý thông tin và nơi đây sẽ phát tin cảnh báo cho người dân biết. Trước đây, do các trạm trạm quan trắc được đặt ở Bình Định và Huế ở cách xa đập thủy điện Sông Tranh 2 hàng trăm km. Tuy nhiên, trận động đất tối 22/10, có thông tin trạm quan trắc mới được đưa vào sử dụng nhưng truyền tín hiệu chậm.

Liên quan đến trạm quan trắc động đất này, PSG Nguyễn Hồng Phương cho biết, các số liệu từ trận động đất tối 22/10 được lấy từ các nguồn trạm quan trắc mới, mạng lưới trạm quốc gia, số liệu gia tốc nền của đập thủy điện. Nói chung, số liệu được lấy từ nhiều nguồn để có kết quả chính xác.

Vị chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu khuyên người dân có biện pháp phòng chống sát thương ngay trong nhà, trong trường hợp khẩn cấp chui ngay xuống gầm bàn hoặc gầm giường. Nếu kịp thời, nên chạy ra khỏi nhà, đến những khoảng đất trống.

Dân Quảng Ngãi cũng tá hoả vì động đất

Người dân ở hai huyện miền núi Ba Tơ và Tây Trà của tỉnh Quảng Ngãi cũng một phen hốt hoảng khi bất thình lình xuất hiện hiện tượng rung lắc liên quan đến động đất xảy ra vào tối ngày 22/10 tại Quảng Nam.

Ông Hồ Văn Thanh, trưởng thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà cho biết: Khoảng 20 giờ 40 phút tối 22/10, hàng trăm người dân trong thôn đang dự cuộc họp thì nghe một tiếng nổ lớn, sau đó thấy hiện tượng rung lắc. “Lúc đó, các cửa sổ cửa chính, mái tôn, lá cờ trang trí ở nhà sinh hoạt cộng đồng thôn đều rung và đung đưa, nhiều người đang ngồi gần vách nhà đều bị giật đẩy vào vách, mọi người hoảng hốt chạy ra ngoài", ông Thanh kể.

Ông Hồ Văn Lập, Phó chủ tịch UBND xã Trà Phong cho biết, hiện tượng rung lắc nói trên xảy ra ở cả 3 thôn của xã gồm Trà Nga, Trà Niu và Gò Rô.

Tại huyện Ba Tơ cũng xảy ra hiện tượng tương tự ở xã Ba Nam vào cùng thời điểm nói trên.

Võ Hoàng Uyên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN