Lý do trưởng Ban Nội chính Đồng Nai bị kỷ luật

Sự kiện: Thời sự

Ông Hồ Văn Năm đã can thiệp vào hoạt động tố tụng một số vụ án mà người thân của ông hoặc của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là bị can.

Ngày 10-9, tại Hà Nội, Ban bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Hồ Văn Năm (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai). Ban bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020 và trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai; đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét để ông thôi làm ĐBQH khóa XIV.

Can thiệp vào quá trình tố tụng

Ban bí thư kết luận ông Hồ Văn Năm đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thực hiện không đúng nhiệm vụ, can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án, vụ việc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, của các cơ quan tiến hành tố tụng, của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và cá nhân ông.

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, ông Hồ Văn Năm đã vi phạm một số vụ án hình sự khi làm viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, cuối năm 2011, Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang nhiều cán bộ Trường Trung cấp nghề Giao thông tỉnh Đồng Nai nhận hối lộ trong việc sát hạch thi bằng lái xe. Trong những người bị bắt có Hồ Văn S. (nhân viên tổ sát hạch) là em trai của ông Năm.

Vụ án thuộc thẩm quyền thụ lý của VKSND tỉnh Đồng Nai nhưng sau đó lại chuyển cho VKSND TP Biên Hòa thụ lý. Sau đó, VKSND TP Biên Hòa đình chỉ vụ án do hai cơ quan đùn đẩy trách nhiệm xử lý và vụ án đã bị “chìm xuồng”.

Ngoài ra, khi được chuyển sang giữ chức vụ trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Năm còn có trách nhiệm trong một vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trong vụ án chém nhau xảy ra vào ngày 10-1-2016 tại phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) mà hậu quả là những người tham gia bị thương tích với tỉ lệ 43%-54%. Sau đó cơ quan tố tụng truy tố các bị can tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng nhưng các bị cáo chỉ bị tuyên với mức án bằng với thời gian bị tạm giam.

Đặc biệt, trong vụ chém nhau này, Nguyễn Huỳnh L. (người thân của một lãnh đạo cấp cao tỉnh Đồng Nai) tham gia trực tiếp vụ án lại được miễn trách nhiệm hình sự. Có sự tha bổng bất thường cho bị can có tiền án này là do ông Năm đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan tố tụng của TP Biên Hòa, lấy tư cách trưởng Ban Nội chính có ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào quá trình tố tụng.

Hiện trường nơi xảy ra vụ án chém nhau và sau đó ông Hồ Văn Năm lấy tư cách trưởng Ban Nội chính chỉ đạo trực tiếp vào quá trình tố tụng vụ án. Ảnh nhỏ: Ông Hồ Văn Năm. Ảnh: V.NG

Hiện trường nơi xảy ra vụ án chém nhau và sau đó ông Hồ Văn Năm lấy tư cách trưởng Ban Nội chính chỉ đạo trực tiếp vào quá trình tố tụng vụ án. Ảnh nhỏ: Ông Hồ Văn Năm. Ảnh: V.NG

Chỉ đạo đình chỉ án mà không xin ý kiến

Khi giữ chức vụ trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, ông Năm tiếp tục có những can thiệp vào một vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Từ năm 1985 đến 1986, Trạm trồng rừng Biên Hòa (nay là Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa) được giao 314 ha đất tại phường Long Bình để trồng rừng nhưng trạm đã buông lỏng quản lý, để dân lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép mất gần 30 ha.

Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2006 đến tháng 5-2013, khu vực này có 206 trường hợp xây dựng nhà xưởng trái phép và trong 119 trường hợp được công an mời làm việc ghi biên bản thì Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa và xã UBND Long Bình chỉ lập biên bản 19 trường hợp.

Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng VKSND TP Biên Hòa không phê chuẩn và sau đó yêu cầu Công an TP Biên Hòa đình chỉ điều tra do đã hết thời hạn.

Trong vụ này, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đã có chỉ đạo xử lý nhưng giữa các cơ quan tố tụng không thống nhất được quan điểm. Ông Năm với tư cách trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đã dự cuộc họp với Thành ủy Biên Hòa, trực tiếp có ý kiến chỉ đạo Công an TP Biên Hòa không mở rộng điều tra, đình chỉ điều tra vụ án mà không báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai.

Ông Hồ Văn Năm khi còn là viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai còn thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát một số vụ án lớn như vụ bắt giam, truy tố oan sai đối với Nguyễn Tấn Đại vào năm 2005 về tội hiếp dâm trẻ em. Đến năm 2016, VKSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi, bồi thường 370 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Năm bị Ban bí thư xác định là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thực hiện không đúng nhiệm vụ, can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án, vụ việc.

Trong thời gian giữ cương vị bí thư Ban cán sự đảng, viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai, ông chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của VKSND tỉnh Đồng Nai trong chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án, vụ việc không đúng quy định pháp luật.

Với cương vị trưởng đoàn ĐBQH, ông đã ký văn bản không đúng quy định của pháp luật, có biểu hiện can thiệp vào hoạt động của cơ quan chức năng giải quyết vụ án hình sự.

Vi phạm, khuyết điểm của ông Hồ Văn Năm là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, của các cơ quan tiến hành tố tụng, của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và cá nhân ông, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. 

Kỷ luật cách chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Nai

Sau khi xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Hồ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĂN NGỌC ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN