Luật thuế thu nhập cá nhân: Đổi vẫn lỗi thời

Nội dung dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có thực sự đã “khoan sức dân” như Bộ trưởng Tài chính nói?

Giảm trừ gia cảnh: Lỗi thời

Dự thảo sửa đổi trước đó đã tập trung vào 4 điểm lớn: mức giảm trừ gia cảnh; biểu thuế lũy tiến từng phần; phạm vi - đối tượng chịu thuế và các quy định về quyết toán thuế, quản lý thuế.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao trong 4 năm trở lại đây. Bộ Tài chính đề xuất để Chính phủ trình Quốc hội nâng mức giảm trừ từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng (tương đương 72 triệu đồng/năm) cho bản thân người nộp thuế.

Với người phụ thuộc, mỗi cá nhân sẽ được giảm trừ 2,4 triệu thay vì 1,6 triệu đồng/tháng hiện nay.

Trao đổi với PV, TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu QH cho rằng việc “fix” một con số cố định là cách làm cứng nhắc. Ông Ngân lưu ý nếu áp mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân 6 triệu đồng/tháng ngay đầu năm 2013 thì sẽ hợp lý, còn để đến 2014 mới áp dụng thì đã lạc hậu.

Luật thuế thu nhập cá nhân: Đổi vẫn lỗi thời - 1t

Giảm trừ gia cảnh không nên dùng con số cố định trong Luật. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Theo tôi Bộ Tài chính có thể căn cứ vào lương tối thiểu. Ví như năm 2014 theo đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 và cách tính mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế bằng 6 lần lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp thì cứ theo đề án điều chỉnh tăng lương mà áp vào, điều này sẽ tránh cho Chính phủ phải lấy ý kiến Quốc hội nhiều lần nếu con số đó trở nên lỗi thời”, ông Ngân nói.

TS Cao Sỹ Kiêm lại cho rằng nên tính toán chỉ số giá tăng lên bao nhiêu phần trăm thì mức khởi điểm này cứ thế mà tăng lên. “Việc quy định cứng nhắc một con số nhất định sẽ rất nhanh lạc hậu, lại phải điều chỉnh. Mỗi lần điều chỉnh lại phải thông qua Quốc hội rất mất thời gian”- ông Kiêm nhận xét.

Lợi cho người nước ngoài

Biểu thuế lũy tiến từng phần được Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi theo hướng khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi, thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc.

Vì vậy, 7 bậc thuế (từ 5 đến 35%) hiện nay sẽ rút xuống còn 6 bậc (loại bỏ bậc cao nhất 35%). Thuế suất cao nhất áp dụng là mức 30% cho thu nhập từ 52 triệu trở lên.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, việc điều chỉnh này đã tính tỷ lệ động viên và khoan sức dân. “Mọi phần bậc thuế đáng lẽ phải nộp ở bậc cao giờ được chuyển xuống nộp ở bậc thấp. Qua đó sẽ giảm được sức dân, giảm động viên ngân sách ở giảm trừ gia cảnh bằng cách giãn khoảng cách của các biểu thuế” - ông Huệ nói.

Thực tế, phân tích từ nhiều chuyên gia cho thấy việc bỏ đi một bậc thuế suất 35% không quan trọng bằng giãn biểu thuế suất. Theo bà Đỗ Thị Thìn, nguyên trưởng ban thuế TNCN, Tổng cục thuế thì thay vì bỏ bậc thuế này đi Bộ Tài chính nên tăng độ giãn cách giữa các bậc thuế của Việt Nam lên khoảng 25 đến 30 lần.

Hiện Việt Nam mới ở mức 17 lần trong khi các nước Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Philippines lần lượt là 27, 40, 53, 50.

Ngoài ra, điều kiện để được xét là người phụ thuộc khi có thu nhập không quá 500.000 đồng/tháng là mức quá thấp so với nhu cầu sống tối thiểu hiện nay và cần nâng lên tối thiểu là 1 triệu đồng/tháng.

Theo bà Thìn, mức thuế suất 35% dành cho thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng tức là trên 960 triệu đồng/năm. Thực tế nhiều người có thu nhập trên mức này chủ yếu là người nước ngoài.

“Biểu thuế lũy tiến từng phần càng chi tiết nhiều bậc thì đảm bảo mức điều tiết tăng dần đều, thực hiện chính sách công bằng. Hiện nay với áp dụng công nghệ tin học biểu thuế có nhiều bậc cũng không ảnh hưởng phức tạp đến việc tính toán xác định số thuế phải nộp.

Chương trình hỗ trợ kê khai sẽ giúp chúng ta chỉ việc điền thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, thuế đã khấu trừ trong năm, chương trình sẽ tự động tính ra số thuế phải nộp”- bà Thìn khẳng định.

Mặc dù có thông tin Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo dự Luật thuế TNCN sửa đổi với quan điểm giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng/tháng cùng việc bỏ bậc thuế suất cao nhất 35%, tuy nhiên, chiều 4-6, trao đổi với PV, một số nguồn tin trong Bộ này lại tỏ ý e ngại.

Có ý cho rằng hiện Bộ vẫn đang nghiên cứu, tổng hợp để chuẩn bị trình Thủ tướng dự thảo.

Có ý kiến lại nói Bộ sẽ không có bất cứ phát ngôn nào cho đến khi Thủ tướng có ý kiến.

Trước câu hỏi về thông tin tổng hợp cho dự thảo, đại diện Bộ Tài chính chỉ thừa nhận là có rất nhiều ý kiến nhưng từ chối không trả lời đã “tiếp thu” gì.

KM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Minh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN