Luật sư kiến nghị xác định lại tư cách tố tụng trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng

Luật sư Nguyễn Thành Công đã kiến nghị TAND TP.HCM xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông Nguyễn Đức Hiển với tư cách là bị hại trong vụ án.

Ngày 31-8, Luật sư Nguyễn Thành Công, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Đức Hiển đã có văn bản gửi HĐXX kiến nghị xem xét lại tư cách tham gia tố tụng trong vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do bị cáo Nguyễn Phương Hằng cùng đồng phạm thực hiện.

Theo đó, LS Công kiến nghị tòa xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông Hiển vì cho rằng theo quy định thì ông Hiển phải được xác định là bị hại trong vụ án (toà xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).

Cụ thể, khoản 1, Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra và thiệt hại này là khách thể trực tiếp của tội phạm thì cá nhân đó được xác định là bị hại trong vụ án.

Trong vụ án này, tại bản cáo trạng đã xác định bà Nguyễn Phương Hằng đã có các phát ngôn thông tin bịa đặt, sai sự thật; có nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tin, danh dự cá nhân của ông Nguyễn Đức Hiển.

Bà Nguyễn Phương Hằng trong một lần livestream. Ảnh: PLO

Bà Nguyễn Phương Hằng trong một lần livestream. Ảnh: PLO

Cạnh đó, tại kết luận giám định của Sở TT&TT tỉnh Bình Dương và Sở TT&TT TP.HCM cũng đã xác định những phát ngôn của bà Hằng có chứa nội dung xúc phạm, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức.

Từ đó, hành vi phạm tội của bà Hằng đã tác động trực tiếp, gây thiệt hại cho ông Hiển.

Ngoài ra, LS bảo vệ cho ông Hiển cũng cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là một trong ba đối tượng trực tiếp của tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” hướng đến.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu một cá nhân bị hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp thì cá nhân đó phải được xác định là bị hại của vụ án. Nội dung này cũng thỏa mãn quy định ở khoản 1, điều 62 BLTTHS về Bị hại đó là “cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần”.

“Nếu xác định ông Hiển là Người liên quan thì đã tước đi các quyền liên quan trực tiếp đến bị cáo mà Bị hại mới có như quyền xem xét về hành vi, quyền đề nghị hình phạt, quyền kháng cáo đối với phần nội dung liên quan đến trách nhiệm hình sự của bị cáo”- bản kiến nghị nêu.

Từ các căn cứ trên, LS đề nghị HĐXX xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông Nguyễn Đức Hiển với tư cách là bị hại trong vụ án.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.HCM đã triệu tập ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) cùng các ông/bà: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM), bà Trương Thị Việt Hà, Nguyễn Đình Kim đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Phiên tòa dự kiến diễn ra vào hai ngày 21 và 22-9, do thẩm phán Bùi Đức Nam làm chủ tọa. Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) bào chữa cho bà Hằng.

Bị cáo Đặng Anh Quân có ba luật sư bào chữa là Nguyễn Ngọc Lâm (Đoàn LS tỉnh Quảng Ngãi); Nguyễn Tri Thắng và Lê Thị Quỳnh Anh (cùng Đoàn LS TP.HCM).

Nguồn: [Link nguồn]

Ấn định ngày xét xử bà Nguyễn Phương Hằng

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhiều ca sĩ, người nổi tiếng được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án đều được triệu tập đến toà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hữu Đăng ([Tên nguồn])
CEO Nguyễn Phương Hằng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN