Lô gỗ sưa trăm tỷ ở Hà Nội vẫn ế sau gần 3 năm chặt hạ

Sự kiện: Cây sưa

Trải qua 4 lần đấu giá, lô gỗ sưa vẫn chưa tìm được chủ nhân mới, trong khi chưa thể ấn định thời gian đấu giá lần 5 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ vẫn cất giữ trong thùng container sau gần 3 năm chặt hạ. Ảnh chụp tháng 4/2021.

Lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ vẫn cất giữ trong thùng container sau gần 3 năm chặt hạ. Ảnh chụp tháng 4/2021.

Trao đổi với PV, ông Vũ Minh Giới (73 tuổi) - Chi hội phó Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), một trong 4 người giữ chìa khóa mở chiếc container cất giữ lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ cho hay, đã qua 4 lần đấu giá nhưng số gỗ sưa vẫn chưa thể bán.

“Lần gần nhất dự định tổ chức đấu giá lần 5 là khoảng tháng 7/2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa thể tổ chức. Có lẽ, sớm thì cũng phải ra Giêng mới tổ chức đấu giá tiếp được”, ông Giới chia sẻ.

Ông Giới là người được thôn cắt cử ngủ tại nhà văn hóa để ngày đêm trông giữ lô gỗ sưa. Ông bảo, thời gian đầu mới chặt hạ còn có nhiều người về xem, hỏi mua, chứ gần đây do dịch bệnh nên ít người gọi điện hoặc hỏi thăm về lô gỗ sưa.

Số gỗ sưa vẫn được cất giữ trong thùng container để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính. 4 chìa khóa mở thùng được giao cho 4 người khác nhau trong thôn nắm giữ. Người dân thống nhất, nếu số gỗ sưa đấu giá thành công, số tiền thu về sẽ không chia nhau mà để dùng vào việc tu bổ các công trình phúc lợi trong thôn.

Ông Giới cho biết thêm, hiện nay, sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính đang được sửa chữa, đổ đất nâng nền cao khoảng hơn 1m so với nền cũ. Thùng container cất giữ số gỗ sưa đã được chuyển đến vị trí mới, nhưng vẫn nằm ở trong sân nhà văn hóa.

Số tiền bán sưa sẽ được người dân thôn Phụ Chính dùng để tu bổ các công trình phúc lợi trong thôn. Ảnh chụp tháng 4/2021.

Số tiền bán sưa sẽ được người dân thôn Phụ Chính dùng để tu bổ các công trình phúc lợi trong thôn. Ảnh chụp tháng 4/2021.

Theo một số người buôn gỗ, sở dĩ lô gỗ sưa ở thôn Phụ Chính “ế chỏng chơ” là vì giá quá cao. Thời điểm này, cơn sốt gỗ sưa đã hạ nhiệt. Bên cạnh đó, việc mua bán, tiêu thụ mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc, mà trong thời điểm dịch bệnh nên chẳng ai dám mạo hiểm bỏ ra số tiền lớn để “ôm” lô gỗ sưa này.

Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính có hai cây sưa quý hiếm, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.

Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho một cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng. Đến tháng 10/2018, thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550 kg đến hơn 2.000 kg, đồng thời đưa ra mức giá khởi điểm cho nhóm gỗ đặc biệt là 32 triệu đồng mỗi kg, còn loại gỗ gốc nhỏ, rễ thì hơn 6 triệu đồng mỗi kg.

Trải qua 4 lần đấu giá không có người mua, người dân thôn Phụ Chính thống nhất tiếp tục giảm giá bán lô gỗ sưa. Ban đầu, số gỗ sưa được người dân định giá khoảng 146 tỷ, sau giảm xuống còn 138 tỷ đồng. Dự kiến, lần 5 sắp tới, người dân có thể hạ giá xuống còn khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy, so với mức giá đưa ra ở lần đấu giá đầu tiên, lô gỗ sưa đã giảm gần 30% giá trị.

Nguồn: [Link nguồn]

Lô gỗ sưa ”trăm tỷ” chưa thể tổ chức đấu giá lần 5

Ông Đinh Văn Lai, trưởng thôn Phụ Chính mới đây cho biết việc đấu giá lô gỗ sưa trăm tỷ của thôn Phụ Chính lần thứ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Cây sưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN