Lao động sang Hàn sẽ phải ký quỹ bảo lãnh

Hôm qua, 23/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tới đây người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ phải ký quỹ bảo lãnh.

Đây là một trong những biện pháp chính nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm thêm, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện nay.

Cụ thể, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ ban hành chính sách mạnh tay nhằm ràng buộc trách nhiệm của người lao động và gia đình họ như chính sách ký quỹ, bảo lãnh đối với NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc; yêu cầu người lao động và gia đình cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật hai nước; những địa phương có nhiều lao động hết hạn hợp đồng không về nước sẽ giảm giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động…

Thậm chí, nếu tình hình chưa được cải thiện, Bộ sẽ đề nghị các địa phương tiếp tục tạm dừng ở một số huyện, nếu cần có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng tuyển chọn ở một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao tại Hàn Quốc. Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để có biện pháp xử lý đối với cá nhân người lao động vi phạm.

Trước thông tin người lao động chia sẻ rằng họ bị thu phí quá cao để sang Hàn Quốc làm việc, với số tiền lên tới 300 triệu đồng. Khi hết hạn hợp đồng, thu nhập của người lao động chỉ vừa đủ để trả các chi phí bỏ ra ban đầu nên họ phải trốn ra ngoài làm chui, kiếm thêm tiền mang về cho gia đình. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhận định bà không đồng tình với quan điểm này, bởi đây chỉ là những lý do biện bạch cho việc không tuân thủ những quy định pháp luật hai nước, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, tư cách của người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.

Bà Chuyền nhấn mạnh Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) là chương trình phi lợi nhuận, được đánh giá cao và là chương trình công khai, minh bạch, chi phí thấp. Theo quy định của Hàn Quốc, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc chỉ phải chịu các chi phí trước khi đi với tổng cộng là 630 USD (bao gồm tiền vé máy bay, lệ phí visa, chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tuyển chọn và xử lý hồ sơ của người lao động). Ngoài ra, người lao động phải mang theo 500 USD sang Hàn Quốc để mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương (khoản tiền này sẽ được hoàn trả lại cho người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động về nước).

“Những nội dung này đã được Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều năm nay để tất cả người dân đều có thể nắm được. Tuy nhiên, nhiều lao động có tâm lý nôn nóng, muốn được xuất cảnh sớm, nên dễ bị các cá nhân xấu lợi dụng để lừa đảo” bà Chuyền nói.

Nữ Bộ trưởng cũng khẳng định tỷ lệ người lao động Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã lên tới 50% (trong khi tỷ lệ này tính bình quân cho tất cả các nước cung ứng lao động sang Hàn Quốc là 21%), là nguyên nhân khiến phía Hàn Quốc tạm thời ngừng ký kết thỏa thuận cung ứng lao động với Việt Nam để hai bên phối hợp giải quyết sự việc. “Trong thời gian này, phía Hàn Quốc tạm thời chưa giới thiệu lao động mới cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Tuy nhiên, lao động về nước đúng thời hạn vẫn được tiếp tục sang làm việc tại Hàn Quốc” Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN