Lao động chui ở Nga: Kiếp "tù đày"

Nếu không chứng kiến thì thật khó để tin rằng cuộc sống của người lao động chui ở Nga không khác gì địa ngục, mất tự do như đi tù. Đã vậy, mỗi khi nghe có tin báo công an đến là chạy tan tác như vịt, tìm được chỗ nào trốn được là chui ngay vào.

Địa ngục trần gian

Qua lời kể của chị Dương Thị Tâm ở Phố Nối, Hưng Yên, 3 năm làm việc bên Nga của chị là 3 năm sống như địa ngục ở xứ người. Ngày trở về, khi thấy người thân ra đón ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) chị đã phải giấu những giọt nước mắt. “Lúc đó, tôi muốn được khóc òa như một đứa trẻ cho bõ những ngày ngóng chờ trở lại quê hương”, chị Tâm nói.

Theo dòng hồi ức của chị Tâm, những ngày đầu tiên sang xứ người, chị được thông báo về khoản nợ và trừ dần vào tiền lương hàng tháng. Ở Nga có nhiều xưởng may chui, vì nếu chủ xưởng đăng ký mở hợp pháp thì phải chịu rất nhiều quy định chặt chẽ của pháp luật, từ chuyện thuế, phí, thuê nhân công, trả lương, bảo hiểm... sẽ mất rất nhiều tiền. Do vậy, nhiều xưởng may chui đã ra đời, thuê người làm bằng cách lừa những người nghèo, ít hiểu biết từ Việt Nam sang làm chui. Đương nhiên, lương và quyền lợi của người lao động tùy thuộc chủ lao động trả sao hưởng vậy, họ không có quyền chọn lựa.

Chị  Tâm cho biết, những công ty chui thường thuê tầng hầm các tòa nhà để làm xưởng, đồng thời làm chỗ ở cho nhân công. Sở dĩ họ phải thuê tầng hầm là để tránh sự nhòm ngó của cảnh sát Nga. Vì thế, lao động chui ở các xưởng may này đều phải làm việc, ăn ở dưới tầng hầm, cả tháng không thấy ánh sáng mặt trời. Họ phải làm việc tối thiểu 12 giờ/ngày, có thể nhiều hơn và không có ngày nghỉ. Cửa ra vào luôn bị khóa chặt để đề phòng trừ cảnh sát ập đến. Nhưng tầng hầm lại có hạn chế là ít lối thoát, khi công an ập đến thì không có đường chạy nên sau này, nhiều xưởng may chui lại thuê trên mặt đất để dễ bề chạy trốn.

Cực khổ nhất của người lao động chui là thường xuyên phải chạy công an. Chị Tâm nhớ có lần đang ăn cơm, nghe tin báo có công an là cứ thế chạy, chạy vắt chân lên cổ, như chạy loạn rồi có chỗ nào nấp được là chui ngay xuống, không cần biết đó là thùng rác hay cống nước... Nếu cảnh sát Nga bắt được sẽ bị tạm giữ, phải nộp tiền phạt rồi bị trục xuất về nước. “Chúng tôi lúc nào cũng sống trong lo sợ, bất an, mặc dù bọn chủ xưởng có nói rằng đã bỏ tiền ra "bao" cảnh sát”, chị Tâm kể.

Còn anh Vũ Văn Sơn ở Chí Linh, Hải Dương có thời gian 3 năm (từ 2008 đến 2011) làm việc cho xưởng may ở Nga lại cho biết về nỗi khổ khác của lao động chui: "Chủ lao động thường biết điểm yếu của công nhân như không có giấy tờ tùy thân, không biết tiếng Nga, không có tiền, cuộc sống phụ thuộc vào họ. Vì thế, họ đối xử thế nào mình cũng không dám kêu ca. Trước khi đi thỏa thuận sang làm việc được trả lương “10 tờ” nhưng qua đây rồi họ chỉ trả có 3 tờ/tháng (tức 300 USD). Cuối tháng lĩnh lương, trừ chi phí ăn ở cũng gần hết, còn thừa đồng nào sẽ bị trừ vào tiền nợ làm thủ tục ban đầu".

Theo lời chị Tâm, có ông chủ còn vài tháng mới trả lương một lần, lại có người quỵt lương công nhân rồi bỏ trốn để họ bơ vơ nơi xứ người.

Anh Dương Văn Tuấn ở Phố Nối, Hưng Yên chia sẻ câu chuyện về thời gian 1 năm làm công nhân bốc hàng ở Nga. Anh Tuấn cho biết, không chỉ anh mà nhiều người Việt Nam sang Nga rất sợ cái lạnh, có khi âm đến vài chục độ và hầu hết họ đều mắc căn bệnh viêm xoang. Thế nhưng, trừ khi ốm liệt giường, chứ còn đi lại được là họ phải đi bốc hàng. Hồi anh mới sang, có lần đang cùng mọi người bốc hàng, thấy công an đến, tất cả chạy tán loạn. Người quen đưa sang bị bắt, vậy là một mình anh Tuấn bơ vơ nới xứ người. Những ngày đầu, tiền không có, lại không quen ai, anh Tuấn phải đi xin ăn, ai cho cái gì ăn cái đó. Trời rét âm 14 độ mà trên người có mỗi chiếc áo mỏng. Anh Tuấn tâm sự: Ăn đói mặc rét, chủ bị bắt, một mình nơi xứ người lương cao, việc ổn định đâu không thấy suốt ngày sống chui lủi, người ốm o bệnh tật. Có lúc tôi nghĩ quẩn có khi mình bỏ mạng nơi xứ người. Cũng may, sau nhà ở nhà bán đất có tiền gửi sang rồi tôi về được, hôm về nước quà cho bố mẹ, gia đình chỉ toàn kẹo là kẹo.

Chuyện đánh đập người lao động cũng không phải là hiếm, bạn chị Tâm làm ở xưởng may có lần chốn ra ngoài để chạy đến chỗ người thân kêu cứu, bị bảo vệ bắt lại và đánh đập dã man. Nếu mắc lỗi bị trừ lương vô tội vạ, uất ức nhưng không dám kêu ai. Chuyện bệnh tật ghẻ nở, hắc lào do môi trường sống như cơm bữa, khổ nhất là chị em phụ nữ làm trong các xưởng may dưới hầm, phần lớn mắc các bệnh phụ khoa.

Đi Tây không bằng làm ruộng

Chúng tôi tiếp tục tìm về thôn Lương Quan, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh (Hải Dương), quê nhà chị Nguyễn Thị Liệu, nạn nhân chết trong vụ cháy ở Nga. Theo những  người dân ở đây, vùng này có nhiều người đi xuất khẩu lao động sang Nga bằng con đường bảo lãnh, du lịch... rồi ở lại đó làm ăn.

Khá vất vả chúng tôi mới tìm được nhà chị Liệu bởi ở đây đất rộng, người thưa, nhà chị nằm trong ngõ sâu, đường ngoằn ngoèo. Chồng chị Liệu, anh Vũ Hồng Hà cho biết: "Nhà tôi đi lao động ở Nga từ năm 2010 qua sự giới thiệu của người quen bên nhà vợ. Nhiều lần tôi động viên để vợ về nhà, tiền bạc tôi sẽ vay mượn gửi sang để cô ấy mua vé máy bay nhưng nhà tôi không chịu. Cô ấy nói đã mất công đã sang rồi thì vất vả một chút cũng được chứ không chịu về tay không. Vợ chồng tôi bàn nhau, tết này vợ tôi về hẳn chứ vợ chồng con cái xa nhau mãi cũng không được, làm ăn chẳng kiếm được bao nhiêu. Tốt nhất cứ về quê mình chịu khó làm ruộng cũng đủ ăn".

Anh Hà cũng cho biết, mặc dù chị Liệu sang nước ngoài lăm ăn nhưng tiền bạc chẳng được bao nhiêu. Sau 2 năm sang Nga số tiền chị gửi về cho gia đình được 18 triệu đồng để nuôi con ăn học. Chúng tôi làm phép tính nhẩm, như vậy mỗi tháng làm việc, chị Liệu dư ra được chưa đến 800 nghìn đồng để gửi về quê. Bố chồng chị Liệu cũng cho biết, trong cuộc điện thoại gần nhất vào ngày 5/9 nhân dịp cô con gái bước vào lớp 7, chị Liệu có nhờ bố mẹ chồng nộp tiền học giúp, đến tháng chủ xưởng may trả lương rồi chị gửi tiền về sau.

Là hàng xóm và cũng là gia đình có con lao động ở Nga, chị Nguyễn Thị Thanh sang thăm hỏi gia đình chị Liệu. Trò chuyện với chúng tôi, chị Thanh cho biết : “Cứ nhà nào có một người sang rồi lại kéo theo người thân, bạn bè, anh em sang, có nhà cả họ sang bên đó đấy các chú ạ. Cháu nhà tôi cũng là lao động chui, làm việc cho xưởng may của các ông chủ người Việt. Cháu chỉ kể với tôi rằng, họ nuôi ăn ở ngay tại xưởng may, lương mỗi tháng được 4 triệu đồng, nhưng trả không đều. Cả năm nay còn không gửi nổi đồng nào về cho gia đình trả nợ".

Chị Dương Thị Tuấn, ở Phố Nối, Hưng Yên vừa từ Nga về nước sau những năm tháng làm lao động chui cực nhọc cho biết: "Ở Nga có nhiều xưởng may chui của các ông chủ người Việt mình lắm, làm ở đó lương không đủ sống, tính ra tiền Việt chỉ khoảng 3 đến 4 triệu đồng. Nhiều người làm vài tháng rồi còn bị quỵt tiền, không phải thiên đường như bọn môi giới nói đâu. Tôi cố gắng mấy năm trời mới tích cóp được tiền máy bay về nước, về đến quê nhà, nhìn thấy người thân mà muốn khóc. Lúc đầu tưởng sang đó làm giàu hóa ra không bằng làm ruộng ở quê mình".

----------------------------------------------

Đón đọc bài cuối: Lao động chui ở Nga: Bỏ mạng ở xứ người vào 15h00 thứ Hai, 24/9/2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN