Làng trôi giữa dòng Vu Gia
Ngược dòng Vu Gia, ngôi làng Đầu Gò như một chiếc đò trôi dập dềnh giữa ngã ba sông. Làng thuộc nơi thâm sơn cùng cốc của xã Đại Sơn (Đại Lộc, Quảng Nam).
Không ai biết làng bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng, nơi đây từng là căn cứ cách mạng, từng là nơi bao bọc những cán bộ chiến sĩ thoát khỏi vòng vây truy ráp quân thù.
Trải vạn biến thiên, làng như một chiếc xuồng bị nước đánh từ bên này sang bên kia. Muốn vào làng, phải trải qua 2 lần đò. Đến nay, làng vẫn không đường, không điện…
Học sinh của thôn Đầu Gò bên bến sông
Cô độc giữa dòng sông
Số phận làng Đầu Gò chẳng khác gì cuộc đời người đàn bà chèo đò đơn độc giữa dòng Vu Gia - bà Trần Thị Ca (75 tuổi). Đến tận bây giờ, ngoài việc mang máng trí nhớ của mình là có một mảnh đất cắm dùi ở Hà Tân (Đại Lãnh - Đại Lộc), bà Ca chưa bao giờ biết và cũng không dám mơ, mình có một ngôi nhà trên mặt đất. Con cái đông đúc hẳn hoi, bà vẫn không sống được với đứa nào. “Nghèo, chẳng sống được. Với lại ở đò quen rồi” - bà thủng thẳng mái chèo, chở tôi qua sông Vu Gia.
Con đò nhỏ bà Ca mỏng manh như chiếc lá tre, vượt qua ngã ba sông nước cuồn cuộn. Miền sơn cước Đại Lộc hiu hắt trong cái rét ngọt cuối năm. Toàn bộ cuộc mưu sinh của bà Ca nằm trọn trên chiếc ghe. 2 chiếc nồi, vài bộ quần áo, một chiếc chiếu và chăn mỏng. Ngoài chiếc ghe, tài sản lớn nhất mà bà có là một thẻo đất trỉa bắp, trồng đậu ở ven sông. Thẻo đất hơn trăm mét vuông ngày ngày bị teo lại như miếng da lừa bởi bờ sạt lở. Bà kể, sống lênh đênh trên sông từ nhỏ. Cách đây 6 năm chồng ngã bệnh, nhiều người xúi lên bờ sống với con, nhưng làm sao được. Nhà 6 đứa con gái, ai cũng nghèo rớt. Ở thôn Đầu Gò này, làm đủ ăn đã khó, còn nuôi ai. Thôi thì có làm có hưởng, ngày ngày qua lại dòng sông này, ai thuê gì làm đó. Mưa bão trở trời, bà Ca đưa con đò vào lánh tạm phía đuôi làng Đầu Gò, hết mưa lại ra giữa dòng.
Bà Ca sống trên thuyền
Nghề chính của bà là cuốc cỏ thuê, mỗi ngày kiếm khoảng 20 ngàn. “Đó là làm quần quật từ sáng đến tối, là lúc có việc mà làm, chứ ngồi không thì đói”. Chưa một ngày bà Ca nghĩ tới chuyện lên bờ. Chị Cúc, con gái bà ở ngay trong thôn Đầu Gò, lắc đầu khốn khổ: Số phận đã thế, đành chấp nhận. 6 chị em gái cùng với một anh con trai nhưng tất cả đều lo bươn chải. Tết đối với bà, có lẽ là một thứ gì quá xa xỉ. “Cả đời người tui nai lưng cực nhọc, chưa được một ngày an nhàn. Lấy chi mà tết với nhất. Như mọi ngày thôi”. Hình ảnh bà Ca, đơn độc mái chèo ở ngã ba sông Vu Gia, cũng chính là “avatar” của 2.437 người dân thôn Đầu Gò.
Lời khẩn cầu từ ngã ba Mõm Lợn
Đi từ Hà Tân (Đại Lãnh) ngược lên Đại Sơn, muốn vào làng Đầu Gò, phải qua 2 lần đò. Đầu Gò chính là nơi tận cùng của huyện Đại Lộc, nằm ngay giữa ngã ba sông Vu Gia, nơi hợp nhau giữa sông Cái (sông Đăkmi) và sông Bung (sông A Vương). Một quả đồi hình mõm lợn chĩa ra dòng sông cuồn cuộn đỏ ngầu. Người ta gọi là ngã ba Mõm Lợn.
Bà Hồ Thị Em (80 tuổi) là người gốc duy nhất của Đầu Gò còn sót lại. Bà cũng chính là pho sử sống của ngôi làng, chất chứa bao điều bí ẩn. Sau này, toàn người mới từ nơi khác di cư đến. Bà Em vẫn còn đủ minh mẫn để ngày ngày kể lại cho con cháu về gốc tích của làng, rằng hơn 100 năm trước, một người tên là Bếp Xứ lên đây khai khẩn lập làng. Xung quanh toàn đồi và gò nên lấy tên là làng Đồi Gò. Sau này, đọc chệch ra là làng Đầu Gò. “Cả vùng Đầu Gò - Đồng Chàm vẫn còn lưu truyền câu chuyện vua Gia Long chạy loạn trốn thoát quân Tây Sơn và dấu tích con đường Vua vẫn đang còn nơi đây. Thời cách mạng, Đầu Gò là căn cứ chiến khu, còn có tích đồi sim đánh Mỹ, có nhiều anh hùng dũng sĩ ngã xuống nơi đây” - bà Hồ Thị Em kể.
Để rồi, mỗi khi lũ về, anh Lê Văn Lộc, Bí thư chi bộ thôn cùng trưởng thôn chia nhau ra, một người trực canh điện thoại, người cầm loa chạy khắp xóm thông báo. Khổ thế nên lúc nào cũng không kịp trở tay.
“Mùa này mấy anh lên còn đỡ, trúng ngày mưa hoặc lúc lũ lụt thì thôi rồi. Cả thôn như quăng quật trong dòng nước. Bởi nằm ngay giữa ngã ba sông nên Đầu Gò bị nước cả hai dòng sông Cái và sông Bung nhấn chìm. Năm nào cũng vậy, cứ Đăkmi 4 xả lũ là A Vương cũng xả. Mà khi 2 cái này hợp lực thì bà con chỉ còn biết than trời” - Bí thư Lộc than thở. Anh Lộc lấy sổ ra, nào hoa màu, trâu bò, lợn gà… bị trôi sau mỗi lần xả lũ. “Ghi đủ cả, lần nào cũng nói lên Hội đồng nhân dân xã, được gì đâu. Lần này nghe nói tỉnh đang yêu cầu đền bù. Mong mấy ông thủy điện nghĩ cho dân một ít”.
66 hộ gia đình, ai cũng nghèo, và tiêu biểu nhất hẳn phải là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Yến. Một gian nhà tranh, 5 đứa con nhỏ cùng với một người cha chồng già cả, đau yếu. Chị Yến kể, bản thân gần như phải làm việc quần quật, từ đi rẫy, làm thuê nhưng mỗi ngày, nhà chỉ ăn 2 bữa. Riêng người lớn ăn một bữa. 2 năm trước, chồng chị đi rẫy bị rắn cắn chết, lâm vào cảnh đói kiệt, người con gái đầu lòng đành rời quê hương vào Sài Gòn làm công nhân. “Ở trong đó nó làm cũng chỉ đủ ăn, không dư được mà gửi về nuôi em. Chỉ thỉnh thoảng cho đôi ba trăm” - chị Yến kể. Còn mấy ngày nữa đến Tết, hũ gạo nhà chị Yến chỉ còn ăn được đôi ba bữa. “Ở đây làm chi có Tết chú. Lo ăn còn chưa xong”.
“Toàn dân là hộ nghèo, cách trở hai lần đò, không điện không đường thì y tế và học hành chính là hai nỗi lo lớn nhất của người dân”- Bí thư Lộc chia sẻ. Trong thôn có một trường mẫu giáo và một điểm trường tiểu học với 2 cô giáo. Hôm chúng tôi lên là ngày gần cuối tuần, trường lớp vẫn vắng hoe. Cô giáo đã ra trường lớn để họp tuần.
“Toàn dân là hộ nghèo, cách trở hai lần đò, không điện không đường thì y tế và học hành chính là hai nỗi lo lớn nhất của người dân”. Bí thư chi bộ thôn Lê Văn Lộc |
Chị Lê Thị Bích Ngọc - y tế thôn bản ở Đầu Gò, dẫn chúng tôi đến trạm y tế thôn, với 2 phòng nằm lút trong bãi cỏ hoang. Một chiếc giường sắt cũ kỹ, ngoài ra không còn thiết bị gì thêm. “Ở đây ai có việc gì kêu tới nhà, không việc gì đến trạm”. Có việc gì như chị Ngọc nói ở đây chỉ là việc đỡ đẻ. “Nghèo thế nhưng dân phải nói là ham đẻ. Nhà nào cũng 5- 6 đứa con, ít nhất phải 4 đứa. Mỗi lần sinh đẻ thì vất vả vô cùng. Năm rồi 2 trường hợp phải đẻ rớt trong thôn đấy”. Vì cách trở nên hầu như có bệnh tật gì mới chớm, bà con vội vã theo đò vào đất liền, tới thẳng bệnh viện. Theo chị Ngọc, nhờ thế nên mấy năm qua, giảm hẳn những cái chết tức tưởi như đau ruột thừa. “Ở đây toàn dùng nước từ trong núi chảy ra, mà là nước đá vôi. Cả làng có duy nhất cái giếng, nước đục ngầu vẫn phải dùng. Phụ nữ, trẻ em quanh năm bệnh vì không có nước sạch” - chị Ngọc kể.
Chỉ có 66 hộ dân, sống nơi xa xôi cách trở, sao không đề nghị cho di dời? Anh Lộc cười buồn: Cũng rất muốn, nhưng nói ra có ai thèm nghe. Họ bảo làng này có lịch sử trăm năm rồi, giờ chưa có kinh phí gì đó. Họ bảo dời thì dời đi đâu? Anh Lộc kể, làng như một chiếc thảm giữa dòng sông, cứ bị xô lệch về phía này, mấy chục năm sau lại đẩy sang phía kia. Người làng cứ thế mà lớn lên. Nói thẳng, may còn có nghề phá rừng mà kiếm sống.
Bà Trần Thị Ca lại chèo đò chở tôi qua sông trong không khí ảm đạm. Cầm ít tiền tôi biếu, bà ngỡ ngàng, bởi trong đời chưa bao giờ nhìn thấy tờ tiền nào to thế: Thế là tháng ni tui không lo tiền đong gạo. Bà vẫn không nghĩ rằng, tháng này đã là cuối năm, Tết cận kề rồi.
Vào làng, sau 2 lần đò, chỉ duy nhất cách đi bộ là “phương tiện” giao thông. Thống kê của Bí thư chi bộ thôn Lê Văn Lộc khiến tôi không khỏi buồn: 66 hộ dân thì có tới 45 hộ nghèo, số còn lại là cận nghèo. “Mà cũng thống kê cho vui thế thôi, ở đây ai cũng nghèo rớt. Đặc biệt vừa rồi, khi thủy điện Đăkmi 4 xả lũ làm 42 ha hoa màu của bà con trôi xuống sông. Giờ thì nhà nào cũng như nhau, đói rũ”. Nhà Bí thư Lộc khá hơn bà con chút đỉnh, là cửa hàng tạp hóa, bán mỳ tôm rượu gạo, nến và nước khoáng… Anh Lộc cũng là người duy nhất có điện thoại di động trong thôn, bởi may mắn thay, sóng Viettel chỉ “đậu” duy nhất một chỗ là ngay sát vách gỗ. Còn lại, cả vùng ngã ba sông mênh mông, mấy nhà mạng đều bặt tăm hơi. |