Làng... "siêu đẻ"

Với bình quân mỗi hộ gia đình 2 thế hệ có tới 6,1 người, làng Ea Luh được mệnh danh là làng “siêu đẻ” ở Tây Nguyên.

Ở tỉnh Gia Lai, làng Ea Luh cách trung tâm xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah chừng 2 km và cách TP Pleiku chưa đầy 20 km nhưng quanh năm đói nghèo.

Nhiều con quá không thể nhớ hết!

Chiều chạng vạng. Con đường đất đỏ chạy giữa làng Ea Luh bụi mù mịt vì hàng chục đứa trẻ chơi trò đuổi bắt, đá bóng.

Trong sân nhà, anh K’Pă Hon (SN 1974), trưởng làng kiêm công an viên, bế đứa con vừa tròn 1 tuổi. Vây quanh K’Pă Hon là mấy đứa trẻ quần áo lôi thôi, lem luốc đang nghịch đất. K’Pă Hon cho biết đám trẻ này đều là con của anh.

Làng... "siêu đẻ" - 1

Rất nhiều trẻ em của làng Ea Luh thất học, không việc làm và sẽ thành gánh nặng cho xã hội

K’Pă Hon rành rọt kể dân số trong làng: “Làng có 108 hộ dân, gần 700 khẩu. Trong đó có 312 trẻ dưới 16 tuổi, 124 trẻ dưới 6 tuổi”. Tuy nhiên, khi hỏi về các con, K’Pă Hon khá e dè: “Đứa con gái lớn nhất năm nay 19 tuổi, đang đi làm thuê ở thành phố. Một đứa học mẫu giáo. Một đứa học lớp hai. Một đứa… Ui! nhiều lắm không nhớ hết đâu”. K’Pă Hon nói đứa trẻ đang bế trên tay chưa chắc đã là con út. Vợ chồng anh chưa có ý định dừng lại, nếu có thai là cứ đẻ nữa. Ở làng này, nhà ai cũng đông con như vậy cả. Chị gái K’Pă Hon là K’Pă H’Non (43 tuổi) cũng đã có 7 đứa con. Đông con nhất là vợ chồng Bu và A Mon, mới 39 tuổi nhưng đã có 11 đứa con.

Người A Mon nhỏ thó, đen nhẻm, quần xộc xệch đang gắng sức kéo những gàu nước từ dưới giếng lên. Đứa bé địu sau lưng khóc thét. A Mon đỡ đứa bé từ lưng ra, ôm vào lòng rồi nhét vú vào miệng nó. A Mon bảo đứa bé mới sinh được 4 tháng, do phải theo mẹ đi làm nên giờ đang ốm, suốt ngày quấy khóc. Nhà nghèo, có tới 11 đứa con nên vợ chồng chị không có một ngày nghỉ ngơi. “Nhà không có rẫy. Vợ chồng tôi cùng làm thuê cho công ty chè, nếu nghỉ một ngày thì sẽ đói. Con còn nhỏ không ai coi nên mình phải mang nó đi theo thôi” - A Mon than thở. “Cán bộ có cung cấp bao cao su nhưng mình không dùng. Người trong làng phải theo tục của làng” - A Mon thật thà kể.

Chồng A Mon vừa đi đá bóng cùng trai làng về, biết chúng tôi tìm hiểu chuyện sinh đông con vội vàng “mời” ra khỏi nhà ngay vì không muốn ai hỏi đến chuyện con cái của mình.

Đẻ được là đẻ

Già làng Ea Luh không giấu giếm chuyện sinh nhiều con của dân trong làng. Già bảo ở làng này hơn 1/2 số hộ có 8 đứa con trở lên; còn 3, 4, 5 đứa thì nhiều lắm.

“Theo quan niệm của người dân tộc mình, con cái là tài sản quý. Ngày xưa sống ở trên núi cao, cuộc sống khó khăn, sinh con ra khó nuôi lắm. Vậy nên, cứ đẻ được là đẻ thôi, không kiêng cữ, kế hoạch gì hết” - già làng nói.

Ông Luyện Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Chư Pah, cho biết bình quân mỗi hộ dân ở làng Ea Luh có 6,1 người và thừa nhận “đây là một con số khá cao”. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã thực hiện 2 lần tuyên truyền công tác dân số tại làng Ea Luh. Để hiệu quả tuyên truyền được cao, ngoài việc tuyên truyền bằng tiếng Kinh, trung tâm còn dịch nội dung tuyên truyền sang tiếng địa phương nhưng vẫn không mấy tác dụng. 

Trời sinh voi mà không sinh cỏ

Đông con, cuộc sống khó khăn nên cha mẹ không thể chăm lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, đến tuổi lao động thì bỏ học lên rẫy hoặc đi làm thuê.

Ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, cho biết làng Ea Luh 100% là người dân tộc Xê Đăng, trong đó đa số là hộ nghèo. Làng được nhà nước đưa vào diện khó khăn. Già làng thì cho rằng làng nghèo là do tái định cư nên không có nhiều đất để trồng, cấy. Nhà nào nhiều thì được 5 sào đất, nhà ít chỉ 1-2 sào. Tỉnh, huyện cũng cấp cây giống, con giống cho người dân nhưng đất không có thì lấy gì để trồng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN