Lần đầu công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu

Sự kiện: Giá xăng

Ngày 9/7, Bộ Tài chính lần đầu công bố công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu. Số dư Quỹ đến hết ngày 30/6 là hơn 55 tỷ đồng.

Cụ thể, số dư quỹ bình ổn đến ngày 1/1/2013 đạt hơn 756 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số sử dụng quỹ đến hết tháng 6 là 2.932 tỷ đồng. Còn tổng số trích quỹ đến cuối tháng 6 là 2.231 tỷ đồng.

Như vậy, theo số liệu của Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết ngày 30/6/2013 là 55 tỷ đồng.

Số liệu trên vừa được Bộ Tài chính thông báo trong báo cáo về tình hình trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đến thời điểm tháng 6/2013.

Tại bản thông cáo phát đi ngày 9/7, Bộ Tài chính dẫn lời Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Quỹ bình ổn giá được trích lập vào một khoản tiền cụ thể nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu. Cho nên đòi hỏi công khai, minh bạch Quỹ này là một nhu cầu rất chính đáng”.

Lần đầu công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu - 1

Bộ Tài chính lần đầu công bố công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu (Ảnh minh họa: Người lao động)

Bộ Tài chính cũng cho rằng, công khai quỹ bình ổn giá, sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ cũng như giám sát việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Về cơ chế sử dụng quỹ, Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước, theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cũng theo Bộ Tài chính, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ. “Chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành; và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Liên Bộ có công văn chỉ đạo doanh nghiệp mới được sử dụng Quỹ bình ổn”, thông cáo ngày 9/7 cho biết.

Mức sử dụng quỹ không phải một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ quỹ binhg ổn, giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn.

Ví dụ: nếu không sử dụng quỹ thì ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán năm 2011, năm 2012 và năm 2013 (các thời điểm nhạy cảm thường có chỉ số CPI cao) đã phải điều chỉnh giá xăng dầu và mức giá phải điều chỉnh cao hơn nhiều; mặt khác nếu không có quỹ trong một số thời điểm sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Ngay trong những tháng đầu năm 2013, nếu không có công cụ quỹ thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao (có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013...).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN