Lại "nóng" kỳ thị vùng miền
Một số doanh nghiệp thông báo: không nhận lao động quê Thanh Nghệ Tĩnh, một số cá nhân lên mạng lập ra những hội như "Hội những người ghét dân Thanh Hóa" với những lời lẽ thô thiển, xúc phạm đến cả một cộng đồng người.
Trao đổi với Kiến Thức, GS.Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không thể chấp nhận được sự kì thị, phân biệt vùng miền.
Lên mạng xã hội, lập "Hội" kỳ thị vùng miền
Thời gian qua, dư luận xôn xao về vấn đề kỳ thị vùng miền cục bộ ở một số nơi, trong nhận thức lệch lạc của một bộ phận người. Đặc biệt, có thời điểm tại không ít khu công nghiệp ở Bình Dương, TP.HCM, nhiều công ty tuy thiếu lao động trầm trọng nhưng họ nhất quyết từ chối nhận hồ sơ của lao động nam người Nghệ An, Thanh Hóa vào làm việc. Thậm chí có công ty còn thẳng thừng treo bảng: “Không nhận nam Nghệ An, Thanh Hóa”.
Một số cá nhân kỳ thị vùng miền đến mức, khi tuyển người ở ghép cũng sẵn sàng đặt thêm điều lệ “Không phải quê Thanh Hóa”, thậm chí có cá nhân còn lên mạng xã hội Facebook lập trang “Tẩy chay người Thanh Hóa”.
Những trang kỳ thị vùng miền vẫn xuất hiện trên mạng xã hội.
Bao giờ mới hết phân biệt vùng miền?
Tưởng như sau khi có sự lên tiếng của các phương tiện truyền thông đại chúng, sự vào cuộc tích cực từ phía các cơ quan chức năng, tình trạng này sẽ chấm dứt. Nhưng thực tế, một số cá nhân vẫn bất chấp những quy định của pháp luật, có suy nghĩ hành động và nhận thức chủ quan, sai lệch, xúc phạm đến cả một cộng đồng người.
Hiện nay, cộng đồng mạng xã hội đang vô cùng bức xúc với một trang trang Facebook có tên “Hội những người ghét dân Thanh Hóa” vừa xuất hiện mới đây với những lời lẽ tục tĩu và kích động. Nghiêm trọng hơn, “Hội” này đã thu hút đến 2.600 thành viên, và có thời điểm có đến 11.000 người nói về vấn đề này.
Với “khẩu hiệu” hoạt động đầy tính kích động: “Đây là trang dùng để mọi người cùng nhau bàn tính, động viên nhau bài trừ bọn Thanh Hóa khỏi đất nước này để làm đất nước sạch sẽ hơn”. “Hội” này đã thu hút rất nhiều những comment (bình luận) thiếu văn hóa, xúc phạm mơ hồ đến cộng đồng người Thanh Hóa. Ngoài ra, trên mạng cộng đồng Facebook còn xuất hiện trang: “Hội những người ghét cay ghét đắng dân Thanh Hóa”, “Hội những người ghét dân Nghệ An”...
Sự tồn tại của những “Hội” trên đã khiến dư luận một lần nữa bức xúc, họ phẫn nộ khi vấn đề kỳ thị vùng miền đã được khá nhiểu cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng “mổ xẻ”, phân tích đúng sai. Nhưng thực tế, sự kỳ thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong tiềm thức của một bộ phận người.
Không thể chấp nhận được kỳ thị vùng miền
Trao đổi với PV, GS.Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không thể chấp nhận được sự kì thị, phân biệt vùng miền, dù trong suy nghĩ, nhận thức lệch lạc của một số người.
GS.Nguyễn Minh Thuyết
“Việc nói năng, viết lách mang hàm ý kỳ thị vùng miền là không thể chấp nhận được. Bởi nó không chỉ xúc phạm nhân phẩm người khác, thể hiện suy nghĩ lệch lạc mà còn xúc phạm đến cả cộng đồng lên đến hàng triệu người, từ những người già đáng kính đến các em thơ. Tiếc rằng, sự kém hiểu biết, kém văn hóa, có tâm không trong sáng, thiếu lương tri khi nhìn nhận về các vấn đề trong cuộc sống vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết
“Ở nước ngoài phân biệt vùng miền thường bị xử lý rất nặng, còn ở nước ta chỉ cấm kỳ thị về tôn giáo, dân tộc. Tuy không phải lúc nào cũng dùng đến luật và an ninh mạng nhưng việc thay đổi nhận thức lệch lạc này nên được điều chỉnh bằng chính cộng đồng mạng”, GS Thuyết nhận định.
GS Thuyết cũng cho rằng: “Muốn giảm thiểu tình trạng này, cần sự kết hợp của nhiều yếu tố, truyền thông, sinh hoạt đoàn thể, giáo dục thiếu niên từ bé, để người ta nhận thức đúng. Hơn nữa, bản thân mỗi công dân phải hành xử sao cho đúng để làm nổi lên nét đẹp của các vùng miền. Ngay ở địa phương phải đoàn kết, đi tứ phương cũng phải gắn kết, nhưng nên gắn kết để làm những việc tốt đẹp, để người khác nhìn vào cho đúng”.
Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học - Bộ Công an cho rằng: “Về lâu về dài, cần có những biện pháp giải quyết thực trạng này. Tất nhiên, chắc chắn là không thể nào xóa bỏ triệt để sự phân biệt vùng miền, nhưng phải làm sao để điều này không ảnh hưởng tới việc công, tới sự phát triển của đất nước, xã hội. Muốn làm được điều này thì phải khắc phục trước tiên từ cấp lãnh đạo. Chừng nào giới lãnh đạo vẫn còn phân biệt vùng miền thì không thể nào giải quyết được vấn đề này".
Kỳ thị vùng miền... là vi phạm pháp luật
Theo luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, bất kì ai kỳ thị, phân biệt vùng miền dù là ở ngoài đời hay trên mạng xã hội cũng đều vi phạm pháp luật.
“Ở mỗi vùng quê có những phong tục tập quán những nét đẹp văn hóa khác nhau. Người ở các vùng quê khác nhau nên tôn trọng nhau. Các hành vi lăng mạ, sỉ nhục hay kích động chia rẽ tôn giáo, dân tộc, vùng miền đều là phạm pháp. Mức xử phạt tùy theo hậu quả của hành vi đó gây ra. Trường hợp nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật”, LS Trần Đình Triển cho biết.
LS Trần Đình Triển
“Khi mạng xã hội xuất hiện những trang Facebook phân biệt vùng miền, các cơ quan pháp luật, an ninh mạng cần điều tra, tìm ra chủ nhân của trang Facebook ấy để xem xét tùy hành vi, mức độ mà xử lý hành chính hay hình sự. Trong một số trường hợp, cá nhân hay nhóm người nào đó lên mạng chửi mắng, lăng mạ người khác hoặc có hành vi kích động chia rẽ dân tộc, vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra làm rõ. Khi đã có đầy đủ bằng chứng cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể truy tố trước pháp luật theo Điều 87 Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể phải chịu từ 5 đến 15 năm tù”, LS Trần Đình Triển cho biết.