Lách luật “đẩy” giá vé xe tết

Sự kiện: Vé tàu xe tết

Trong tháng 1, nhiều hãng xe tìm cách tăng giá vé ngày thường, sau đó phụ thu tiếp 60% để tạo thành “cú đúp” tăng giá xe tết.

“Ngày thường giá vé giường nằm tuyến TP.HCM-Hà Tĩnh chỉ khoảng 700.000 đồng/vé. Nhưng để về Hà Tĩnh trong dịp tết này, phải rất khó khăn tôi mới mua được một tấm vé với giá gần 1,7 triệu đồng. Mừng vì mua được vé về quê song tôi vẫn ấm ức vì trước đó các nhà xe cam kết chỉ tăng tối đa 60% so với ngày thường” - chị Nguyễn Thị Bông, ngụ quận Tân Phú, cho biết.

Tăng 70%-100% so với tháng 12/2012


Theo ghi nhận tại Bến xe Miền Đông, quả thật giá vé xe tết của nhiều hãng chỉ tăng 60% so với bảng giá ngày thường đang được niêm yết. Tuy nhiên, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho hay: Thực tế giá vé xe tết cao là do trước đó nhiều doanh nghiệp đã “ra chiêu” tăng trước giá vé xe ngày thường. Chỉ riêng từ ngày 5 đến 10/1, có khoảng 20 hãng xe hoạt động tại bến này đã kê khai, tăng giá vé lên thêm 5%-10%. Sau đó, các hãng tiếp tục điều chỉnh tăng giá vé tết không vượt quá 60% dựa trên mức giá mới. Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long.

Tại bảng niêm yết giá vé giường nằm ngày 9/1 của Công ty Hoàng Long, giá vé từ TP.HCM đi Hà Nội là 950.000 đồng/vé, đi Thanh Hóa 820.000 đồng/vé, đi Hải Phòng giá 980.000 đồng/vé. Trong khi đó, giá vé vào những ngày cao điểm trước tết (24 đến 28 tháng Chạp) của các tuyến trên đều như nhau, gần 1,7 triệu đồng/vé. Như vậy, so với trước ngày 9/1, giá vé xe tết tuyến TP.HCM-Thanh Hóa của Hoàng Long đã tăng hơn 100%. Các tuyến khác cũng tăng trên 70%.

Lách luật “đẩy” giá vé xe tết - 1

Dù các hãng xe tranh thủ “làm giá” nhưng nhiều người vẫn phải chen lấn trong nhiều giờ mới mua được tấm vé xe tết. Ảnh: MP

Để làm được việc này, trước đó Công ty Hoàng Long đã liên hệ Sở GTVT, Sở Tài chính TP.HCM để kê khai, tăng giá vé xe ngày thường lên 10% nhưng các đơn vị trên chỉ đồng ý tăng 5%. Thế là họ mang hồ sơ ra Hà Nội kê khai và được chấp nhận tăng giá vé xe ngày thường lên 10% từ ngày 12/1. Kế tiếp, họ phụ thu giá vé xe tết dựa trên bảng giá ngày 12/1.

Biết nhưng khó xử lý

Nắm bắt nhu cầu tăng cao trong dịp tết của hành khách, nhiều hãng xe hoạt động dưới hình thức “hợp đồng”, “du lịch” cũng đẩy giá lên cao. Hầu hết hãng xe ở đường Hồng Lạc, Bàu Cát (quận Tân Bình), Phạm Ngũ Lão (quận 1) đi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đều hét giá cao gấp đôi ngày thường. Chẳng hạn, ngày thường giá vé giường nằm đi các tỉnh trên chỉ 320.000-420.000 đồng/vé nhưng dịp cao điểm “vọt” lên 700.000-800.000 đồng/vé.

“Đúng là giá có cao thật nhưng hãng nào cũng vậy, không mua không được” - anh Nguyễn Trung Tiến, ngụ Bình Tân, ngán ngẩm nói sau khi vất vả chen lấn mãi mới mua được một tấm vé về Quảng Ngãi.

Thanh tra Sở Tài chính khẳng định sẽ kiểm tra và xử lý kiên quyết những trường hợp tăng giá vé vượt quá 60% ở các bến xe. Các đoàn kiểm tra liên ngành ở quận, huyện cũng thường xuyên hỗ trợ nhằm phát hiện các hãng xe vi phạm. Tuy nhiên, với những trường hợp “lách” như hãng xe Hoàng Long thì các đơn vị cho biết đang lúng túng, không thể xử lý được.

Với những xe hoạt động ngoài bến dưới hình thức xe hợp đồng, xe du lịch, cơ quan chức năng cũng không có cơ sở xem xét, xử lý vi phạm về giá (bởi giá vé do thỏa thuận của nhà xe và hành khách, khác với tuyến cố định). Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT cho hay kế hoạch kiểm tra, xử lý xe “dù”, bến “cóc” đang được triển khai. Còn các vi phạm về giá thì không thuộc thẩm quyền của đơn vị này.

Chào thua với “chân trong, chân ngoài”

Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông, nhiều hãng xe chạy tuyến liên tỉnh có quầy vé trong Bến xe Miền Đông còn tổ chức bán vé bên ngoài. Ở các quầy ngoài bến, họ bán hai loại vé: ngoài vé cho xe chạy trong bến (theo bảng giá đã được niêm yết) còn có loại vé cho xe “chạy theo hợp đồng” cũng trên tuyến đó với giá cao hơn giá trong bến đến 2-3 lần. “Bến xe chỉ kiểm soát được giá vé các quầy trong bến, còn bên ngoài thì thua!” - ông Thừa nói.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện có hơn 40 điểm trong nội đô chuyên bán vé xe chạy trên tuyến liên tỉnh nhưng “núp bóng” xe hợp đồng, du lịch lữ hành. “Các hãng bán vé ở các điểm trên đều có đăng ký chạy xe trong bến. Nhưng với chiêu “chân ngoài dài hơn chân trong” như trên thì Thanh tra Sở GTVT cũng… thua luôn!” - ông Việt nói.

Mới đây, Thanh tra Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT không cho phép doanh nghiệp vận tải được tổ chức bán vé tại trụ sở hoặc chi nhánh nằm trong nội đô mà chỉ được bán vé tại bến. Cạnh đó, không cho phép doanh nghiệp được đón khách tại trụ sở doanh nghiệp hoặc trung chuyển khách từ trụ sở ra bến… “Chỉ như thế mới mong dẹp được nạn xe núp bóng, làm giá ép khách vào các dịp lễ, tết” - ông Việt nói.

L.Đức - H.Tuyên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Phong (Pháp luật TP.HCM)
Vé tàu xe tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN