Kỷ vật 10 cô gái Đồng Lộc kể lại chuyện tình yêu nơi tọa độ lửa

Sự kiện: Thời sự

Bức thư gửi mẹ, nồi cá kho dở hay chiếc lược cùng lọn tóc hẹn thề... là những kỷ vật của 10 cô gái TNXP được trưng bày ở bảo tàng ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Những kỷ vật là những câu chuyện cảm động kể về chuyện tình yêu nơi tọa độ lửa.

Những năm chiến tranh, ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là huyết mạch giao thông hậu phương chi viện cho người và hàng hóa vào chiến trường miền Nam. Con đường độc đạo giống như yết hầu, bởi mọi chí tuyến từ Bắc vào Nam đều phải chạy qua tuyến đường này.

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta. Ngày đêm bom súng nổ sáng trời, nhưng với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong.

Chân dung 10 cô gái TNXP tại ngã ba Đồng Lộc. (ảnh Hoài Nam)

Chân dung 10 cô gái TNXP tại ngã ba Đồng Lộc. (ảnh Hoài Nam)

51 năm trôi qua, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong ngã xuống đã trở thành địa chỉ “đỏ” của nhân dân cả nước về dâng hương tưởng niệm. Nhiều người cảm động rơi nước mắt khi được nghe kể lại những câu chuyện gắn liền với cuộc đời của 10 nữ thanh niên xung phong phá lấp hố bom, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Trong những kỷ vật được lưu giữ tại khu bảo tàng ngã ba Đồng Lộc, có kỷ vật được tìm thấy ngay tại hố bom nơi các chị nằm lại, nhưng cũng có những kỷ vật được gia đình cất giữ nhiều năm trước khi giao lại cho bảo tàng.

Trong đó, có bức thư của đội trưởng Võ Thị Tần - Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh viết gửi cho người mẹ trước 5 ngày chị hi sinh thể hiện tinh thần gan dạ, dũng cảm và lòng yêu nước sắt son của lực lượng TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bức thư của nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi cho mẹ trước 5 ngày chị hi sinh. (ảnh Hoài Nam)

Bức thư của nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi cho mẹ trước 5 ngày chị hi sinh. (ảnh Hoài Nam)

“Ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con….Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu là đường sá đã bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường được nối bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con..”, trích bức thư chị Tần gửi mẹ.

Ngoài bức thư gửi mẹ, kỷ vậy lọn tóc thề cùng chiếc lược của nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần tái hiện câu chuyện tình sắt son còn dang dở trong tuyến bom đạn giữa chị và chàng trai cùng làng.

Lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của chị Võ Thị Tần. (ảnh Hoài Nam)

Lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của chị Võ Thị Tần. (ảnh Hoài Nam)

Chuyện kể, trước khi tham gia chiến trường chị Tần và chàng trai  Nguyễn Đức Hồng cùng làng có lời hẹn thề ngày thống nhất đất nước sẽ nên duyên vợ chồng. Để chứng minh tình yêu và lòng chung thủy, chị Tần gửi lọn tóc của mình cho người yêu, còn anh Hồng trao tặng chiếc lược màu trắng ngà cho chị.

Tuy nhiên những ước hẹn đó chỉ mãi là dĩ vẵng, không thể thực hiện khi người con gái dũng cảm, gan dạ ấy đã hi sinh nơi chiến trường. Lọn tóc thề và chiếc lược là 2 kỷ vật được chàng trai cất giữ suốt nhiều năm trước khi trao lại cho bảo tàng. Với anh đó là kỷ vật vô giá.

Chiếc vali của nữ thanh niên xung phong Trần Thị Hường. (ảnh Hoài Nam)

Chiếc vali của nữ thanh niên xung phong Trần Thị Hường. (ảnh Hoài Nam)

Cạnh chiếc lược cùng lọn tóc thề là chiếc nồi kho cá được đồng đội tìm thấy trong lán trại vào ngày các chị hy sinh. Ngày ấy vào buổi chiều tháng 7 năm 1968, khi đang kho dở nồi cá thì đơn vị nhận được lệnh ra lấp hố bom cho xe thông qua.

Lúc này 10 cô gái nhận nhiệm vụ rồi hăng hái đường. Đội hình được xếp thành hàng dọc, tay cầm xẻng đào đất, miệng hát ca vang vọng núi rừng. Thế nhưng, sau một tiếng nổ lớn “xé trời”, đồng đội chạy lại thì chẳng thấy mặt người, gọi chẳng ai thưa, chỉ thấy một hố bom sâu hoắm cùng vài chiếc xẻng, cuốc vǎng ra. Cả 10 cô gái trẻ vừa mới tuổi tròn đôi mươi đã hy sinh.

Tại khu bảo tàng có 2 đôi dép cao su, cùng mũ và cuốc xẻng được tìm thấy ngay tại hố bom các chị hi sinh. Ngoài ra còn 3 chiếc áo của chị Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường lấm lem bùn đất, chỗ lành chỗ rách được trưng bày ở bảo tàng.

3 chiếc áo của chị Hường, chị Lợi và chị Xuân được lưu giữ tại bảo tàng ngã ba Đồng Lộc. (ảnh Hoài Nam)

3 chiếc áo của chị Hường, chị Lợi và chị Xuân được lưu giữ tại bảo tàng ngã ba Đồng Lộc. (ảnh Hoài Nam)

Nhiều nhất là những kỷ vật của chị Trần Thị Hường. Trong đó có sổ hát, học bạ và chiếc vali là kỷ vật được người cậu là ông Trần Hữu Tịch trân trọng như bảo bối. Khi cán bộ bảo tàng đến vận động xin lại kỷ vật của chị Hường, ông Tịch không đồng ý bởi đây là kỷ vật sót lại của người cháu ông rất mực thương yêu. Sau 4 lần thuyết phục, ông Tịch mới đồng ý để bảo tàng cất giữ những báu vật này.

Theo một cán bộ Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, hiện bảo tàng có hơn 1.000 hiện vật của TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  Trong số hàng nghìn tư liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng này thì những kỷ vật của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc được chú ý nhất. Từ những hiện vật này, những câu chuyện về một thời hoa lửa hiện về khiến lòng người lắng lại.

Con gái liệt sĩ nghẹn ngào kể hành trình 10 năm lặn lội tìm mộ cha

Cô giáo Huỳnh Thanh Bình cuối cùng cũng tìm được hài cốt của người cha là liệt sĩ sau hơn 10 năm trời lặn lội. Đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Nam ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN