Kỳ lạ món đồ chơi từ củi khô, giấy màu vẫn khiến vạn người mê
Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản như củi khô, giấy màu, vải bạt…qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công đã trở thành món đồ chơi khiến vạn người mê suốt hàng trăm năm qua.
Clip: Cận cảnh "thần đèn" làm đèn kéo quân
Hằng năm, cứ đến dịp rằm tháng 8 Âm lịch, người dân thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) lại tất bật vào mùa làm đèn kéo quân khi các đơn hàng từ khắp các tỉnh miền Bắc liên tục đổ về.
Tìm về gia đình ông Vũ Văn Sinh, người được mệnh danh là “thần đèn”, người giữ lửa cho làng nghề làm đèn kéo quân. Trong căn nhà chất đầy củi khô , giấy màu, vải bạt là những chiếc đèn kéo quân to nhỏ đủ loại, sặc sỡ, đẹp lộng lẫy bày la liệt.
Lớn lên trong gia đình có nghề truyền thống, từ nhỏ ông Sinh đã bị "mê hoặc" bởi những câu chuyện mà cha ông gửi gắm qua những chiếc đèn. Từ năm lên 8 tuổi, nghề làm đèn kéo quân đã ngấm vào máu và gắn bó với cuộc đời ông từ đó tới nay.
Theo ông Sinh, công đoạn khó khăn nhất trong làm đèn kéo quân là làm trục và tán quay cho đèn. Trục đèn được làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Với khung bằng tre sẽ được quấn quanh bằng giấy poluya, người làm phải dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn.
Đèn kéo quân gồm 3 bộ phận chính. Khung ngoài làm bằng bìa cứng, các-tông, nhựa... Lồng quay bên trong làm bằng giấy mềm và nhẹ như giấy bóng mờ, giấy can, giấy màu mỏng… (nay có thể cải tiến thành một lớp vải mỏng). Lồng quay trang trí hình ảnh để khi quay tạo thành hình ảnh chuyển động (kéo quân).
Các hình ảnh trên đèn thường thể hiện tinh thần yêu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc, như các tướng sĩ xung trận, ông trạng vinh quy bái tổ, tứ linh nhảy múa…
Bước cuối cùng, lồng đèn sẽ được trang trí thật sặc sỡ. Những dóng trụ đèn được quấn bằng các loại giấy màu. Giấy kim vàng óng ánh trổ họa tiết để dán vào đầu và chân các trụ đèn.
Ông Sinh chia sẻ: “Ngày nay, đồ chơi bằng nhựa, đồ chơi điện tử rất nhiều và trẻ nhỏ cũng ít khi mặn mà với đồ chơi dân gian. Nhưng với tình yêu nghề, năm nào tôi cũng duy trì làm món đồ chơi truyền thống này dù ít dù nhiều. Cũng là cách để dạy cho lớp trẻ tình yêu với đồ chơi truyền thống.”
“Từ những vật dụng tưởng chừng như đơn giản như gỗ, củi bỏ đi hay từ giấy màu, vải bạt… nếu biết tận dụng và sáng tạo thì vẫn có thể biến chúng thành những món đồ chơi hấp dẫn và rất bền, có thể chơi được nhiều năm liền.” ông Sinh cho biết thêm.
Trung bình, mỗi người trong gia đình ông Sinh có thể làm hoàn thiện hai chiếc lồng đèn trong một ngày. Giá bán tuỳ theo kích cỡ, cái nhỏ 150.000 đồng hoặc lên tới cả chục triệu đồng. “Nếu trừ chi phí nhân công, vật tư, vận chuyển đi thì lãi lời chẳng được bao nhiêu đâu, nhưng tôi làm vì đam mê, không làm lại thấy nhớ, chứ không xem nặng việc kinh doanh", ông Sinh nói.
Đúng như mong đợi, lễ hội đèn lồng đầu tiên tại Việt Nam đã mang đến cho người dân Hà Nội nhiều bất ngờ.