Kissinger: Khủng hoảng Ukraine kết thúc ra sao

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger vạch ra kịch bản cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Ngày 6/3, Henry Kissinger, vị Ngoại trưởng nổi tiếng của Mỹ trong giai đoạn 1973-1977 đã đăng một bài phân tích trên tờ Washington Post có tựa đề “Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ kết thúc như thế nào”. Sau đây chúng tôi xin trích lược quan điểm và góc nhìn của vị ngoại trưởng đầy kinh nghiệm này về cuộc khủng hoảng tại một trong những điểm nóng nhất thế giới hiện nay.

Dư luận về Ukraine hiện nay chỉ toàn là những luận điệu đối đầu nhau chan chát, nhưng liệu chúng ta có biết mình đang đi về đâu? Trong cuộc đời mình (Henry Kissinger – PV), tôi đã chứng kiến 4 cuộc chiến tranh bắt đầu bằng sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng, nhưng cuối cùng chúng ta không biết làm thế nào để kết thúc 4 cuộc chiến đó, và chúng ta đã phải đơn phương rút quân trong 3 cuộc chiến. Phép thử hiệu quả nhất của chính sách là kết thúc nó như thế nào, chứ không phải khởi đầu nó ra sao.

Kissinger: Khủng hoảng Ukraine kết thúc ra sao - 1

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

Từ lâu vấn đề Ukraine đã trở thành một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa việc ngả về phía Đông hay thuận theo phía Tây. Tuy nhiên nếu muốn tồn tại và thịnh vượng, Ukraine không được phép ngả về bất cứ bên nào mà phải trở thành một chiếc cầu nối giữa hai phía.

Nga phải nhận ra rằng việc tìm cách ép Ukraine vào quỹ đạo của mình để làm thay đổi đường biên giới sẽ lại đẩy Moscow vào tình cảnh đối đầu liên miên không ngớt với cả châu Âu và Mỹ.

Cả phương Tây cũng phải hiểu rằng, đối với người Nga, Ukraine không bao giờ có thể là một đất nước xa lạ. Lịch sử nước Nga khởi nguồn từ nền văn hóa Kievan-Rus. Tôn giáo của Nga cũng bắt đầu lan tỏa từ đó. Ukraine đã là một phần của Nga trong nhiều thế kỷ, và lịch sử hai nước cũng hòa quyện vào nhau trong thời gian đó.

Một số cuộc chiến quan trọng giành tự do của Nga, khởi đầu từ cuộc chiến Poltava năm 1709, đều diễn ra trên đất Ukraine. Hạm đội Biển Đen, phương tiện quan trọng để Nga thể hiện quyền lực trên Địa Trung Hải cũng đóng quân lâu dài tại căn cứ ở Sevastopol, Crimea. Rất nhiều người đã thừa nhận rằng Ukraine là một phần gắn bó của lịch sử Nga, và của cả nước Nga.

Kissinger: Khủng hoảng Ukraine kết thúc ra sao - 2

Ukraine từng là chiến trường giữa quân Nga và Đế chế Ottoman

Liên minh châu Âu phải thừa nhận rằng sự chậm trễ đầy quan liêu của họ cũng như việc đánh giá thấp vấn đề chiến lược ở Ukraine thành một vấn đề chính trị nội bộ khi đàm phán về mối quan hệ giữa Ukraine với châu Âu đã phần nào đẩy tình hình vào khủng hoảng, bởi chính sách đối ngoại là nghệ thuật của việc thiết lập ưu tiên.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, người Ukraine mới là nhân tố mang tính quyết định. Họ sống ở một đất nước có lịch sử hòa trộn và một nền ngôn ngữ nhiều thứ tiếng. Khu vực phía tây Ukraine được sáp nhập vào Liên Xô năm 1939, còn bán đảo Crimea với 60% dân số là người Nga lại trở thành một phần của Ukraine vào năm 1954, khi Tổng Bí thư Nikita Khrushchev nhượng vùng đất này để kỷ niệm 300 năm quan hệ giữa Nga và người Cossack.

Miền Tây chủ yếu theo Công giáo, còn miền Đông lại có rất nhiều người theo Chính thống giáo Nga. Miền Tây nói tiếng Ukraine, còn người miền Đông chủ yếu nói tiếng Nga. Bất cứ nỗ lực nào của mỗi miền nhằm áp đặt ảnh hưởng lên miền kia rốt cuộc đều dẫn tới nội chiến hoặc chia rẽ. Việc biến Ukraine thành một chiến trường Đông-Tây sẽ hủy hoại bất cứ triển vọng hợp tác quốc tế nào giữa Nga và phương Tây.

Kissinger: Khủng hoảng Ukraine kết thúc ra sao - 3

Crimea được Liên Xô nhượng lại cho Ukraine vào năm 1954

Ukraine mới chỉ giành được độc lập 23 năm trước đây, bởi quốc gia này đã từng bị ảnh hưởng nặng nề của các thế lực nước ngoài kể từ thế kỷ 14. Tuy nhiên nền chính trị của Ukraine từ sau khi giành được độc lập đã cho thấy gốc rễ của mọi vấn đề luôn nằm ở những mưu toan của các chính trị gia Ukraine nhằm áp đặt ý chí của mình lên các khu vực bị coi là “chống đối” của đất nước, hết phe này rồi đến phe khác.

Điều này được minh họa một cách sinh động trong mối quan hệ đầy xung đột giữa cựu Tổng thống Viktor Yanukovych và đối thủ chính trị lớn của ông là bà Yulia Tymoshenko. Họ là đại diện của 2 miền Ukraine, và cả hai đều không hề muốn chia sẻ quyền lực cho nhau. Thế nên chính sách khôn ngoan của Mỹ ở Ukraine là tìm cách để cho hai miền đất nước hợp tác với nhau. Chúng ta nên tìm cách hòa giải chứ không phải để cho một bên thắng thế.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, cả Nga và phương Tây đều đã không hành động dựa trên nguyên tắc này. Các bên đều chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Nga không thể sử dụng đến giải pháp quân sự để giải quyết tình hình ở Ukraine nếu không muốn tách mình ra với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, việc phương Tây công kích, bôi nhọ Putin không phải là một chính sách đúng đắn, đó chỉ là cái cớ cho sự vắng mặt của họ ở Ukraine.

Kissinger: Khủng hoảng Ukraine kết thúc ra sao - 4

Nếu hành động quân sự ở Ukraine, Nga sẽ tự tách mình ra khỏi thế giới

Tổng thống Nga Putin cũng phải nhận ra rằng chính sách áp đặt quân sự chỉ làm sản sinh ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Về phần mình, Mỹ cũng cần phải tránh đối xử với Nga như một kẻ lầm lạc cần phải được dạy dỗ về những quy tắc ứng xử do Washington tự vạch ra. Putin là một nhà chiến lược lão luyện, lịch sử Nga đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên việc hiểu các giá trị và tâm lý Mỹ không phải là điểm mạnh của ông. Tương tự, việc thấu hiểu lịch sử và tâm lý người Nga cũng không phải là vấn đề mà các nhà làm luật Mỹ thuần thục.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các bên đều phải bình tĩnh để xem xét hậu quả của cuộc khủng hoảng chứ không phải ra sức so kè với nhau. Sau đây là kịch bản cho cuộc khủng hoảng Ukraine phần nào thích hợp với giá trị và lợi ích an ninh của tất cả các bên:

1. Ukraine phải được quyền tự quyết định quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị của mình, kể cả với châu Âu.

2. Ukraine không nên gia nhập NATO.

3. Ukraine cần được tự do lập nên một chính phủ phù hợp với nguyện vọng của người dân. Sau đó các lãnh đạo khôn ngoan sẽ lựa chọn một chính sách hòa giải giữa các vùng miền. Trên trường quốc tế, họ nên theo đuổi chính sách tương tự như Phần Lan. Đất nước này đã luôn giữ vững nền độc lập và hợp tác với phương Tây trong phần lớn các lịch vực nhưng vẫn thận trọng tránh gây thù địch với Nga.

4. Việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình sẽ không phù hợp với các quy tắc của trật tự thế giới hiện nay. Tuy nhiên có thể biến quan hệ giữa Crimea với Ukraine thành quan hệ ít phụ thuộc hơn. Với kịch bản này, Nga sẽ thừa nhận chủ quyền của Ukraine đối với Crimea. Ngược lại, Ukraine sẽ tăng thêm quyền tự trị cho Crimea, đồng thời loại bỏ tất cả những sự không minh bạch trong tình trạng của Hạm đội Biển Đen tại quân cảng Sevastopol.

Tuy nhiên các ý tưởng trên đây chỉ là những nguyên tắc sơ bộ, không phải là “đơn thuốc” kê sẵn cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Những người tìm hiểu sâu về khu vực này sẽ nhận ra rằng không phải nguyên tắc nào cũng có lợi cho tất cả các bên. Tuy nhiên, phép thử ở đây là không ai hài lòng tuyệt đối nhưng sự thất vọng là phải đồng đều. Nếu không thực hiện theo đúng nguyên tắc này, tình trạng đối đầu sẽ tiếp tục tăng lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo WashingtonPost) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN