Kinh tế khó khăn, Putin vẫn quyết hiện đại hóa quân đội

Sự kiện: Vladimir Putin

Putin tuyên bố Nga quyết tâm tăng cường lực lượng hạt nhân để “ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ kẻ địch xâm lược nước Nga quy mô lớn”.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow vẫn sẽ kiên quyết tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa vũ khí đầy tham vọng của nước này, trong đó đặc biệt chú ý đến các lực lượng hạt nhân chiến lược, bất chấp kinh tế Nga đang rơi vào gian đoạn đầy khó khăn.

Phát biểu trong một cuộc họp với các tướng lĩnh cấp cao của quân đội Nga hồi cuối tuần trước, ông Putin tuyên bố lực lượng hạt nhân của Nga là “thành tố chính trong duy trì cân bằng toàn cầu” và khẳng định những lực lượng này đã “ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ kẻ địch xâm lược nước Nga quy mô lớn”.

Kinh tế khó khăn, Putin vẫn quyết hiện đại hóa quân đội - 1

Tổng thống Putin và các tướng lĩnh quân đội Nga

Theo ông Putin, trong thời gian tới đây, quân đội Nga sẽ nhận thêm 50 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, một con số lớn hơn rất nhiều so với các năm trước đó.

Tuyên bố trên của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế nước Nga đang lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy trong hàng chục năm trở lại đây, hậu quả của lệnh cấm vận nặng nề do phương Tây áp đặt và sự sụt giảm thê thảm của giá dầu thế giới.

Việc đồng rúp của Nga giảm giá liên tiếp trong thời gian vừa qua đã làm dấy lên nỗi lo sợ về nguy cơ lạm phát cao và một cuộc khủng hoảng ngân hàng, khiến người Nga đổ xô đến các trung tâm điện máy mua sắm các thiết bị điện tử đắt tiền vì e ngại chúng sẽ tăng giá trong tương lai.

Việc Nga tiếp tục hiện đại hóa quân đội cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang lên rất cao, đặc biệt là từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bị cáo buộc có dính líu vào cuộc khủng hoảng hiện nay ở miền đông Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội, ông Putin nói: “Một lần nữa, tôi muốn cảm ơn các chỉ huy và quân nhân quân đội vì những hành động chuẩn xác, cẩn trọng và vững vàng, vì lòng dũng cảm và sự chuyên nghiệp của họ trong sự kiện ở Crimea”.

Trước khi người dân Crimea tổ chức cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào lãnh thổ nước Nga, trên bán đảo này đã xuất hiện đông đảo lực lượng vũ trang bịt mặt, không đeo phù hiệu kiểm soát các vị trí quan trọng và các căn cứ của quân đội Ukraine. Trước đây ông Putin nói rằng đây chỉ là lực lượng tự vệ địa phương, và chỉ thừa nhận đó là quân đội Nga sau khi sáp nhập Crimea vào hồi tháng Ba.

“Những diễn biến mới nhất đã cho thấy quân đội Nga đang thay đổi, mang lên mình hình ảnh mới và đang trở thành một lực lượng hiện đại có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn nhất”, Tổng thống Putin ca ngợi.

Mặc dù vậy, ông vẫn bác bỏ những cáo buộc do phương Tây đưa ra rằng Nga đang điều binh sĩ và vũ khí hạng nặng tới hỗ trợ phe ly khai ở miền Đông Ukraine, nơi hơn 4.700 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng nổ vào hồi tháng Tư.

Kinh tế khó khăn, Putin vẫn quyết hiện đại hóa quân đội - 2

Một hệ thống tên lửa Iskander của quân đội Nga

Những căng thẳng ở Urkraine đã khiến NATO phải tăng cường các hoạt động tuần tra trên vùng trời biển Baltic và điều động các lực lượng luân phiên đồn trú ở những quốc gia thành viên phía đông như Ba Lan và các nước cộng hòa Baltic.

Về phần mình, Nga cũng tăng cường các chuyến bay tuần tra chiến lược. Hồi tuần trước, Nga đã bố trí tên lửa Iskander hiện đại tới khu vực Kaliningrad giáp biên giới với Ba Lan và Lithuania để tập trận. Moscow từng cảnh báo rằng họ có thể bố trí tên lửa Iskander có độ chính xác cao trong khu vực này để đáp trả các kế hoạch phòng thủ tên lửa của NATO.

Việc tên lửa Iskander được vận chuyển bằng máy bay tới vùng Kaliningarad cho thấy khả năng Nga có thể triển khai loại vũ khí hiện đại này nhanh đến mức nào tới vùng Baltic một khi tình huống căng thẳng nổ ra.

Trong số những ưu tiên đặt ra cho quân đội Nga, ông Putin cũng đề cập tới kế hoạch tăng cường sự hiện diện của quân đội ở Bắc Cực, nơi được cho là có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Tổng thống Nga khẳng định: “Chúng ta sẽ không tham gia vào cuộc đua quân sự hóa Bắc Cực, hành động của chúng ta ở Bắc Cực là kiềm chế và hợp lý, tuy nhiên đó là điều cần thiết để đảm bảo khả năng quốc phòng của Nga”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Vladimir Putin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN